Nền kinh tế trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có ngành Nông nghiệp. Thế nhưng, bằng những quyết sách đúng đắn của Chính phủ, sự sát sao của ngành Nông nghiệp, sự nỗ lực, sáng tạo của nhà nông, doanh nghiệp, xuất khẩu nông sản vẫn vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng là trụ đỡ của nền kinh tế. Theo Bộ NN&PTNT cho biết tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp ước đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây.
Ngành nông lâm thủy sản ước đạt trên 53 tỷ USD, thực hiện được 96,3% kế hoạch Thủ tướng giao hồi đầu năm. Thặng dư thương mại toàn ngành năm 2023 đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: hàng rau quả tăng trên 70% và gạo tăng trên 36%, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới.
Cụ thể đối với ngành lương thực:
+) Với mặt hàng gạo, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết nửa đầu tháng 12/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 7,9 triệu tấn gạo, trị giá hơn 4,5 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này đã cao hơn dự báo trước đó là cả năm xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo và gần đạt bằng mức sản lượng dự tính của Bộ Công Thương trước đó là cả năm xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD.
Với đà này, các chuyên gia dự báo, năm 2023, xuất khẩu gạo có thể lên tới 8,2 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 4,8 tỷ USD. Con số này đạt mức cao nhất từ năm 1989 (năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo) tới nay.
Đáng chú ý, gạo Việt Nam ngày càng chinh phục tốt các thị trường khó tính. Vừa qua, theo công bố của Bộ NN&PTNT, ST25 – giống gạo từng đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới do tổ chức The Rice Trade tổ chức đã chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Cùng ST25, giống ST24 cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU.
Trước khi ST24 và ST25 được hưởng ưu đãi, 9 giống gạo của Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào EU, gồm: Jasmine 85, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài Nguyên Chợ Đào. Đây là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường đầy tiềm năng này.
+) Với mặt hàng rau quả, Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo xuất khẩu rau quả năm 2023 dự kiến đạt tới 5,6 tỷ USD, là mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay. Với kỷ lục đạt gần 5,6 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2023 bứt phá mạnh mẽ, vượt 40% kế hoạch đầu năm và tăng gần 66% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, mặt hàng này cũng có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu nhóm nông sản khi vượt qua các ngành chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê, sắn...
Đặc biệt, sầu riêng đã trở thành "quán quân" trong nhóm hàng rau quả xuất khẩu khi đạt được con số tăng trưởng rất cao. Đây vừa là sự cố gắng rất lớn của doanh nghiệp, vừa là kết quả từ nỗ lực mở cửa thị trường Trung Quốc của các bộ, ngành cho mặt hàng sầu riêng của Việt Nam.
Ngược chiều với nhóm nông sản, một số ngành chủ lực khác như thủy sản, lâm sản lại tăng trưởng âm trong năm 2023.
Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2023 ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 9,22 triệu tấn, tương đương so với ước thực hiện năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD.
Còn theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), kim ngạch xuất khẩu lâm sản cả năm 2023 ước đạt 13,5 tỷ USD, giảm 15,5% so với năm 2022. Với kết quả này, ngành gỗ mới thực hiện được khoảng 77% mục tiêu 17,5 tỷ USD đặt ra hồi đầu năm.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) nhận định thị trường hiện đã có một số dấu hiệu hồi phục, tuy nhiên năm 2024 vẫn tiềm ẩn một số rủi ro cho ngành. Bên cạnh khó khăn về đầu ra thị trường, ngành đang đối mặt với một số vấn đề thời sự ảnh hưởng trực tiếp đến tính bền vững của ngành.