Đại tá, Nhà văn, Nghệ sĩ ưu tú Chi Phan, nguyên Trưởng ban biên tập Truyền hình Quân đội nhân dân kể lại kỷ niệm tháp tùng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh thăm hữu nghị một số nước vào những năm 1990, khi Đại tướng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, như nén tâm nhang gửi tới nguyên Chủ tịch nước.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh trong chuyến thăm Liên Xô tháng 6/1989. Ảnh: VGP/Chi Phan |
Những năm 90 của thế kỷ trước, Đại tướng Lê Đức Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, từng dẫn đầu Đoàn Đại biểu Quân sự cấp cao Việt Nam thăm hữu nghị một số nước, trong đó có Liên Xô, Bulgaria (tháng 6/1989) và Cuba (tháng 2/1990).
Hồi đó, tôi là Trưởng ban biên tập Truyền hình Quân đội Nhân dân, được trên cử đi theo Đoàn, lấy tài liệu tuyên truyền trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam; viết tin, bài cho Thông tấn xã Quân sự và báo Quân đội nhân dân.
Thấy tôi một mình làm nhiều việc nên Bộ trưởng Lê Đức Anh nhắc nhở các đồng chí Cục trưởng Đối ngoại Bộ Quốc phòng, phiên dịch và thư ký riêng của ông quan tâm, tạo điều kiện cho tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày đầu thăm Liên Xô, Đại tướng dẫn đầu Đoàn tới viếng Lăng Lenin trên Quảng trường Đỏ, đặt vòng hoa tại Đài liệt sĩ ở giữa thủ đô Moscow. Ông cho chúng tôi hiểu rằng, Việt Nam đi theo con đường của Lenin và của Cách mạng tháng Mười, và nhân dân ta, quân đội ta đã giành được những thắng lợi to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước.
Đoàn Đại biểu Quân sự Việt Nam còn đến thăm một số Quân binh chủng, học viện, nhà trường và thăm 2 thành phố lịch sử: St. Petersburg và Volgograd. Ở đâu, Đoàn cũng được nhân dân và quân đội đón tiếp nồng nhiệt. Khi chia tay, Đại tướng Lê Đức Anh thân tình nói với Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô, Nguyên soái Dmitry Yazov: “Nhân dân và các lực lượng vũ trang Việt Nam mãi mãi biết ơn sự ủng hộ chí tình, sự giúp đỡ to lớn và quý báu về tinh thần và vật chất mà nhân dân, lực lượng vũ trang Xô Viết đã giành cho Việt Nam trong những năm tháng vô cùng khó khăn, ác liệt của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và xây dựng đất nước. Chúng tôi hy vọng, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng giữa hai nước, hai quân đội sẽ đi vào chiều sâu, thiết thực và ngày càng có hiệu quả”.
Cũng trong dịp này, tháng 6/1989, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn Đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam thăm hữu nghị chính thức Bulgaria. Sau khi hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Dobri Dzhurov, Đoàn đi thăm ba thành phố lớn là Sophia, Plovdiv và thành phố cảng Varna.
Đặc biệt, tại Varna, Đoàn đã đến thăm Đại học Hải quân nhân dân mang tên Nikola Vaptsarov, một nhà thơ, nhà cách mạng nổi tiếng, từng học ở đây và anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu chống phát xít. Nhà trường cho biết: Ở đây từng có nhiều học viên Việt Nam theo học; hầu hết họ đều học giỏi và để lại những kỷ niệm cho trường. Cảm động hơn, có một số sĩ quan Việt Nam sau khi tốt nghiệp về nước, ra chiến đấu bảo vệ quần đảo Hoàng Sa; có người đã anh dũng hy sinh.
Nhà trường còn cho Đoàn trực tiếp gặp một học viên Việt Nam đang học tại đây là anh Nguyễn Đức Lưu, 27 tuổi, quê Hải Dương đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Đại tướng Lê Đức Anh vui vẻ bắt tay Nguyễn Đức Lưu và chúc anh thành công...
Đối với Việt Nam, Bộ Quốc phòng Bulgaria đã giúp ta đào tạo được 200 sĩ quan không quân, pháo binh, hải quân, tăng thiết giáp. Đó là tình hữu nghị có tính truyền thống giữa Việt Nam và Bulgaria.
Trước khi chia tay, Đại tướng Lê Đức Anh xiết chặt tay Bộ trưởng D. Dzhurov nói: “Giờ đây, hy vọng rằng quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân và quân đội hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển”.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lê Đức Anh gặp đồng chí Raul Castro tại Cuba năm 1990. Ảnh: VGP/Chi Phan |
Tháng 2/1990, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh dẫn đầu Đoàn Đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam thăm hữu nghị Cuba. Đoàn “quá giang” qua Liên Xô và sân bay quốc tế Canada rồi mới tới Hòn đảo Tự do Cuba.
Thời gian thăm và làm việc tuy ngắn nhưng Đoàn đã được bạn bố trí cho đi nhiều nơi, chứng kiến những khó khăn do chính sách “cấm vận” của Mỹ và tinh thần đấu tranh kiên cường để bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng, nhân dân và quân đội Cuba.
Đại tướng Raul Castro, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Cuba tiếp đoàn. Đồng chí xúc động nói: “Cứ mỗi lần gặp, các đồng chí lại giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn vấn đề chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân. Trong những tháng năm khó khăn này, kẻ thù o ép, răn đe, gây chiến tranh xâm lược. Các đồng chí đã đến tiếp thêm cho chúng tôi niềm tin và sức mạnh chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc...”
Trước những lời nói chí tình của bạn, Bộ trưởng Lê Đức Anh bày tỏ: “Cuộc đấu tranh của nhân dân Cuba và Việt Nam chống kẻ thù chung đã từ lâu gắn bó hai nước bằng quan hệ mẫu mực. Đó là tình đoàn kết anh em chiến đấu cùng chung chiến hào; khi chiến thắng cũng như lúc gặp khó khăn”.
Trong những ngày ở thăm, bạn bố trí cho Đoàn thăm một số học viện, nhà trường, đơn vị và địa phương... Nơi nào cũng để lại những ấn tượng sâu sắc về tình hữu nghị gắn bó Việt Nam-Cuba.
Ngày cuối cùng thăm Hòn đảo Tự do, Đoàn được tiếp kiến Chủ tịch Fidel Castro. Đồng chí nói: “Giờ đây, Cuba tiếp tục suy nghĩ làm cách mạng và bảo vệ cách mạng. Vì thế, những bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước rất có ích cho Cuba”.
Đại tướng Lê Đức Anh xúc động nói lời chia tay: “Xin thưa Chủ tịch, vì lợi ích của hai nước, hai quân đội; vì lợi ích của hòa bình và chủ nghĩa xã hội, chúng tôi nguyện làm hết sức mình cho cây Việt Nam-Cuba mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững...”
Đại tá, Nhà văn, NSƯT Chi Phan