+Aa-
    Zalo

    Những giếng nước thiêng ở Hà Nội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một số giếng được truyền miệng là giúp các bà mẹ có nhiều sữa, đem sự sung túc cho gia đình.

    Một số giếng được truyền miệng là giúp các bà mẹ có nhiều sữa, đem sự sung túc cho gia đình.

    1. Giếng 1.000 năm tuổi trong Hoàng thành Thăng Long

    Những giếng nước thiêng ở Hà Nội

    Trong diện tích khoảng 3,3ha ở số 18 Hoàng Diệu (Hà Nội), các nhà khảo cổ đã tìm thấy tới 26 giếng nước. Chiếc cổ nhất là giếng Đại La, có từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 9. Giếng sâu tới 5,9m, bị đất đá lấp nên các công nhân mất nhiều tuần mới khơi lại được. Sau đó, nước giếng lại về đầy và trong vắt. Có người đã xin nước giếng về đặt lên bàn thờ, coi đó là sinh khí của Hoàng thành.

    2. Giếng làng Diềm của người hát quan họ

    Những giếng nước thiêng ở Hà Nội

    Khi nói đến giếng Bắc Bộ, phải nhắc đến giếng Ngọc ở đầu làng Diềm, thôn Viêm Xá, xã Hòa Long (TP Bắc Ninh). Nơi đây sản sinh ra điệu dân ca quan họ, di sản phi vật thể của nhân loại. Giếng đã tồn tại cả nghìn năm và nước vẫn luôn đầy, xanh trong thấy đáy.

    Đến nay, người dân làng Diềm có một thói quen cha truyền con nối là múc nước giếng Ngọc về pha trà và nấu rượu dù trong làng đã có nước máy. Dân làng Diềm hát quan họ hay có lẽ cũng là nhờ uống nước ở giếng Ngọc này. Trước đây, khi lấy vợ, các trai làng dùng nước giếng vo gạo, đồ xôi làm đồ lễ hỏi vợ.

    3. Tục xin sữa ở giếng Trung Kính Thượng

    Những giếng nước thiêng ở Hà Nội

    Giếng làng Trung Kính Thượng nằm ở phố Nguyễn Ngọc Vũ, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Giếng không còn nước nhưng có thể thấy vai trò tâm linh của nó vẫn còn. Xung quanh giếng mới được xây tường bảo quản và có mái bát giác che nắng mưa. Bàn thờ thần giếng có 3 chữ Thiên Quang Tỉnh vẫn được hương khói và giữ tôn nghiêm.

    Theo quan niệm xưa, nước nuôi dưỡng con người và sữa nuôi dưỡng trẻ sơ sinh nên các cụ trồng cây hoa sữa bên giếng, hiện nay vẫn còn. Có tục truyền, những phụ nữ thiếu sữa nuôi con thì sắm lễ mang ra giếng làm lễ cầu xin. Sau đó, người mẹ bứt cành hoa sữa treo vào hai đầu đòn gánh rồi đem về treo tại buồng nhà mình. Nhà nào làm vậy thì các bà mẹ thiếu sữa sẽ có nhiều sữa cho con bú.

    4. Giếng thiêng làng Phú Diễn

    Những giếng nước thiêng ở Hà Nội

    Ở Phú Diễn, Từ Liêm (Hà Nội) có chiếc giếng khơi miệng làm bằng đá tròn nguyên khối, vẫn được giữ gìn cẩn thận. Theo ông Nguyễn Viết Liên (90 tuổi) người làng Phú Diễn, trước đây, làng có giếng Xỏ, nước rất ngon nhưng phụ nữ hay chết trẻ, đặc biệt là người đẻ con so. Vì thế, giếng Xỏ bị lấp đi và khơi giếng mới ở đầu làng.

    Giếng Phú Diễn hiện vẫn đầy ắp nước, nhiều năm hạn, các làng kế cận phải qua xin nước. Dưới đáy giếng có 3 phiến gỗ lim. Hàng năm, dân làng vẫn tát cạn nước thau giếng, tẩy uế. Phải đợi sau khi lấy nước giếng đem đi cúng thánh, làm lễ tắm tượng xong dân làng mới lấy nước. Chỉ trai tân, gái tân mới được vào giếng lấy nước. Ngày nay, hội làng Phú Diễn vào rằm tháng 3 là lễ rước nước từ giếng cổ ra đình.

    5. Rước nước giếng thiêng làng Giàn

    Những giếng nước thiêng ở Hà Nội

    Hội làng Giàn, thôn Cáo Đỉnh, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (Hà Nội) mở từ 9 tới 11/2 Âm lịch. Điểm nhấn của lễ hội là nghi lễ rước nước từ chiếc giếng cổ tương truyền có từ thời Hai Bà Trưng về đình. Sau khi các cụ cao niên làm lễ xin nước, hai thanh niên lực lượng mặc áo đỏ, gánh nước bằng tay đòn sơn son. Họ chạy khắp làng, đi vào nhà dân tùy hứng. Người dân tin rằng nhà nào được gánh nước ghé thăm sẽ có lộc cả năm.

    6. Tục lấy nước giếng đêm giao thừa

    Những giếng nước thiêng ở Hà Nội

    Hàng năm, vào thời khắc giao hòa năm cũ và mới, các bậc cao niên cùng nhiều người dân làng Yên Thôn, huyện Thạch Thất (Hà Nội) lại tập trung để lấy những gàu nước tinh khiết của giếng làng. Nước để dâng cúng Thành hoàng làng, rồi rước về cúng tổ tiên các nhà, cầu một năm mới no ấm, an lành.

    Gần đây, người dân quanh Hà Nội xôn xao nhiều về giếng "cho sữa" ở làng Đường Lâm. Nhiều người tin rằng, phụ nữ tới đây xin nước giếng về uống, dùng làm nước ăn, sẽ có sữa cho con bú.

    Không chỉ ở Đường Lâm, ở một số vùng Bắc Bộ, giếng nước vẫn được coi là trung tâm của đời sống tôn giáo, văn hóa cộng đồng, nơi tụ thủy, tụ phúc của cả làng. Giếng thường được đặt ở các vị trí tuân thủ các nguyên tắc phong thủy.

    Giếng ở đình, chùa thường được gọi là giếng Ngọc để chỉ sự quan trọng và tính thiêng liêng của giếng. Một số giếng còn được tương truyền giúp các bà mẹ có nhiều sữa cho con bú. Ngày đầu năm, nước giếng được rước về đình làm lễ cúng Thánh, lễ tắm tượng. Sau giao thừa, dân làng gánh nước giếng về nhà để cho cả năm sung túc.

    C.P(theo VNE)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-gieng-nuoc-thieng-o-ha-noi-a27913.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan