+Aa-
    Zalo

    Những cái Tết “không ấm” nơi xóm chài ven sông Cửa Tiền

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khắp các đường làng ngõ xóm, không khí Tết đã ngập tràn, nhưng với những hộ dân sống bập bềnh trên sông nước Cửa Tiền, Tết này vẫn chẳng thể ấm hơn.

    (ĐSPL) - Khắp các đường làng ngõ xóm, không khí Tết đã ngập tràn, nhưng với những hộ dân sống bập bềnh trên sông nước Cửa Tiền, Tết này vẫn chẳng thể ấm hơn.          
    Nằm sau khu chợ Vinh (Nghệ An) ồn ào, đông đúc và nhộn nhịp chừng 2- 3km, xóm chài trên sông Cửa Tiền vẫn im ắng và như chưa bao giờ biết tết sắp ghé thăm. Hàng ngày, người dân nơi đây vẫn chăm chăm việc mưu sinh để kiểm miếng cơm cho cả gia đình. Họ chẳng màng đến Tết bởi với họ, tết chẳng thể đến được chốn xa xôi này.
    Đã là năm thứ 3 quen với cuộc sống nơi sông nước, vợ chồng chị Trần Thị Nguyệt (SN 1984) và anh Võ Quốc Việt (SN 1980) vẫn chẳng thể cho “ngôi nhà nổi” của mình chút không khí Tết. Bởi, 5 miệng ăn trong nhà còn trăm bề thiếu thốn, ngày cuối năm còn phải ra chợ bán con cá kiếm thêm ít đồng bạc lẻ lo miếng cơm manh áo thì tiền đâu ra mà mong được sắm Tết. Chị nhắc đến cái - tết - bình - thường của gia đình một cách thản nhiên đến độ đáng thương, bởi những người như chị, chỉ mong cho con có cái ăn hàng ngày đã là một điều may mắn.

    Chị Trần Thị Nguyệt cùng các con lại đón một cái tết rất đỗi bình thường như thường nhật

    Chị Nguyệt tâm sự: Ngày cuối cùng của năm cũ, anh Việt vẫn miệt mài đạp xích lô chở hàng, còn chị đi chợ kiếm thêm ít đồng, 3 đứa con nhỏ nheo nhóc được gửi ở bà nội. Anh chị chỉ mong tết này cả gia đình đủ ăn không lo thiếu thốn, chứ không dám mơ tới chuyện sắm tết. Là người con gái quê Hà Tĩnh, chị Nguyệt kết duyên với anh Việt ở TP Vinh (Nghệ An). Mang tiếng lấy chồng thành phố nhưng cuộc sống của anh chị trở nên khắc nghiệt giữa chốn đông đúc, náo nhiệt và những xô bồ.
    Hộ khẩu ở thành phố nhưng với anh chị, sông là đất, thuyền là nhà. Con cái lần lượt ra đời, đứa lớn 5 tuổi, đứa bé nhất 3 tuổi kéo theo bao vất vả, cực nhọc. Ngồi trong chiếc thuyền chông chênh trò chuyện cùng chị, từng đợt gió cuối mùa thổi mạnh vào làm dòng nước dập dềnh khiến con người ta có cảm giác ớn lạnh hơn.
    Hỏi chị về tết, chị chỉ cười buồn rầu bảo: “Có chi mô (gì đâu – PV) mà sắm, tiền không có đồng mô (nào – PV) nữa cả. Chồng vẫn đi đạp xích lô mong kiếm thêm chút ít lo cho các cháu chứ tết thì cũng như ngày thường vậy thôi. Nói chung cũng quen dần, dân sống ở xóm chài ni (này – PV) làm chi biết đến không khí tết...".
    Cũng ở thành phố, chỉ cách đó 2 - 3km thôi, những ngày cuối năm, người người đi chợ sắm quất, đào... thì ở đây, những người dân này vẫn quanh quẩn trong không gian chật hẹp, thiếu thốn trăm bề mà chưa mảy may một lần “được” nghĩ đến đào, quất chơi tết.
    Nơi đây chẳng hề được biết đến không khí Tết...
    Ngược về phía bên kia sông Cửa Tiền, một xóm chài nhỏ gồm 6 hộ gia đình với gần 36 nhân khẩu nằm tách biệt hẳn với phố xá ồn ào. Người từ bờ bên này muốn sang bên kia phải mất chừng 3 phút chèo thuyền. Ở đây, người dân chủ yếu đến từ các tỉnh nghèo như Quảng Bình, Nam Định… sống qua ngày bằng việc chài lưới bắt cá. Hôm nào có được nhiều cá, bán được giá thì hôm đó cả nhà ăn đủ hơn ngày thường. Nói chung, việc kiếm tiền trên sông nước bấp bênh vô cùng, còn tùy thuộc vào may mắn. Cộng thêm vào đó, mỗi nhà có trung bình từ 2 – 4 trẻ con đang độ tuổi đến trường nên khó khăn lại càng chồng chất.
    Xóm nhỏ này được dựng nên bởi 6 hộ gia đình làm nhà sinh sống trên phần đất liền cạnh sông. Gọi là “nhà” nhưng đó là sự vá víu từ những mảnh vật liệu nay xin mai kiếm, xây cao lên rồi làm thêm phần thang để đi lên kiểu nhà sàn, tránh nước ngập vào mỗi mùa mưa bão, xập xệ, tạm bợ vô cùng. Đám trẻ nhỏ ở đây cũng đã quen với không gian sông nước, với cái số phận dập dềnh của mình. Chiều đến, sau giờ tan học, chúng nó chỉ có thể lấy không gian nơi bãi đất um tùm cỏ cây cạnh nhà làm chỗ vui chơi, đùa nghịch.

    Đám trẻ nhỏ trong xóm đã rất quen với những cái Tết không đủ đầy

    Gần chục năm đón tết nơi đây, cả người lớn lẫn trẻ em đã quen với không khí thường nhật này, tết đến cũng chẳng có gì thay đổi, có chăng chỉ là trẻ em “xóm nổi” không phải đến trường. Bà Mai Thị Miễn (SN 1957) có 2 con trai cùng sống ở đây cho biết: “Ở quê cũng khổ nên ra đây mong tìm được chỗ ở, chỗ làm tốt hơn nhưng rồi giờ đây, hai thằng con trai và mấy đứa cháu đều đang chật vật nơi sông nước thế này. Qua gần chục cái tết ở đây rồi, khổ vẫn cứ khổ. Tiền không có nên tết vẫn như thường rứa thôi dì ạ". Không hương trầm thơm phả vào không gian, không những cành ly, cành đào đắt tiền, những ngôi nhà ở đây vẫn một màu buồn bã và lạnh lẽo dịp tết đến xuân sang.

    Một tổ chức từ thiện tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết cho những hộ dân xóm chài ven sông Cửa Tiền

    Nhưng, cũng thật ấm áp khi vào những ngày cuối năm cũ, một số tổ chức từ thiện đã rất quan tâm đến dân nghèo. Họ mang đến những niềm vui nhỏ về cả vật chất lẫn tinh thần nhằm giúp người dân ở xóm nổi này có một cái tết ấm áp, chan chứa nghĩa tình hơn cùng hy vọng, cuộc sống sẽ bớt đi khó khăn, để những con người ấy được cảm nhận không khí của mùa xuân và đón một cái tết cổ truyền đúng nghĩa.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-cai-tet-khong-am-noi-xom-chai-ven-song-cua-tien-a84356.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan