Theo tờ CAND, Bộ GD&ĐT cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng GVMN (giáo viên mầm non) bỏ việc. Trong khi đó, việc tuyển dụng GVMN ở nhiều địa phương rất khó khăn. Nguyên nhân là do áp lực công việc của GVMN rất lớn, thời gian làm việc dài, thu nhập thấp.
Theo báo cáo xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập GDMN của Bộ GD&ĐT, GDMN có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. 10 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó có GDMN.
Qua việc triển khai thực hiện ở các cấp, các địa phương trên phạm vi toàn quốc, GDMN từ cấp học còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ, mạng lưới trường lớp chưa được quan tâm quy hoạch, đến nay, đã có bước phát triển khá toàn diện, tạo nền tảng cơ bản để phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, GDMN vẫn là bậc học còn nhiều hạn chế, tồn tại.
Mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu đi học của trẻ. Năng lực đáp ứng nhu cầu huy động trẻ của mạng lưới cơ sở GDMN còn hạn chế.
Ngoài ra, cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng để thực hiện Chương trình GDMN. Hiện nay tính riêng cấp học mầm non, toàn quốc còn trên 5.000 phòng học nhờ, học tạm không đảm bảo an toàn; số phòng học kiên cố mới đạt khoảng 82%; thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDMN, nhất là ở những vùng khó khăn, miền núi.
Đặc biệt, đội ngũ giáo viên thiếu nhiều, chất lượng chưa bảo đảm. Tình trạng thiếu GVMN kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết. Hiện nay, toàn quốc còn thiếu khoảng 50.000 GVMN. Trong bối cảnh thiếu nhưng các địa phương vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế viên chức là GVMN. Tình trạng GVMN bỏ việc và nghề GVMN ngày càng ít hấp dẫn do thu nhập đang thấp nhất trong các cấp học, trong khi giáo viên chịu áp lực công việc cao nhất, thời gian làm việc trong ngày tại cơ sở GDMN dài nhất (9-12h mỗi ngày).
Theo thông tin từ tạp chí Giáo dục điện tử, bên cạnh những hạn chế trên, khoảng cách trong đảm bảo các điều kiện giáo dục giữa các vùng miền còn lớn cũng là vấn đề đáng quan tâm. Hiện có khoảng 40,9% trẻ em vùng khó khăn chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non. Chính sách đầu tư của Nhà nước cho giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập vẫn còn có điểm bất bình đẳng. Giáo viên mầm non làm việc trong điều kiện áp lực lớn nhất trong đội ngũ nhà giáo song lại có thu nhập ở mức thấp nhất.
Việc đáp ứng nhu cầu và khả năng khác nhau của trẻ em trong giáo dục mầm non chưa được bảo đảm tại nhiều địa phương theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Trẻ em. Mục tiêu giáo dục hoà nhập ở giáo dục mầm non chưa được hiện thực hoá trong mỗi lớp học, trong các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
N.L(T/h)