+Aa-
    Zalo

    Những cơn “ác mộng” khi làm việc ở Apple

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Làm việc ở “quả táo” cũng có những phiền toái mà chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu nổi...


    Làm việc ở “quả táo” cũng có những phiền toái mà chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu nổi...

    Làm việc cho hãng công nghệ Apple có lẽ là niềm mơ ước của rất nhiều người trên thế giới. Nhân viên của Apple là người làm ra những thiết bị được chờ đợi nhiều nhất hành tinh, sát cánh những bộ óc sáng giá nhất của thung lũng Silicon.  

    Những cơn “ác mộng” khi làm việc ở Apple
    Một chiếc áo phông bán tại cửa hàng lưu niệm của Apple với hàng chữ: "Tôi đã đến thăm trụ sở Apple. Nhưng đó là tất cả những gì tôi được phép nói".

    Cái mác nhân viên của Apple là chìa khóa có thể mở ra bất kỳ cơ hội nghề nghiệp nào khác về sau, và luôn nhận được sự ngưỡng mộ pha chút ghen tị của mọi người. Tuy nhiên, “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, làm việc ở “quả táo” cũng có những phiền toái mà chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu nổi.

    Không có công ty nào hoàn hảo, và Apple cũng không phải là một ngoại lệ. Trang Business Insider đã tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau ý kiến của các cựu nhân viên Apple về những điều “khủng khiếp” nhất khi làm việc ở đây.

    Dưới đây là những lời phàn nàn được Business Insider đưa ra:

    Sự bí mật ở Apple đôi khi cao đến nỗi làm gián đoạn cuộc sống gia đình nhân viên

    Robert Bowdidge, một cựu nhân viên của Apple, nói trên trang Quora: “Tôi không thể kể cho vợ mình nghe bất kỳ điều gì. Cô ấy biết là tôi đang làm việc trong một tòa nhà ở bên kia đường và phải làm việc rất muộn, nhưng cô ấy không biết tôi đang làm gì. Khi tôi phải tới Manchester, Anh để làm việc, cô ấy muốn đi cùng nhưng tôi phải từ chối. Khi đó, cô ấy đang làm việc cho IBM và tôi hiểu rằng, trưởng dự án sẽ lo ngại với ý nghĩ rằng, nhà cung cấp con chip này sẽ biết được chúng tôi đang làm gì”.

    Vợ/chồng nhân viên của Apple được yêu cầu “quên mọi chuyện”

    Cô Kim Scheinberg là vợ của JK, một cựu nhân viên Apple sáng tạo ra một phiên bản Intel của hệ điều hành máy tính cá nhân (PC) Mac OSX. Cô Kim kể rằng, cấp trên đã gọi JK tới và yêu cầu anh giữ bí mật hoàn toàn về phát minh này. Phòng làm việc tại nhà riêng của JK được điều chỉnh để đáp ứng tiêu chuẩn an ninh của Apple.

    “JK nói với cấp trên rằng, tôi đã biết về dự án. Trên thực tế, không chỉ tôi biết về dự án mà còn chính là người đặt tên cho dự án. Cấp trên nói với JK rằng, tôi phải quên tất cả mọi thứ mà tôi biết, và anh ấy sẽ không được phép nói chuyện lại với tôi cho tới khi nào dự án được công bố”.

    “Mọi thứ ở Apple đều do nhóm marketing quyết định”

    Một nhân viên giấu tên của Apple cho biết:

    “Bên trong Apple, văn hóa đặc biệt đề cao sự bí mật và nhóm marketing có ảnh hưởng chính tới quá trình ra quyết định. Mọi thứ được quyết định bởi nhóm marketing và hai nhà phê bình của các tờ báo ở bờ Đông. Tôi rất ngạc nhiên về vai trò mà hai nhà phê bình này có ở Apple. Với tư cách là một kỹ sư, tôi được yêu cầu phải đi theo các đề nghị mà nhóm marketing đưa ra. Tôi thấy sợ và chỉ muốn bán hết cổ phiếu Apple”.

    “Cách quản lý đáng sợ, thiếu tôn trọng, căng thẳng kéo dài, và thời gian làm việc kéo dài”

    Một cựu nhân viên của Apple có vẻ không thích quãng thời gian đã có ở công ty này:

    “Còn tuỳ xem bạn ở trong nhóm nào, nhưng nhìn chung, ở đó giống như ở trong một cái nồi áp suất và tất cả mọi giao tiếp chỉ đi theo một hướng…

    Cách quản lý đáng sợ, sự thiếu tôn trọng, căng thẳng kéo dài, và thời gian làm việc kéo dài là những nét chính trong văn hóa ở đó… Hầu hết mọi người trong bộ phận quản lý cung-cầu xem đó là điều họ phải chấp nhận trong vài năm sau khi học xong trường kinh doanh để có thể tìm một cơ hội khác tốt hơn với “thương hiệu” Apple trong hồ sơ xin việc.

    Văn hóa ở Apple rất ngặt nghèo theo chiều từ trên xuống. Bất kỳ nỗ lực nào để thay đổi, thậm chí là bàn cách tốt hơn để làm việc gì đó theo chiều từ dưới lên đều bị gạt sang bên. Phải làm việc nhiều hơn, cố gắng hơn, không được phàn nàn hay tìm cách thay đổi gì. Và đừng quên, luôn có 10 người xếp hàng ngoài cửa xin vào vị trí của bạn”.

    “Tôi sợ những tối Chủ Nhật”

    Cựu thiết kế Jordan Price của Apple ghét những khoảng thời gian làm việc kéo dài và căng thẳng ở công ty này:

    “Tôi hầu như không bao giờ gặp con gái của mình trong suốt tuần vì thời gian làm việc quá chặt… Tôi trở thành một trong những người mong mỏi đến tối ngày thứ Sáu và sợ những tối Chủ Nhật”.

    “Bạn hầu như không có thời gian để ngủ”

    Trên mạng việc làm Glassdoor, nhiều cựu nhân viên của Apple nói rằng, cân bằng giữa cuộc sống và công việc là thứ mà các nhân viên của hãng này rất thiếu.

    “Phải làm việc nhiều vào ban đêm và đôi khi, bạn hầu như không có thời gian để ngủ”; “Phải sẵn sàng làm việc 24/7”…

    “Nếu bạn tham gia phát triển một sản phẩm mới, bạn sẽ bị ‘xích chặt’ vào nó”

    Một nhà phát triển iPad đã kể về những quy định ngặt nghèo mà Apple áp dụng để đảm bảo rằng, không một sản phẩm mẫu nào được phép rời khỏi tòa nhà:

    “Chúng tôi có một căn phòng không có cửa sổ. Họ thay khóa của cánh cửa. Chỉ có 3 nhà phát triển sản phẩm và tôi được phép vào phòng này. Họ khoan một lỗ trên bàn và xích thiết bị đang được phát triển vào chiếc bàn đó”.

    Lương ở Apple có thể thấp hơn ở nơi khác

    Vì hầu như ai cũng muốn được làm việc ở Apple, nên thù lao có vẻ như không phải là một vấn đề mà họ quan tâm. Một người viết:

    “Lương thấp là lời phàn nàn rất phổ biến từ các nhân viên của Apple, chủ yếu từ những người làm việc trong các cửa hàng bán lẻ của hãng. Ngoài ra, một số người làm chuyên viên kinh doanh, IT, và tại các bộ phận khác của công ty này cũng phàn nàn như vậy”.

    Theo VnEconomy

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-con-ac-mong-khi-lam-viec-o-apple-a28526.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan