Cha mẹ cần thay đổi tư duy giáo dục không phù hợp
Khi trẻ muốn độc lập, bình đẳng và muốn được tôn trọng, nếu cha mẹ cứ liên tục nhắc nhở, thúc giục; yêu cầu trẻ làm thế này, thế kia; ra lệnh cho con phải làm tốt công việc nào đó, thì con chỉ có tâm lý khó chịu và kháng cự với những lời cha mẹ nói mà thôi.
Ở giai đoạn này, cha mẹ có thể nói với con rằng: "Con đã lớn rồi nên có thể tự làm nhiều việc, tự lo liệu được việc riêng của mình. Hãy nhớ rằng ba mẹ luôn ở bên con, sẵn lòng giúp đỡ con khi con cần nhé!".
Tất nhiên, cha mẹ không thực sự buông bỏ, nhưng cha mẹ hãy thay đổi cách giáo dục luôn theo sát mọi hành động của con một cách công khai. Bạn hãy âm thầm theo dõi, bí mật quan sát hành động của con và giúp đỡ con khi thấy thật sự cần thiết.
Chú ý đến các mối quan hệ bạn bè xung quanh con
Trong giai đoạn này, ảnh hưởng của bạn bè đối với sự hình thành tâm lý và tính cách của trẻ là rất lớn. Tục ngữ có câu: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Đặc biệt, ở giai đoạn này, trẻ cực kỳ tin tưởng bạn bè của mình và có xu hướng bắt chước hành vi của chúng.
Kết bạn với những đứa trẻ ngoan, chăm học, con bạn sẽ có xu hướng chăm học; kết bạn với những đứa trẻ quậy phá, hay tụ tập ăn chơi, con bạn cũng sẽ bị nhiễm thói xấu giống chúng.
Quan tâm đến sở thích của con và chia sẻ với con càng nhiều càng tốt
Có thể nói, đây là độ tuổi có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong tương lai khá lớn, tạo tiền đề quyết định chúng sẽ trở thành người như thế nào. Sở thích của con trong giai đoạn này sẽ định hình cho nghề nghiệp tương lai của con sau này. Vì thế cha mẹ cần quan tâm, chia sẻ, tìm hiểu sở thích của con để có thể chuẩn bị hành trang tốt nhất cho nghề nghiệp tương lai của chúng.
Cho con cơ hội giúp đỡ cha mẹ
Việc này giúp còn hình thành tấm lòng hiếu thảo, biết quan tâm chăm sóc cha mẹ khi về già. Nếu cha mẹ cứ ôm đồm mọi thứ thì sẽ chỉ khiến đứa trẻ lớn lên vô cảm, không biết quan tâm, không có trách nhiệm.
Dạy con trước tiên phải tôn trọng người khác
Nếu như con cái không tôn trọng cha mẹ, hãy dạy chúng biết rằng chúng cũng sẽ không được người khác tôn trọng. Trường hợp này cha mẹ cần nghiêm khắc, không nên yêu con tới mức mù quáng.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên cho con cơ hội để tự nhìn lại lỗi sai của mình.
Tạo cho trẻ sự tin tưởng và bớt cằn nhằn những điều không cần thiết
Cha mẹ cần lưu ý không cằn nhằn, nói đi nói lại quá nhiều một vấn đề vì nó chỉ khiến trẻ càng ngày càng khó chịu, tạo khoảng cách với cha mẹ. Ở độ tuổi này, trẻ cho rằng bản thân mình đã đủ lớn và có thể độc lập. Vì vậy, hãy cho con biết rằng, cha mẹ rất tin tưởng vào con, để chúng có động lực và tự tin hơn.
Thể hiện sự tự hào, ghi nhận việc làm đúng đắn của con
Cha mẹ hãy quan sát những hành động con đỡ đần cha mẹ, những việc tốt mà con đã làm để giúp đỡ mọi người và dành cho trẻ những lời khen phù hợp như "Con là đứa trẻ hiểu chuyện, biết giúp đỡ người khác, hãy phát huy nhé!",...
Những lúc như vậy, cha mẹ cần phải khẳng định hành động đúng đắn của đứa trẻ để chúng phát huy hơn nữa.
Phương pháp giáo dục đúng đắn của cha mẹ khi con ở tuổi mới lớn có ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của con sau này. Chìa khóa để giải quyết vấn đề ngỗ ngược, nổi loạn của trẻ đó chính là sự đồng hành, sự chấp nhận và yêu thương vô điều kiện của cha mẹ vào giai đoạn này.
Thùy Dung(T/h)