+Aa-
    Zalo

    Phương pháp “3 nghiêm khắc, 2 nuông chiều” dạy con thông minh, ưu tú

    (ĐS&PL) - Trong quá trình nuôi dạy con, nếu biết kết hợp hài hòa giữa nghiêm khắc và nuông chiều, cha mẹ sẽ giúp con phát triển tốt về trí tuệ, tâm hồn, trở nên thông minh, ưu tú.

    Nuôi dạy một đứa trẻ khôn lớn, thành tài là hành trình không dễ dàng với các bậc cha mẹ. Một trong những nỗi băn khoăn của không ít phụ huynh là câu hỏi: Nên nghiêm khắc hay nuông chiều khi nuôi dạy con?

    Theo Thạc sĩ Khoa học Giáo dục, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh, cha mẹ nghiêm khắc sẽ giúp trẻ rèn luyện được tính kỷ luật và sự tự giác. Tuy nhiên nếu cha mẹ quá nghiêm, trẻ có thể lớn lên trong căng thẳng, tự ti hoặc nổi loạn. Ngược lại, sự nuông chiều của cha mẹ giúp trẻ cảm nhận rõ tình yêu thương, nhưng nếu được nuông chiều thái quá, trẻ thường thiếu tính tự lập, thậm chí được chiều quá hóa hư.

    phuong phap 3 nghiem khac 2 nuong chieu day con thong minh uu tu1

    Theo Thạc sĩ Khoa học Giáo dục Nguyễn Thị Lanh, cha mẹ nên kết hợp hài hòa giữa nghiêm khắc và nuông chiều khi nuôi dạy con.

    Do vậy, để dạy con khôn lớn nên người, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh khuyên cha mẹ nên có sự cân bằng, kết hợp hài hòa giữa 2 yếu tố này, dựa theo quy tắc “3 nghiêm khắc, 2 nuông chiều” dưới đây.

    Nghiêm khắc khi trẻ mắc lỗi

    Khi con có hành vi xấu, đi ngược lại những nguyên tắc đã được đặt ra, cha mẹ phải nghiêm khắc nhắc nhở con. Có những cha mẹ đặt ra nguyên tắc là một tháng con chỉ được mua đồ chơi một lần, nhưng khi đi siêu thị hay trung tâm thương mại, con lại khóc lóc, ăn vạ đòi phải mua đồ chơi bằng được. Sợ người khác phán xét, nhiều cha mẹ đã chấp nhận mua cho con, song điều này không tốt cho sự phát triển của đứa trẻ.

    Thay vì chấp nhận yêu cầu của trẻ một cách dễ dàng, cha mẹ cần phải nghiêm khắc để giúp trẻ nhận ra hậu quả của hành động đó. Việc cha mẹ kiên định với những nguyên tắc đặt ra sẽ giúp trẻ rèn được tính kỷ luật, không đòi hỏi vô lý.

    Rạch ròi giữa quyền lợi và nghĩa vụ

    Cha mẹ cần đặt ra và thực thi nhất quán về quyền lợi, nghĩa vụ của con trong gia đình, để trẻ hiểu rằng muốn có quyền lợi thì phải nỗ lực thực thi trách nhiệm. Ví dụ nghĩa vụ của trẻ là làm những công việc nhà mà bố mẹ giao, quyền lợi là được mua đồ chơi hoặc quần áo mới. Nếu con không làm tốt nhiệm vụ của mình, con sẽ bị tước đi quyền lợi.

    Quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ là quy luật vận hành của cuộc sống. Cha mẹ càng nghiêm khắc rèn luyện cho con điều này thì con càng hiểu chuyện, sống có trách nhiệm, tương lai dễ vươn tới thành công.

    Nghiêm túc yêu cầu con học tập

    Học tập không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công nhưng lại là yếu tố rất cần thiết trên hành trình trưởng thành của con. Vì vậy, cha mẹ cần phải nghiêm khắc với chuyện học hành, giúp con hiểu rằng học tập là giá trị suốt đời, học là để cho con chứ không phải học cho cha mẹ.

    Ngay từ khi con còn nhỏ, nên rèn cho con thái độ nghiêm túc với việc học, coi học tập là ưu tiên hàng đầu. Từ đó, hình thành những thói quen học tập tốt như tìm tòi kiến thức, đến giờ là ngồi vào bàn học…

    Để giúp con chăm chỉ, tự giác học tập, không phải suốt ngày giục giã, cha mẹ cần truyền cho con động lực và mục tiêu học tập. Đồng thời, có những hình thức thưởng phạt rõ ràng để nếu được thưởng thì con vui vẻ, có thêm động lực và bị phạt thì cũng không cảm thấy ấm ức, bực bội.

    phuong phap 3 nghiem khac 2 nuong chieu day con thong minh uu tu2
    Cha mẹ hãy giúp con hiểu rằng học tập là giá trị suốt đời. Ảnh minh họa.

    Song song với 3 nguyên tắc nghiêm khắc kể trên, cha mẹ cũng cần “mềm nắn rắn buông”, áp dụng “2 nuông chiều” dưới đây.

    Sai vẫn yêu

    Không có con người xấu, chỉ có hành vi chưa tốt. Không nên dựa vào hành vi để khái quát lên con người. Do vậy, cha mẹ cần yêu thương con người đích thực của con, yêu con ngay cả lúc con mắc sai lầm, thất bại. Không dựa vào hành vi chưa đúng của con mà phán xét, dán cho con những cái mác tiêu cực như hư hỏng, ngu dốt…

    Sai lầm không có gì xấu, đó là cách để trưởng thành, chỉ là cần rút kinh nghiệm để không lặp lại cùng một sai lầm. Khi con sai lầm, thất bại, cha mẹ hãy trở thành người động viên, khuyến khích để con học bài học cho mình. Hãy nói "ổn thôi con", "làm lại thôi con", giúp con cảm thấy được yêu thương, tự tin tìm cách sửa sai, khôn lớn sau mỗi sai lầm.

    Ghi nhận con, không chỉ kết quả mà cả hành trình

    Quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của con, biết ghi nhận khi con đạt được thành tựu là cách hiệu quả giúp trẻ được lớn lên trong tình yêu thương.

    Nếu con đạt được thành tích nào đó, hãy khen ngợi, ghi nhận con để con biết ghi nhận mình. Khi con có sự tự hào về bản thân thì con mới thấy mình có giá trị, tự tin trong suy nghĩ và hành động để sống một cuộc đời tỏa sáng.

    Không chỉ ghi nhận kết quả, hãy ghi nhận hành trình của con, bởi kết quả đôi khi không phản ánh được cả quá trình. Nếu con đã rất nỗ lực nhưng kết quả không được như ý, hãy ghi nhận, động viên vì con đã cố gắng hết mình.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phuong-phap-3-nghiem-khac-2-nuong-chieu-day-con-thong-minh-uu-tu-a596420.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan