Những quy tắc vệ sinh này hàng ngày bạn đều thực hiện nhưng không phải đã biết cách làm đúng để đảm bảo sức khỏe.
Gội đầu
Ở cơ địa mỗi người lại có tuyến bã nhờn khác nhau, chính vì thế việc tiết bã nhờn trên da sinh ra một chất dầu trên da đầu cũng khác, có người thì da đầu rất khô, người lại da đầu rất là nhiều dầu khiến cho tóc của bạn nhanh bị bết dính làm cho bạn cảm thấy khó chịu và mất tự tin trước người đối diện. Bởi vậy việc gội đầu là cách tốt nhất để loại bỏ dầu trên da đầu giúp bạn cảm thấy khô ráo hơn, nhưng việc gội đầu quá nhiều khiến cho da đầu của bạn sẽ nhờn hơn mà thôi.
Bao lâu gội đầu một lần là hợp lý nhất? Các chuyên gia khuyên rằng việc gội đầu không cần thiết phải thực hiện hằng ngày. Nên gội đầu nhiều hay ít còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau như bạn sở hữu loại da gì, tóc của bạn như thế nào, bạn có tạo kiểu bằng hóa chất hằng ngày, thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn hay không,... Cách tốt nhất để bảo vệ da đầu và làm sạch dầu đó chính là bạn nên gội đầu 1-2 lần/1 tuần là hợp lý nhất giúp cho tóc bạn luôn khỏe mạnh.
Đánh răng khi nào thì tốt
Bạn chỉ cần bỏ ra 4 phút để đánh răng, chia thành 2 lần, sáng tối đều đặn tới thăm khám nha sĩ 6 tháng một lần thì chắc chắn rằng bạn sẽ có một hàm răng chắc khỏe ở hiện tại và về già.
Tuy nhiên bạn cần lưu ý, không nên đánh răng ngay sau khi ăn uống những thực phẩm có chứa axit như: những loại nước ngọt có ga, hoa quả, đặc biệt là nước cam hoặc chanh, dấm, đồ uống tăng lực... các axit trong thực phẩm sẽ làm suy yếu, bào mòn men răng vì thế khi ăn những loại thực phẩm này bạn hãy đợi 30 phút, để cho nước bọt chung hòa axit trong miệng và lúc đó bạn có thể đánh răng là tốt nhất.
Tắm
Việc vệ sinh, tắm rửa giúp cho chúng ta luôn cảm thấy sạch sẽ, thơm tho. Mùa hè là khoảng thời gian nóng bức khiến bạn trở nên khó chịu và muốn tắm liên tục, tuy nhiên các chuyên gia da liễu khuyên rằng cách 2-3 ngày tắm 1 lần là hợp lý nhất. Nhưng nếu hằng ngày các bạn hoạt động nhiều như chơi thể thao hay hoạt động chân tay thì bạn có thể tăng tần suất tắm lên.
Thời gian nào là tắm tốt cho sức khỏe? Sáng hay tối? Câu trả lời này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng nếu bạn là người có làn da thiên dầu, thì thời gian tắm tốt nhất là buổi tối.
Có nên sử dụng nước súc miệng thường xuyên?
Việc sử dụng nước súc miệng có chứa flo giúp cho bạn có hàm răng sạch sẽ loại bỏ mảng bám và ngăn ngừa sâu răng. Tuy nhiên bạn không nên quá lạm dụng đến nước súc miệng, chỉ nên xem đây là một phương án thay thế khi bạn không có thời gian đánh răng vì nước súc miệng tuy có tác dụng diệt khuẩn nhưng không có tác dụng loại bỏ thức ăn giắt vào các kẽ răng. Mà thức ăn giắt ở kẽ răng sẽ bị vi khuẩn phân hủy vừa làm hôi miệng, vừa tạo điều kiện hình thành mảng bám dẫn đến viêm quanh răng, viêm lợi và sâu răng.
Lưu ý, sau khi đánh răng xong bạn không nên sử dụng nước súc miệng ngay sau đó.
Rửa tay
Theo các chuyên gia, sáu bước vệ sinh tay đúng cách được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo thực sự ưu việt hơn rất nhiều cách rửa tay ba bước trước đây.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Glasgow Caledonian ở Scotland đã quan sát 42 bác sĩ và 78 y tá rửa tay với nước rửa tay chứa cồn sau khi điều trị cho bệnh nhân. Kết quả cho thấy kĩ thuật này giúp giảm số lượng vi khuẩn trung bình (từ 3,28 xuống 2,58) hiệu quả hơn so với phương pháp rửa tay ba bước trước đây (tổng số vi khuẩn trung bình giảm từ 3,08 xuống 2,88).
Tuy nhiên, phương pháp 6 bước cần nhiều thời gian để hoàn thành hơn phương pháp ba bước cũ bởi thay vì mất 35 giây thì bạn sẽ mất tới 42,50 giây để có được bàn tay sạch khuẩn hơn.
Cách rửa tay 3 bước trước đây chỉ đơn giản là làm ướt tay, chà rửa với xà bông trong 20 giây rồi xả sạch, lau tay khô với khăn bông.
Các chuyên gia cũng cho hay đối với những vết bẩn hữu hình thì chỉ cần sử dụng xà bông để rửa sạch là đủ nhưng nếu tiếp xúc với các nguồn có nguy cơ lây lan vi khuẩn thì nên sử dụng nước rửa tay chứa cồn để diệt khuẩn.
Cách rửa tay 6 bước được WHO khuyên dùng.
- Bước 1: Làm ướt tay và chà sát vào cục xà bông hoặc lấy một chút nước rửa tay chứa cồn vào lòng bàn tay.
- Bước 2: Chà rửa hai lòng bàn tay với nhau như bình thường rồi đan các ngón tay với nhau để làm sạch các kẽ ngón tay.
- Bước 3: Xoa lòng bàn tay phải lên mu bàn tay trái với các ngón tay đan nhau để các kẽ tay được làm sạch và ngược lại.
- Bước 4: Móc hai bàn tay vào nhau và chà sạch khe các ngón tay bằng cách xoay cổ tay nửa vòng.
- Bước 5: Nắm chặt ngón tay cái bàn tay phải và chà rửa ngón tay theo chuyển động tròn rồi đổi tay.
- Bước 6: Chụm đầu các ngón tay của bàn tay này và chà sạch đầu các ngón tay vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước, sau đó dùng khăn sạch thấm khô tay.
“Rửa tay sạch sẽ được coi là cách phòng chống quan trọng nhất để giảm thiểu các bệnh truyền nhiễm nhưng trước đây chưa ai chứng minh cách rửa tay nào là hiệu quả nhất.
Chính vì vậy, nghiên cứu này đã cho thấy đâu là phương thức vệ sinh tay hiệu quả nhất trong công cuộc phòng chống bệnh truyền nhiễm của ngành y tế”, giáo sư Reilly cho biết.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các bệnh truyền nhiễm dễ dàng lây lan trong quá trình điều trị bệnh nhân do quá trình diệt khuẩn chưa tốt xảy ra trên khắp thế giới và hầu hết các quốc gia đang thiếu những hệ thống kiểm soát vấn đề này.
Nam Anh (T/h)