Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ được thay đổi để phù hợp với lứa học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Thí sinh sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn cùng 2 môn tự chọn.
Thí sinh không được phép thi nhiều hơn 2 môn tự chọn. Như vậy, tổng cộng có 36 tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT. Khi số tổ hợp môn thi hạn chế hơn, các trường đại học cũng có kế hoạch điều chỉnh phương án tuyển sinh kể từ năm 2025.
Theo Vnexpress, Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến năm 2025 chỉ dành 15% chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp, giảm 3% so với năm nay. Tính trong vòng 5 năm qua, tỷ lệ này giảm từ 70 xuống 15%.
Phần chỉ tiêu giảm được chuyển sang xét tuyển kết hợp (tổng 83%). Với phương thức này, thí sinh cần có điểm SAT và ACT, lần lượt 1.200/1.600 và 26/30 trở lên; hoặc điểm thi đánh giá năng lực, tư duy hay chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế 5.5 IELTS hoặc 46 TOEIC iBT trở lên.
2% chỉ tiêu còn lại được trường dùng xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (thí sinh được giải quốc gia, quốc tế...).
Đại học Bách khoa Hà Nội giữ ổn định 3 phương thức gồm: xét tuyển tài năng, dựa vào kết quả thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, trường dự kiến giảm chỉ tiêu xét bằng điểm thi tốt nghiệp từ 50% xuống còn 40% vào năm tới, đồng thời bổ sung một số tổ hợp để tuyển sinh cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kế hoạch cụ thể sẽ được trường công bố vào cuối tháng 9.
Theo VietNamNet, trước đó, Trường Đại học Nha Trang là ngôi trường đầu tiên thông báo phương án xét tuyển dự kiến, trong đó trường cho biết sẽ không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh vào trường sẽ xét tuyển theo phương thức kết hợp học bạ và điểm thi đánh giá năng lực.
Nhiều trường khác cũng đưa ra dự kiến sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Chẳng hạn Trường Đại học Thương mại dự kiến năm 2025, nhà trường sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển qua điểm thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên mức giảm này sẽ đảm bảo vừa phải, không giảm nhanh, bởi theo đại diện trường, phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn được toàn xã hội coi là "thang đo chung để so sánh giữa các trường". Trường sẽ tăng số chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã có lộ trình để không phụ thuộc quá nhiều vào việc thi tốt nghiệp THPT. Việc giảm số chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cũng là nội dung nằm trong đề án tổ chức thi đánh giá năng lực của trường. Cụ thể, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực do trường tổ chức sẽ tăng dần qua các năm và giảm dần tỷ lệ sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.