Giá trị thương mại của tập đoàn Vạn Phong (Trung Bảo) hiện tại được định giá lên đến 3,77 tỷ NDT (khoảng 12.800 tỷ VND), quy mô sản xuất khung và trục bánh xe đứng đầu châu Á và đứng thứ hai trên thế giới.
Người phụ nữ được hàng tỷ người ngưỡng mộ đó chính là Trần Ái Liên (SN 1958) tại Chiết Giang, Trung Quốc. Với tính cách mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm không thua kém cánh đàn ông, cô đã bén duyên với ngành cơ khí, máy móc khi từng sở hữu bằng lái máy kéo, sau đó làm việc tại một xưởng sản xuất máy dệt. Đây cũng chính là nơi se duyên cho cô và chồng - chủ xưởng máy dệt.
Năm 1992, công xưởng đổi tên thành công ty thực nghiệp Trung Bảo, tiền thân của tập đoàn Vạn Phong (Wanfeng auto holding group) mà cô làm chủ tịch sau này. Tuy nhiên không lâu sau, công xưởng bị lỗ lên đến hơn 1 triệu NDT (3,4 tỷ VND) chỉ trong 2 tháng sau khi Trần Ái Liên lên nắm quyền Chủ tịch.
Sau nhiều cố gắng, nỗ lực không ngừng cải tiến nhưng vẫn không thành công, cô nhận ra thị trường máy dệt đã bị nhà nước hạn chế, sản phẩm của công ty cũng không còn chiếm thế độc quyền. Cuối cùng, Trần Ái Liên đã có một quyết định táo bạo cho ra đời sản phẩm mới là trục bánh xe để cứu công ty không lâm vào tình trạng suy kiệt.
Chân dung nữ tỷ phú Trần Ái Liên. Ảnh: bschool.hexun |
Từ một người không biết gì về trục bánh xe, cô đã tự học hỏi mày mò tháo dỡ chiếc xe mô tô Yamaha nhập khẩu từ Nhật Bản của chồng để nghiên cứu. Cuối cùng chỉ sau 3 tháng tìm hiểu và thử nghiệm, cô và các nhân viên kỹ thuật đã chế tạo thành công trục bánh xe bằng hợp kim nhôm. Lúc này, Trung Bảo là công ty thứ…112 sản xuất trục bánh xe mô tô trên thị trường.
Tự tin vào sản phẩm của mình, Trần Ái Liên quyết định tự tới các doanh nghiệp có khả năng vận hành vốn tốt để chào hàng. Tuy mức giá trục bánh xe lúc bấy giờ đắt hơn so với thị trường nhưng các chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm đều vượt mức tiêu chuẩn.
Trần Ái Liên đã thành công ngay trong lần đầu tiên chào hàng tại Kim Thành, Nam Kinh khi nhận được đơn đặt hàng lên tới 2.500 chiếc. Sau đó, công ty của bà lần lượt giành được hợp đồng với số lượng lên đến 1.470 chiếc. Đến năm 1997, sản phẩm trục bánh xe mô tô của Trung Bảo đã chiếm số lượng nhiều nhất trên thị trường. Trần Ái Liên tiếp tục chuyển hướng sản xuất lần 2, tập trung vào chế tạo trục bánh xe ô tô.
Tuy nhiên, nhận thấy ngành sản xuất ô tô trong nước còn lạc hậu, Trần Ái Liên quyết định tấn công thị trường nước ngoài trước. Người phụ nữ mạnh mẽ này đã không ngần ngại chi 1 triệu NDT (3,4 tỷ VND) để mời 4 chuyên gia về lĩnh vực này tới công ty làm việc, cung cấp đầy đủ biệt thự, xe sang, điều kiện y tế tối ưu cho họ và các nhân viên kinh doanh cao cấp. Do làm mảng thị trường quốc tế nên Trần Ái Liên dễ dàng kêu gọi các nhà cung ứng cung cấp thiết bị sản xuất với mức giá cực thấp và không cần trả trước. Nhờ vậy, trục bánh xe ô tô đầu tiên của Trung Bảo đã ra đời nhanh chóng, gần như không phải mất chi phí gì.
Không chỉ dừng lại ở đó, Trần Ái Liên còn mạnh dạn đi học hỏi tại hơn 12 doanh nghiệp Nhật Bản lâu năm, xây dựng đội ngũ kỹ thuật, tiến sĩ và nghiên cứu lớn mạnh. Công ty cũng đã nghiên cứu chế tạo ra máy đúc khuôn áp suất thấp để sản xuất trục bánh xe với giá thành thấp và hiệu suất cao hơn nhiều so với các máy nhập khẩu từ nước ngoài. Năm 1998, công ty của nữ tỷ phú Trần Ái Liên cho ra đời sản phẩm bánh xe hợp kim nhôm đạt chất lượng châu Âu. Công ty lần lượt bắt tay hợp tác chiến lược với các thương hiệu quốc tế lớn như OEM, Toyota, PSA, Ford… Đột phá là năm 2000, công ty bắt đầu tự sản xuất xe ô tô.
Trong vòng 20 năm, Trần Ái Liên đã sát nhập và tái kiến thiết 12 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Năm 2006, công ty chính thức bước lên sàn giao dịch. Năm 2014, các công xưởng được cơ giới hóa, chủ yếu do máy móc vận hành. Giá trị thương mại của tập đoàn Vạn Phong (Trung Bảo) hiện giờ là 3,77 tỷ NDT (12.800 tỷ VND), quy mô sản xuất đứng đầu châu Á và đứng thứ hai trên thế giới.
Vũ Đậu (T/h)