Theo thông tin từ Bộ TT&TT, việc chụp ảnh chỉ áp dụng cho các thuê bao phát triển mới hoặc các thuê bao có thông tin không chính xác, phải đi đăng ký lại.
Sau khi Nghị định số 49 sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, trong đó có quy định buộc phải chụp ảnh chân dung cá nhân nếu không sẽ bị buộc dừng sử dụng thuê bao di động (SIM) gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, Bộ TT&TT đã có những giải thích rõ ràng hơn về qui định này.
Xác thực giao dịch, bảo vệ quyền lợi người dùng
Trước tiên, cần phải khẳng định rằng, trong bối cảnh dịch vụ viễn thông di động đang có ảnh hưởng sâu rộng trong mọi hoạt động của nền kinh tế, xã hội, thì việc có được một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng qui định là vô cùng cần thiết để phục vụ công tác bảo đảm ANQG và TTATXH, và bảo vệ quyền lợi người mỗi người dân. Điều này có nghĩa rằng, mỗi SIM thuê bao di động phải gắn với một chủ thể xác định, có thực. Như vậy, khi SIM điện thoại di động bị sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như gọi điện thoại/nhắn tin lừa đảo, đe dọa, khủng bố, quấy rối, phát tán thông tin độc hại, mạo danh thực hiện các giao dịch phi pháp trên mạng,…phương hại đến an ninh quốc gia và sự ổn định của xã hội, phương hại đến lợi ích hợp pháp của cá nhân bị mạo danh thì các cơ quan quản lý sẽ có điều kiện để nhanh chóng ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả.
Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều có những qui định quản lý nghiêm ngặt thông tin thuê bao viễn thông, trong đó có thuê bao di động. Điển hình, những quốc gia đã phát triển như Mỹ, Đức, Nhật,… đã thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân điện tử, và mỗi khi thực hiện đăng ký thông tin thuê bao để sử dụng dịch vụ viễn thông - Internet, người dân cần xuất trình giấy tờ để doanh nghiệp đối chiếu, xác nhận trên hệ thống này. Do vậy, ngoài thông tin về giấy tờ tùy thân vẫn cần thu thập các thông tin gắn liền với một người cụ thể đến đăng ký sử dụng dịch vụ như lấy vân tay, ảnh chụp như vậy là cần thiết để xác định một giao dịch là có thật.
Thực tế ở Việt Nam thời gian qua, vì lợi nhuận doanh thu và cũng vì tổ chức thực thi chưa thật nghiêm nên một số nhân viên của các doanh nghiệp, đặc biệt các đại lý phân phối SIM thẻ, điểm đăng ký thông tin thuê bao đã giả mạo thông tin thuê bao, thậm chí sử dụng CNTT để tạo ra CMND giả, lấy chứng minh thư của người này gắn vào số thuê bao bán người khác… để hoà mạng các SIM di động mà không cần có người thực đến đăng ký sử dụng dịch vụ. Thanh tra Bộ TT&TT đã phát hiện nhiều vụ việc đăng ký thông tin giả và kích hoạt sẵn SIM, và chuyển Bộ CA điều tra xử lý hình sự. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có yêu cầu Bộ Công an sớm có báo cáo kết quả.
Theo thông tin từ Bộ TT&TT, việc triển khai cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng qui định thực sự nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ chính người dân. Ảnh minh họa |
Chỉ áp dụng với thuê bao có thông tin không "chuẩn"
Việc chụp ảnh chỉ áp dụng cho các thuê bao phát triển mới hoặc các thuê bao có thông tin không chính xác, phải đi đăng ký lại. Đối với các thuê bao mà doanh nghiệp có sở cứ là thông tin đã chính xác (ví dụ thuê bao trả sau, thuê bao chuyển từ trả sau sang trả trước, thuê bao mới đăng ký lại thông tin theo đúng qui định trong thời gian vừa qua) thì không cần chụp ảnh mà doanh nghiệp chỉ cần bổ sung ảnh chụp và doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về điều đó.
Doanh nghiệp sẽ có 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để rà soát cơ sở dữ liệu của mình, thông báo cho các chủ thuê bao có thông tin sai với qui định tại Nghị định đến đăng ký lại (trong đó có việc chụp ảnh).
Không “gây khó”
So với yêu cầu lấy vân tay của một số nước, thì qui định này tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân rất nhiều, vì việc đầu tư thiết bị và qui trình lấy, lưu trữ dấu vân tay phức tạp hơn nhiều so với việc chụp ảnh. Từ góc độ doanh nghiệp, qui định này là hoàn toàn khả thi vì việc chụp ảnh rất dễ dàng, đơn giản và nhanh gọn vì chỉ cần sử dụng các dòng điện thoại thông minh...
Đăng ký sim điện thoại di động tại một quầy giao dịch của VinaPhone. Ảnh: báo Đầu tư |
Nghị định 49 cũng đã đưa ra một số qui định để tạo điều kiện hơn cho người dân trong việc đăng ký và đăng ký lại thông tin thuê bao, đặc biệt trong giai đoạn 12 tháng đầu kể từ khi Nghị định có hiệu lực. Ngoài việc thiết lập các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố định như truyền thống thì doanh nghiệp có quyền thiết lập các điểm cung cấp dịch vụ lưu động để phục vụ tốt và nhanh hơn cho người dân. Doanh nghiệp có thể triển khai các điểm lưu động tại các khu dân cư động người, toàn nhà chung cư, ủy ban nhân dân xã phường, trường học, bệnh viện, chợ phiên, … Trong giai đoạn 12 tháng đầu, đối với những thuê bao đang hoạt động có thông tin sai, doanh nghiệp có thể cử các nhân viên giao dịch đến trực tiếp gặp khách hàng để cập nhật lại thông tin và chụp ảnh mà không nhất thiết người sử dụng phải đến các điểm cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp.
Về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc bảo đảm an toàn và bí mật thông tin thuê bao trong đó có ảnh chụp, trong Luật An toàn thông tin mạng. Doanh nghiệp viễn thông nếu tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thống sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng; nếu mua bán hoặc trao đổi thông tin cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng, và tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của Bộ Luật hình sự.