(ĐSPL) - Cháo lươn, nhút Thanh Chương, cam xã Đoài, bánh đa Đô Lương... là món ăn ngon mang đậm hương vị xứ Nghệ.
|
“Cam xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam ngoài cửa trước/ Hương bay vào nhà trong”… Nhưng câu thơ đủ để lột tả được vị thơm ngon của những trái cam ở vùng đất xã Đoài thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An. |
|
Cam khi mới chín có màu vàng rồi chuyển sang sẫm dần nhưng luôn giữ được vẻ tươi tắn, ngoài có lớp the mỏng, chỉ cần khẽ sây xát là đã thoát một mùi thơm đặc biệt, bổ ra màu vàng óng, ăn rất thơm ngon. Cam có thể ngâm với rượu để có một sản phẩm rượu vị ngọt thanh, có thể dùng làm món khai vị, bồi dưỡng sức khỏe. |
|
Măng đắng là sản vật, cũng là món ăn phổ biến của đồng bào các dân tộc Thái, Mông… ở xứ này. Những mầm măng đầu mùa có vị ngọt pha đắng, nhưng chỉ hễ có tiếng sấm là chuyển sang vị đắng thuần tuý. |
|
Măng đắng có thể chế biến theo nhiều cách: xào mẻ, hầm (hoặc nấu canh) xương, luộc và nhất là với những người sành món này thường là phải nướng; măng nướng thơm bùi chấm muối - thứ muối tinh được nghiền kĩ với trái ớt hái từ trong các cánh rừng, trên đường đi lấy măng, tạo một màu trắng pha xanh lục. |
|
Nhút Thanh Chương được coi là “kim chi” xứ Nghệ. Món ăn này được làm từ mít xanh hoặc xơ mít chín và muối trắng. Nguyên liệu đơn sơ và giản dị thế thôi nhưng hương vị của nhút lại chua chua, giòn giòn, ăn rất thích thú. Nhút có thể dùng để chấm nước mắm, làm nộm, xào, nấu canh. |
|
Người dân xứ Nghệ vẫn truyền nhau câu hát thân thương: “Ngái ngôi chi mà anh nỏ về/ Hay là vì anh chê quê em nghèo đói/ Hay anh chê em vụng về câu nói/ Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà/ Chắc có lẽ rứa mà anh chê/ Chắc có lẽ rứa mà anh nỏ về…”. |
|
Tương Nam Đàn là một đặc sản tinh khiết, thơm ngon của xứ Nghệ. Nguyên liệu chính được làm bằng thứ đỗ tương xuân hè trồng trên chính đất Nam Đàn. Tương có hai loại mặn và ngọt. Tương mặn dùng ăn hàng ngày, tương ngọt làm vào những chĩnh nhỏ và làm quà biếu. Tương Nam Đàn dùng để làm nước chấm, kho cá, kho thịt… |
|
Cháo lươn là một trong những đặc sản xứ Nghệ được nhiều người ưa thích. Bát cháo có vị thơm cay nồng đặc trưng, thịt lươn vàng óng mềm ngọt thấm đẫm gia vị. |
|
Chịn xồm làm từ thịt trâu, thịt lợn, thịt bò, đôi khi là thú rừng, chỉ lấy thịt nạc. Chịn xồm mang thái miếng, kẹp rau thơm rừng chấm muối ớt (hoặc nước mắm ớt), ăn có mùi vị chua, béo và bùi, rất tinh khiết, thanh nhã. |
|
Bánh đa được làm từ bột gạo, tiêu, tỏi và các gia vị khác. Nguyên liệu tuy đơn giản, dễ kiếm nhưng để có một chiếc bánh ngon đòi hỏi rất nhiều công phu. Bánh đa là thứ bánh dân dã, dễ ăn kèm với các món khác hoặc ăn riêng cũng được. |
|
Diễn Châu có nhiều làng làm bánh mướt nổi tiếng, Bánh mướt ở đây nổi tiếng như bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội). Làng Quy Chính ở gần chợ Sa Nam (thị trấn Nam Đàn) nên bánh làm ra thường xuyên được bán ở chợ Sa Nam . |
|
Cũng tương tự như bánh canh ở Huế, Quảng Bình nhưng người dân xứ Nghệ quen gọi tên món này là cháo canh. |
|
Đến với vùng biển đầy nắng gió của xứ Nghệ hãy thưởng thức món mực nháy nướng giòn tan. Mực nháy có nơi còn gọi là mực nhảy, tên gọi dùng chỉ những con mực được ngư dân vừa bắt lên còn tươi nguyên, được đưa vào chế biến và thưởng thức ngay tại chỗ. |
LINH AN(Tổng hợp)Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-dac-san-xu-nghe-khien-du-khach-nho-thuong-a102156.html