+Aa-
    Zalo

    Nhiều trường thay đổi phương án tuyển sinh, liệu có “tháo khoán vào đại học”?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều trường đại học tại phía Nam đã điều chỉnh phương án tuyển sinh nhằm tạo điều kiện tối ưu cho học sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

    Nhiều trường đại học tại phía Nam đã điều chỉnh phương án tuyển sinh nhằm tạo điều kiện tối ưu cho học sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, các trường cần hết sức cẩn trọng để tránh tuyển sinh theo hướng “vơ bèo vạt tép”, rồi sau này chất lượng đầu vào không đáp ứng.

    Thay đổi vì dịch bệnh diễn biến phức tạp

    Ngày 24/3, đại diện trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết, do ảnh hưởng diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid-19, trường vừa điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh cho năm học mới, đó là xét tuyển học bạ THPT và bổ sung hình thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ bên cạnh hình thức xét điểm học tập năm lớp 12 theo tổ hợp 3 môn như những năm trước đó.

    Thí sinh tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.

    Theo đó, tất cả thí sinh có tổng điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên, đều có thể tham gia xét tuyển. Hình thức này được thực hiện song song với hình thức xét tuyển học bạ lớp 12 dành cho thí sinh đáp ứng điều kiện có tổng điểm trung bình năm lớp 12 theo tổ hợp 3 môn đạt từ 18 điểm trở lên.

    Riêng đối với ngành Dược, thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ cần đạt học lực giỏi năm lớp 12. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển học bạ với cả 2 hình thức này đều được chia thành nhiều đợt khác nhau: Đợt một từ nay đến 15/5; đợt hai từ 16/5 đến 30/6; đợt ba từ 1/7 đến 20/7.

    ĐH Văn Hiến xét tuyển từ kết quả thi THPT Quốc gia 2020 và theo kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT. Đối với kỳ thi riêng do trường tổ chức cho ngành Thanh nhạc và Piano, lịch thi dự kiến vào ngày 12/8 và 4/9.

    Đại học Quốc gia TP.HCM thay đổi thời gian thi phù hợp sự điều chỉnh kế hoạch năm học và kế hoạch thi THPT Quốc gia của bộ GD&ĐT. Thời gian kết thúc đăng ký dự thi đợt 1 là ngày 24/4 (so với ban đầu là ngày 28/2).

    Theo TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội Và Nhân văn TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ, với việc thay đổi thời gian thi của ĐH Quốc gia TP.HCM thì không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của thí sinh. Việc điều chỉnh là phù hợp với quy định chung của bộ GD&ĐT. Ông Hạ khẳng định: “Với việc dời kỳ thi THPT Quốc gia 1 tháng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển sinh của các trường ĐH. Mỗi trường sẽ có sự điều chỉnh kế hoạch đào tạo, tuyển sinh phù hợp với kế hoạch năm học theo khung mới bộ GD-ĐT vừa công bố.

    Lịch tuyển sinh năm nay được dời lại 1 tháng áp dụng chung cho cả nước nên thật ra không có gì khác so với các năm trước. Tất cả các trường sử dụng kết quả xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT Quốc gia 2020 đều phải thực hiện theo lịch chung của bộ, nên không ảnh hưởng gì đến quyền lợi thí sinh”.

    Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, với phương thức tuyển sinh xét tuyển qua học bạ, trường đã thực hiện hai năm nay, thu hút nhiều thí sinh tham gia dự tuyển và các em khi trúng tuyển học tập rất tốt. Với đề án tuyển sinh năm học mới, trường đang thực hiện chưa đưa ra phương án cụ thể, nhưng trên tinh thần sẽ thực hiện đúng quy định của bộ GD&ĐT đưa ra, áp dụng cho học sinh trên toàn quốc.

    Nhiều ý kiến trái chiều

    TS.Trần Tiến Khoa, hiệu trưởng trường ĐH Quốc Tế - ĐH Quốc Gia TP.HCM cho biết: Nếu lùi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, tân sinh viên khóa mới của các trường đại học chắc chắn nhập học trễ hơn so với mọi năm. Khi đó các trường đại học sẽ phải điều chỉnh kế hoạch năm học 2020-2021. Nếu lùi thời gian thi thì các trường đại học sẽ phải phân bổ rút thời gian dự trữ trong một năm sau. Thường thì các trường có thời gian dự trữ nên có thể sắp xếp được lịch học, không lo ngại ảnh hưởng việc học của thí sinh.

    Trong khi đó, trao đổi với PV báo ĐS&PL, một trưởng phòng đào tạo, chuyên gia tuyển sinh nhiều năm ở một trường đại học lớn tại TP.HCM khẳng định: “Dù là dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng hầu hết các trường vẫn dạy học online cho học sinh, vẫn có thể ra bài tập cho học sinh đầy đủ. Có thể khẳng định việc học online bước đầu chưa thể hiệu quả bằng học trên lớp, do các trường mới thử nghiệm, nhưng thực tế các em vẫn được học tập đầy đủ. Do đó, các trường không thể vì thời điểm dịch bệnh để buông lỏng tuyển sinh dẫn đến cảnh tuyển ồ ạt, tuyển theo kiểu “vơ bèo vạt tép” cho đủ chỉ tiêu như những năm trước”.

    Cũng theo chuyên gia này cho biết, hiện thời gian qua, xuất hiện một số đơn vị chào mời thí sinh ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường THPT, giới thiệu về cơ sở vật chất của trường, về đội ngũ giảng dạy... Về tình hình chung, đó là việc làm bình thường, nhất là trong bối cảnh các trường đang cạnh tranh nhau gay gắt về chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Tuy nhiên, tại một số vùng sâu vùng xa, khi các em chưa ý thức được hết việc chọn ngành, chọn trường, thì chuyện này dễ hướng các em chọn sai ngành, sai trường cho mình. Một số em sẽ không tìm hiểu kỹ, khi nộp hồ sơ xét tuyển vào trường có cơ sở vật chất được cho là hiện đại, nhưng khi vào học các em mới ngỡ ngàng khi mức học phí cũng trên trời... Có nhiều em không kham nổi, phải bỏ học giữa chừng.

    Phải cân nhắc kỹ

    Trao đổi với PV, lãnh đạo một trường đại học công lập TP.HCM khẳng định: “Thời điểm này các thí sinh cần hết sức cân nhắc trước việc nộp hồ sơ vào các trường. Bởi vì, theo quy định của bộ GD&ĐT, nếu thí sinh có nộp hồ sơ, trúng tuyển thì cũng bắt buộc phải có giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời. Như vậy, việc một số trường cho nộp hồ sơ xét tuyển sớm là chưa phù hợp. Việc này, nhiều trường đã làm từ năm ngóai, nhiều thí sinh không nắm thông tin, đã đăng ký xét tuyển, khi biết trúng tuyển thì bắt buộc nộp tiền vào trường để “giữ chỗ”. Tuy nhiên, khi không có nguyện vọng học và xin rút lại tiền đã đóng thì trường không cho. Như vậy rất thiệt thòi cho các em”.

    Nguyễn Lành

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 49

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-truong-thay-doi-phuong-an-tuyen-sinh-lieu-co-thao-khoan-vao-dai-hoc-a317184.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan