Sau khi kỳ thi THPT Quốc gia được chuyển thành kỳ thi Tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học đã xây dựng những phương án tuyển sinh mới nhằm phù hợp với tình hình thực tế.
Nhiều trường tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng bên cạnh kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh minh họa |
Do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chương trình giáo dục phổ thông nên trong năm nay, thay vì tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia thì bộ GD&ĐT lại quyết định thay thế bằng kỳ thi Tốt nghiệp THPT với mục tiêu chủ yếu là xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Chính vì thế, nhiều trường đại học trên cả nước mới đây đã công bố dự kiến phương thức tuyển sinh trong năm 2020.
Trường đại học Kinh tế Quốc dân: Trước đó vào ngày 14/4, trường ĐH Kinh tế Quốc dân thông báo nếu không tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia do dịch COVID-19 thì nhà trường dự kiến sẽ tự tổ chức kỳ thi riêng vào tháng 8 với 8 môn thi.
Sau khi khi Thủ tướng đồng ý cho ộp GD&ĐT tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020 (thay cho kỳ thi THPT Quốc gia trước đây), trường đại học Kinh tế Quốc dân đã hủy phương án tổ chức kỳ thi riêng vào tháng 8 với 8 môn thi và thực hiện xét tuyển kết quả tốt nghiệp THPT năm 2020. Trường chỉ lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển vào đại học chính quy. Cùng với hình thức xét tuyển trên, trường sẽ xét tuyển thẳng thí sinh có IELTS 5.5 trở lên.
Trường đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM: Trường sẽ có 4 phương thức xét tuyển khác nhau, trong đó chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp môn giảm xuống còn 40% (trước đó là 80%).
Phương thức xét tuyển dựa theo điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp môn điều chỉnh lên thành 40% tổng chỉ tiêu. Hai phương thức xét tuyển còn lại chiếm 10% ở mỗi phương thức đó chính là xét kết quả bài thi đánh giá năng lực của trường đại học Quốc gia TP.HCM năm 2020 với thí sinh có điểm từ 700 trở lên và xét tuyển thẳng học sinh giỏi từ kết quả học tập 5 học kỳ các năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12.
Trường đại học Quốc gia Hà Nội: Năm nay, trường cũng quay lại tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng sau 3 năm tạm dừng. Kỳ thi sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Ngoài các bài thi là các môn thí sinh được học ở phổ thông, năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thêm một bài viết luận.
PGS. TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc thường trực đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, bài luận là một dạng đề mở để thí sinh thể hiện khả năng viết luận về một chủ đề văn học, kinh tế, tự nhiên, xã hội dưới góc nhìn của một học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông.
“Thông qua bài luận, chúng tôi đánh giá được tư duy logic, khả năng cảm nhận thế giới khách quan và xúc cảm của người viết luận. Tôi tin rằng, thí sinh sẽ có nhiều bất ngờ và lý thú khi tham dự bài thi này. Để thí sinh hiểu rõ hơn, chúng tôi sẽ công bố bài luận mẫu và các đề thi mẫu trước ngày 10/5 để thí sinh yên tâm ôn tập”, ông Hải nói.
Ngoài xét tuyển theo kết quả của kỳ thi riêng, trường đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tuyển sinh theo các phương thức khác như xét tuyển thẳng; Xét tuyển hồ sơ thí sinh (dựa trên học bạ và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT). Với các trường y dược, Hội đồng hiệu trưởng các trường sẽ họp trực tuyến để bàn về phương án tuyển sinh, trong đó có phương án tổ chức một kỳ thi chung.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng điều chỉnh phương án tuyển sinh với 3 phương thức xét tuyển bao gồm tuyển thẳng, xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 30% tổng chỉ tiêu, dựa vào điểm 3 môn thi đạt từ 20 trở lên.
Đại học Tôn Đức Thắng: Trường này cũng đã điều chỉnh phương án tuyển sinh năm nay với 4 phương thức bao gồm xét kết quả học tập ở bậc THPT, xét kết quả thi tốt nghiệp, xét tuyển thẳng và xét kết quả thi đánh giá năng lực do nhà trường tổ chức. Ngoài việc thay đổi xét điểm thi THPT Quốc gia bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, trường có thêm phương thức đánh giá năng lực.
Trường đại học Công nghiệp TP.HCM: Lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Bên cạnh đó, trường này cũng sẽ không tổ chức kỳ thi riêng vì sẽ gây tốn kém nhiều cho xã hội cũng như các thí sinh. Thay vào đó, trường mở rộng chỉ tiêu với phương thức xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Trường đại học Ngoại thương: Trường có 5 phương thức tuyển sinh, trong đó có phương thức kết hợp với đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Với kỳ thi này, thí sinh hoàn toàn có thể dự thi theo môn mà các em đã lựa chọn, học tập suốt thời gian qua, bà Hương nói. Thí sinh tham gia xét tuyển theo các tổ hợp A00, A01, D01, D02, D03, D04, D06, D07. Bài thi bao gồm Toán (90), Văn (bài tự luận - 60’), Ngoại ngữ (60’), Lý-Hoá (60’), Lý (60’), Hoá (60’).
Trường đại học Bách khoa
Năm 2020, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng tổ chức một kỳ thi để tuyển sinh 50-80% chỉ tiêu bên cạnh các phương thức khác.
Ngày 26/4, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó hiệu trưởng trường đại hoc Bách khoa Hà Nội, cho biết, thời gian thi được gói gọn trong chiều 25/7 tới, thí sinh có nguyện vọng vào khối ngành kỹ thuật, kinh tế sẽ thi ba môn Toán, Đọc hiểu và tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh).
Với ngành Ngôn ngữ Anh, thí sinh thi Toán, Đọc hiểu (trên giấy) và Tiếng Anh (trên máy tính). Tất cả môn thi trắc nghiệm, riêng Toán 2/3 trắc nghiệm và 1/3 tự luận. Ông Thắng nói rằng, phạm vi kiến thức ra đề được gói gọn trong phần quy định của Bộ GD&ĐT; những phần đã được tinh giản sẽ không nằm trong đề thi.
Dự kiến, tuần đầu tháng 5, trường sẽ công bố khung kiến thức từng môn thi và có các ví dụ mẫu kèm theo. Trường sẽ tổ chức kỳ thi riêng ở 3 tỉnh thành (Hà Nội, Sơn La và Thanh Hóa), thay vì chỉ ở Hà Nội như công bố trước đó, để giảm thiểu tác động đến học sinh, giúp các em thuận tiện hơn trong việc đi lại, ông nói.
Theo tính toán của trường, tổ chức tại 3 điểm trên, thí sinh các vùng đến dự thi đều rất gần. Trường cũng đã có phương án dự phòng nếu dịch Covid-19 bùng phát trở lại, không thể tổ chức kỳ thi này.
Bạch Hiền (t/h)