+Aa-
    Zalo

    Những điều đừng nên nói khi thăm “bà đẻ”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Có những điều tưởng chừng như là lời động viên, hỏi thăm xã giao nhưng lại làm tổn thương đến những người mẹ mới sinh con.

    (ĐSPL) – Có những điều tưởng chừng như là lời động viên, hỏi thăm xã giao nhưng lại làm tổn thương đến những người mẹ mới sinh con.

    Sau đây là điều không nên nói khi đi thăm “bà đẻ”:

    Con ngủ thì mẹ tranh thủ ngủ đi

    Đây có lẽ là lời khuyên phổ biến mà một bà mẹ mới sinh phải nghe. Hầu như ai đến thăm cũng nói những điều đại loại như vậy. Bản thân phải nghe đi nghe lại những điều này đã làm cho cô ấy quá nhàm chán rồi.

    Và sẽ còn tồi tệ hơn nếu cô ấy sinh con lần thứ hai. Bởi ai cũng biết, mẹ mới sinh khó mà có thể chợp mắt được khi con thường xuyên quấy khóc, đòi bú và những đứa con khác cũng cần được quan tâm, chăm sóc.

    Thay vì đưa ra những lời nói suông, hãy dọn dẹp nhà cửa hay làm một công việc gì đó giúp đỡ cô ấy. Đó là cách thiết thực để “mẹ đẻ” có thêm thời gian nghỉ ngơi khi “ở cữ”. Ảnh minh họa.

    Vì vậy, thay vì đưa ra những lời nói suông, hãy dọn dẹp nhà cửa hay làm một công việc gì đó giúp đỡ cô ấy. Đó là cách thiết thực để “mẹ đẻ” có thêm thời gian nghỉ ngơi khi “ở cữ”.

    Mẹ không cho con bú à? Bú sữa mẹ là tốt nhất cho con đấy

    Chắc chắn một phụ nữ sẽ biết những kiến thức cơ bản chăm con ngay từ khi cô ấy còn mang bầu, vì vậy, không cần thiết bạn phải nhắc lại những điều “vô nghĩa” đó với cô ấy. Bởi bạn không hiểu rõ tình hình và lý do đằng sau vì sao cô ấy không thể cho con bú. Vì vậy, thay vì nói ra những lời đau lòng đó, hãy lắng nghe và tôn trọng quyết định của cô ấy – cho dù điều đó hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của bạn đi chăng nữa.

    Bé nhà cậu khóc nhiều thật đấy

    Với những người sinh con lần 2, 3… thì điều này không vấn đề gì nhưng với những người làm mẹ lần đầu thì điều này có thể làm cô ấy tổn thương và lo lắng liệu mình có quá vụng về hay không biết chăm con không.

    Thay vì nói ra điều như vậy, hãy chia sẻ kinh nghiệm với cô ấy, hoặc tư vấn xem trước đây khi con khóc bạn cũng vất vả và xử lý như thế nào. Chắc hẳn “bà đẻ” sẽ cảm kích trước sự cảm thông của bạn.

    Thằng bé/ con bé thức cả đêm cơ á?

    Hãy tránh nói những điều mất lòng như vậy. Bởi bạn biết rằng, một vài trẻ sơ sinh có thể dễ dàng ngủ ngay từ những tuần đầu nhưng một vài trẻ lại phải mất hàng năm trời mới có thói quen ấy. Bà mẹ mới sinh hẳn không cần phải được nhắc nhở về xu hướng thức đêm của con họ.

    Con bé/ thằng bé gầy quá, béo quá

    Đừng nói những điều làm người mẹ lần đầu sinh con phải hoảng sợ như vậy. Con họ có thể trông gầy hay mập mạp hơn bình thường một chút so với những đứa trẻ bằng lứa khác nhưng không vấn đề gì. Người mẹ sẽ có sự tư vấn của bác sĩ và có cách điều chỉnh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của con để bé phát triển hơn.

    Trông mẹ tệ quá đi

    Đừng bao giờ chê một “bà đẻ”, nhất là khi họ còn đang nằm trên giường bệnh. Sản phụ vừa sinh xong đương nhiên sẽ béo, sồ sề, da xạm đen, xấu xí nhưng họ phải “hi sinh” nhan sắc để sinh và chăm sóc con. Họ không bao giờ muốn nghe những lời chê về nhan sắc của họ đâu. Thay vào đó, hãy khen ngợi cô ấy đã quá giỏi khi vừa trải qua ca sinh nở đầy khó khăn.

    Ca sinh nở của tôi khó khăn hơn nhiều

    Chắc chắn không sản phụ nào muốn đưa ra so sánh với ca sinh nở của người khác khi họ vừa sinh con. Bạn cần biết rằng, ai khi sinh con cũng phải trải qua những cơn đau kinh khủng mới đón được đứa con yêu của mình. Với họ đó là những cơn đau đớn nhất mà phải trải qua, và chưa chắc gì ca đẻ của bạn khó khăn hơn khi bạn không phải là người đỡ đẻ cho cô ấy. Vì vậy, đừng so sánh. Thay vào đó, có thể chia sẻ với cô ấy một cách thân thiện về câu chuyện sinh nở của mình, sẽ khiến sản phụ quên đi cơn đau mà họ vừa trải qua.

    Sao mẹ lại ăn cơm rồi mới cho con bú. Chăm mẹ trước à?

    Đây có lẽ là lời nói vô ý mà nhiều người mắc phải khi thăm “bà đẻ”. Sản phụ mới sinh con cần được chăm sóc không kém gì đứa con của họ. Hơn thế nữa, họ cần được ăn uống, nghỉ ngơi mới có thể đủ sức khỏe để chăm sóc đứa con mới sinh của mình. Họ cũng cần ăn uống, nghỉ ngơi chứ không riêng gì bé mới sinh. Điều này có thể làm tổn thương những người làm mẹ. Vì vậy, thay vì nói như thế bạn có thể động viên “bà đẻ” ăn uống nhiều vào để có sức chăm con cái.

    Ngày trước tôi còn đau hơn mà chịu được thì làm sao bạn không làm được?

    Đừng nói những điều vô ý, dễ làm tổn thương đến người mới sinh con như vậy. Điều này không khác gì bạn chê bai người phụ nữ đó kém cỏi, không đủ khả năng chịu đựng và làm mẹ. Bạn cũng đâu có biết chính xác mình đau hơn đâu.

    Sao cái A nó ngồi được mà bạn lại phải quỳ?

    Bạn cần động viên thay vì so sánh và làm tổn thương họ. Ảnh minh họa.

    Thực tế, hầu hết các bà mẹ sinh thường đều được rạch tầng sinh môn và phải chịu những cơn đau nhức sau khi sinh. Họ khó có thể ngồi thẳng và đau đớn mỗi khi ngồi cho con bú hoặc ăn uống. Vì vậy, đừng nói những điều “khó chịu” như vậy khi họ phải quỳ gối để ăn uống hay làm bất cứ việc gì. Bởi như vậy là chứng tỏ người mẹ đó đang rất đau và bạn cần động viên thay vì so sánh và làm tổn thương họ.

    Khi nào định sinh đứa thứ hai đấy?

    Có thể họ đã sẵn sàng cho đứa tiếp theo, nhưng có khi họ sẽ để một vài năm nữa. Dù là thế nào, họ sẽ báo cho bạn biết khi họ có kế hoạch sinh đứa thứ hai. Đừng gắng ép họ với những câu hỏi như thế.

    Và điều mà bạn nên nói khi đi thăm bà mẹ lần đầu sinh con đó là

    “Bạn đã nỗ lực rất nhiều, bạn thật là một người mẹ tuyệt vời. Phần thưởng của bạn thật xứng đáng”. Nói như vậy chắc chắn bạn sẽ chiếm được cảm tình và sự hài lòng của bất kỳ người lần đầu “lên chức” mẹ đấy.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-dieu-dung-nen-noi-khi-tham-ba-de-a78521.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.