Liên tiếp các vụ tự chế tạo pháo gây hậu quả nghiêm trọng
Nam sinh 12 tuổi dập nát bàn tay do làm pháo tự chế
Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Khoa Chấn thương Chi trên và vi phẫu thuật, Viện CTCH bệnh viện tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ học theo hướng dẫn trên mạng để chơi.
Nam sinh 12 tuổi (sinh năm 2011, Quảng Ninh) nhập Bệnh viện TWQĐ 108 trong tình trạng dập nát bàn tay do nổ pháo tự chế. Trước đó, khoảng 21h ngày 31/12/2023, bệnh nhân bị tai nạn do pháo nổ trong lúc đang tự chế pháo. Ngay sau băng cầm máu ở tuyến trước, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện TWQĐ 108, được phẫu thuật xử trí vết thương kỳ đầu theo nguyên tắc xử trí vết thương hỏa khí.
TS.BS Nguyễn Viết Ngọc – Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, bàn tay phải bệnh nhân dập nát, ngón cái đứt rời và dập nát toàn bộ ô mô cái, ngón 3 đứt rời đốt 2-3, các ngón 2,4,5 dập nát phần mềm và xương gãy phức tạp nhiều vị trí. Kíp phẫu thuật đã xử trí cắt lọc tổn thương, găm đinh cố định các ngón và để ngỏ tôn thương.
Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, thay băng chăm sóc vết thương và đã khâu vết thương và ghép da làm liền vết thương thì 2. Khi vết thương liền da ổn định sẽ được khám xét lại để thực hiện tiếp phẫu thuật chuyển ngón chân cái phục hồi ngón tay cái.
Đặt mua hóa chất để tự chế tạo pháo, 2 học sinh nguy kịch vì đa chấn thương
Theo thông tin từ báo Công an nhân dân, ngày 8/1, em P.G.B. (SN 2010), Đ.N.H. (SN 2009) và P.Đ.T (SN 2009) cùng ngụ tại xã Hòa Bắc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) bị thương nặng toàn thân, mất máu nhiều sau khi chế pháo nổ từ nguyên liệu mua trên mạng.
Cả hai được người nhà chuyển tới Bệnh viện Đa khoa 2 Lâm Đồng tại TP Bảo Lộc cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh. Em B bị hàng chục vết thương nặng khắp cơ thể. Bệnh nhân được chẩn đoán thủng khí quản, thủng phổi và tràn máu màng phổi. Sau khi được cấp cứu, các bác sĩ đã nỗ lực phẫu thuật đặt nội khí quản để bệnh nhân thở máy.
Tương tự, em H. cũng bị đa chấn thương nặng, trong đó có vết thương bụng kín vỡ gan, thủng ruột. Hiện cả hai học sinh này được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM để tiếp tục điều trị trong tình trạng tính mạng đang nguy kịch.
Theo Công an xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, khoảng 20h ngày 8/1, trong lúc các em đang sử dụng máy xay sinh tố để xay hỗn hợp lưu huynh và chất hóa học liên quan thì bất ngờ xảy ra nổ lớn dẫn tới sự việc đau lòng trên.
Quảng Ninh: Phát hiện 5 học sinh cấp 2 chế tạo pháo nổ trái phép
Theo thông tin từ báo VietNamNet, ngày 3/1, Công an xã Quảng Long, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh phát hiện 5 học sinh cấp 2 có hành vi chế tạo pháo nổ trái phép.
Qua khám xét nơi ở, lực lượng công an thu giữ 1kg hóa chất, 19 dây dẫn, 22 quả pháo nổ hình trụ đã được chế tạo thành công, 30 ống làm từ giấy học sinh có hình quả pháo cao từ 5-20 cm.
Tại cơ quan công an, nhóm học sinh khai nhận lên mạng đặt mua các nguyên liệu trên với số tiền 500 nghìn đồng. Sau đó, nhóm này học cách chế tạo pháo nổ trên mạng, với mục đích đốt trong dịp Tết Nguyên đán.
Công an xã Quảng Long đã lập biên bản, hồ sơ xử lý, đồng thời bàn giao các em cho gia đình để quản lý, giáo dục và cam kết không tái phạm.
Những hồi chuông cảnh tỉnh
Theo thông tin từ báo Công an nhân dân, nguyên nhân, một phần là do sự buông lỏng quản lý của gia đình, bởi thực tế cho thấy, những trường hợp liên quan đến pháo nổ bị phát hiện và xử lý, đều không có sự quan tâm đúng mực từ bố mẹ.
Đặc biệt, mạng xã hội phát triển, nhiều em có điều kiện truy cập vào các trang mạng dạy cách chế tạo pháo để học cách làm pháo nổ, góp tiền để đặt mua phụ kiện, vật dụng rồi mang về nhà rủ nhau làm pháo hậu quả nhiều vụ việc thương tâm.
Song do các em đang độ tuổi vị thành niên, có nhiều sự tò mò nên tự lên mạng coi hướng dẫn rồi mua nguyên vật liệu về chế pháo nổ bán cho bạn bè hoặc mục đích sử dụng vào dịp Tết nguyên đán. Thậm chí, có trường hợp tổ chức chế tạo pháo để bán kiếm lời với số lượng lớn.
Học sinh có bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi chế tạo pháo nổ?
Thượng tá Trần Hữu Cảnh - Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết tự chế pháo nổ là hành vi ẩn họa khôn lường, dẫn đến cháy, nổ và có thể gây tử vong hoặc thương tật suốt đời cho người sử dụng. Đặc biệt, đây là hành vi vi phạm pháp luật và bị pháp luật xử lý nghiêm. Đối với các em học sinh, nếu vi phạm sẽ ảnh hưởng đến hồ sơ, lý lịch sau này.
Cụ thể, báo Nông nghiệp Việt Nam dẫn lời luật sư Nguyễn Hồng Cơ (đoàn Luật sư TP.HCM), thông tin người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử phạt hành chính nếu có hành vi tàng trữ, đốt pháo nổ. Đây là quy định theo Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Bên cạnh đó, Điều 134 của Luật này bổ sung thêm nội dung người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu vi phạm hành chính thì không bị áp dụng hình thức phạt tiền, chỉ có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo.
Như vậy, người trong độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi có hành vi sử dụng pháo nổ là vi phạm và bị xử phạt cảnh cáo.
Trong trường hợp người từ đủ 16 tuổi trở lên đốt pháo nổ trái phép, theo quy định tại khoản 2, Điều 10 Nghị định 167/2013, sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Nếu hành vi đốt pháo nổ để lại hậu quả nguy hiểm như làm bỏng hay gây thương tích cho người khác, gây mất trật tự công cộng thì sẽ bị xử lý hình sự.
Theo đó, nhiều trường hợp cơ quan chức năng chưa thể xử lý do các em chưa đủ tuổi, vì vậy chỉ dừng ở quyết định xử lý hành chính mức cảnh cáo. Các em được yêu cầu ký cam kết không vi phạm, sau đó sẽ được giao cho gia đình và nhà trường giáo dục.
Ngoài việc xử lý theo quy định thì khi phát hiện các trường hợp là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm, lực lượng chức năng sẽ gửi thông báo về cho chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình để phối hợp quản lý, giám sát và giáo dục...
Liên quan đến các trường hợp học sinh tự chế pháo nổ, lực lượng chức năng cho biết qua làm việc được biết, các em này tự lên mạng tìm video hướng dẫn, mua hóa chất chế tạo pháo trên mạng xã hội rồi đưa về nhà riêng để thực hiện các bước tự chế thành pháo nổ.
Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh có con vi phạm về pháo, họ không biết con em mình có hành vi mua bán, chế tạo pháo nổ, chỉ khi bị lực lượng chức năng phát hiện, thông báo thì gia đình mới vỡ lẽ.
Với từ khóa “hướng dẫn cách chế tạo pháo" trên Youtube hay bất cứ trang Internet nào khác, hàng loạt kết quả được hiển thị.
Ngoài việc nhan nhản clip hướng dẫn, các hóa chất để chế tạo chất nổ được rao bán công khai trên mạng xã hội. Với chỉ một thao tác click chuột giản đơn để đặt hàng, chẳng phải đợi lâu, người mua đã được chuyển tới Amoni nitrat (NH4NO3), Natri nitrat (NaNO3), Kali clorat (KClO3)...
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an Hà Tĩnh), về phía gia đình, lực lượng công an toàn tỉnh sẽ tập trung phối hợp phụ huynh yêu cầu các em ký cam kết tự giác chấp hành, không mua bán hóa chất, tự chế tạo pháo; tập trung biện pháp nghiệp vụ, ra quân tổng kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với tội phạm về pháo, nhất là các em trong độ tuổi thanh thiếu niên.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đề nghị gia đình, nhà trường quan tâm, giám sát, quản lý con em hơn nữa để tránh những sự việc, tai nạn đáng tiếc do pháo nổ gây ra.
Gia đình nên có sự quan tâm đúng mực tới các em. Nhiều trường hợp các em học sinh tự đặt mua phụ kiện, vật dụng rồi mang về nhà rủ nhau làm pháo nhưng bố mẹ vẫn không hề hay biết. Chỉ đến khi hậu quả xảy ra, hệ lụy dai dẳng mới tá hỏa thì đã muộn màng.
Vậy nên, gia đình là một "mặt trận" vô cùng quan trọng trong việc quản lý, giám sát và giáo dục các em trước thực trạng đáng báo động về việc chế tạo pháo nổ hiện nay.
Để phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên, học sinh tàng trữ, chế tạo và sử dụng pháo nổ trái phép, lực lượng Công an các cấp đã và đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành giáo dục, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống pháo nổ; tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh quyết liệt đối với các vi phạm về pháo nổ.
Nhà trường và toàn xã hội hãy quan tâm, giám sát, quản lý con em hơn nữa để tránh những sự việc, tai nạn đáng tiếc do pháo nổ gây ra. Công tác tuyên truyền được coi là vô cùng hiệu quả để các em học sinh hiểu được sự nguy hiểm của hành vi tàng trữ và chế tạo pháo nổ trái phép.
Theo khuyến cáo, người dân chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng hoặc đại lý ủy quyền được cấp phép kinh doanh pháo hoa. Các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ không do Nhà nước cấp phép, quản lý là vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, theo Bộ Công an, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao các địa phương nắm tình hình các hội nhóm, diễn đàn mua bán, hướng dẫn làm pháo tự chế trên không gian mạng để phát hiện các nhóm đối tượng có hoạt động nghi vấn chế tạo, mua bán trái phép pháo nổ. Kịp thời ngăn chặn và xử lý những trường hợp có nguy cơ phạm tội.
Nguyễn Linh (T/h)