Ngày 24/6 (giờ địa phương), Toà án Tối cao Mỹ đã thông qua một phán quyết gây tranh cãi, đó là đảo ngược quyền được phá thai của phụ nữ. Phán quyết này cho phép các bang được quyền tự đưa ra quyết định về vấn đề phá thai và không cần phải quan tâm tới đạo luật Roe v Wade từng cho phép phụ nữ phá thai nếu thai nhi chưa quá 3 tháng tuổi. Như vậy, khoảng một nửa số bang của Mỹ dự kiến sẽ có kế hoạch cấm phá thai hoặc hạn chế tối đa việc phá thai.
Trước thay đổi mang tính "bước ngoặt" này, nhiều phụ nữ có thể phải di chuyển ra những tiểu bang khác để được thực hiện quyền phá thai. Theo đó, nhiều công ty Mỹ đã thêm các gói "chăm sóc sức khỏe quan trọng" vào các gói phúc lợi của nhân viên.
Các biện pháp này đã phản ánh trách nhiệm ngày càng cao của các doanh nghiệp trong việc đối phó với áp lực từ các nhà đầu tư, khách hàng và nhân viên tại thời điểm mà các giá trị của doanh nghiệp không phù hợp với cơ quan lập pháp cấp tiểu bang nơi họ và các nhân làm việc.
Nhiều ngân hàng và công ty công nghệ thông báo họ sẽ chi trả chi phí đi lại cho những người lao động có nhu cầu phá thai như một phần phúc lợi y tế của họ. Hiện nay, các ngân hàng Bank of America và Goldman Sachs đã cùng Citigroup và JPMorgan Chase cung cấp thêm sự hỗ trợ này.
Bà Sara Wechter, người đứng đầu bộ phận nhân sự của Citigroup, thông báo: "Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho các lựa chọn kế hoạch hóa gia đình ở bất cứ nơi nào chúng tôi được phép làm như vậy".
Các công ty công nghệ cũng đã có sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu của nhân viên. Microsoft đã mở rộng hỗ trợ tài chính của mình cho các gói "chăm sóc sức khỏe quan trọng" từ khi bản dự thảo bị rò rỉ cho thấy Toà án Tối cao có kế hoạch đảo ngược quyền phá thai của phụ nữ.
Ngoài Microft, Apple cho biết gói phúc lợi hiện có của họ cũng cho phép nhân viên ra khỏi tiểu bang để được chăm sóc y tế và Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng tuyên bố họ sẽ chi trả các chi phí đi lại "trong phạm vi luật pháp cho phép" cho nhân viên có nhu cầu phá thai.
Trong lĩnh vực giải trí, các công ty Disney, Condé Nast, Warner Bros Discovery và Netflix là một trong số những công ty sẽ cung cấp các chi phí đi lại cho nhân để họ thực hiện quyền được phá thai ở những bang khác.
Mặc dù các công ty lớn có thể giảm nhẹ phán quyết của tòa án tối cao nhưng các biện pháp này khó có thể giải quyết được hoàn toàn mối lo ngại của nhân viên tại các công ty ở các bang có thuế suất thấp đã ban hành các hạn chế hoặc về cơ bản là cấm tiếp cận phá thai.
Trong khi nhiều công ty đã công bố các kế hoạch hành động để đảm bảo quyền lợi cho nhân, cũng không ít công ty lớn ở Mỹ đến nay vẫn giữ im lặng như McDonald’s, PepsiCo, Coca-Cola, General Motors, và Walmart có trụ sở tại Arkansas, tiểu bang đã ban hành lệnh cấm phá thai.
Hội nghị bàn tròn kinh doanh, một tổ chức đại diện cho một số công ty quyền lực nhất của quốc gia, đã nói rằng họ "không có quan điểm về giá trị của vụ việc".
Minh Hạnh (Theo The Guardian)