Thời gian qua, thông tin về vi khuẩn Whitmore (được gọi là vi khuẩn “ăn thịt người”) nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Tại các bệnh viện như trung tâm Bệnh Nhiệt đới, bệnh viện (BV) Bạch Mai, BV sản Nhi Nghệ An, BV Trung ương Thái Nguyên cũng ghi nhận trường hợp bệnh nhân nhiễm vi khuẩn này. Mới đây nhất, BV Đa khoa Yên Bái vừa cứu chữa thành công 2 bệnh nhân và ghi nhận 4 ca tử vong.
Tử vong do phát hiện bệnh muộn, bệnh nhân không đi khám
Thông tin với PV báo ĐS&PL, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, Nông Văn Hách, BV Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, bệnh viện này đã cứu chữa thành công 2 ca bệnh nhiễm vi khuẩn Whitmore. Theo đó, từ đầu năm 2019 đến nay, bệnh viện này phát hiện 6 ca mắc bệnh do vi khuẩn Whitmore. Tuy nhiên, có 4 ca tử vong do phát hiện bệnh muộn, bệnh nhân không đi khám.
Bác sĩ Hách thông tin, 2 bệnh nhân được cứu chữa thành công, trong đó một bệnh nhân (36 tuổi) được ra viện, điều trị ngoại trú. Còn một bệnh nhân nam (49 tuổi), nhập viện từ ngày 9/9, đang được điều trị tại khoa Truyền nhiễm, hiện nay qua quá trình điều trị bệnh nhân có biểu hiện bệnh tiểu đường, nên được chuyển về khoa Nội điều trị, kiểm soát đường huyết thì bệnh Whitmore mới ổn định. “Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, chức năng sống của bệnh nhân đang trở về bình thường, nhưng đường huyết tăng cao nên cần theo dõi thêm”, bác sĩ Hách cho biết.
Nói về nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ Hách chia sẻ: “Nguyên nhân gây bệnh là do loại vi khuẩn có tên Whitmore gây nên, do người tiếp xúc với mầm bệnh ở ngoài môi trường, qua vết thương xây xát. Triệu chứng của bệnh vi khuẩn Whithmore rất khó phân biệt, chỉ sốt cao, rét run và có một ổ nhiễm trùng bất cứ chỗ nào trên cơ thể, thì duy nhất bệnh viện đa khoa tỉnh mới nuôi cấy và định danh vi khuẩn gây bệnh này. Vì thế, bệnh nhân nên đi viện khám để phát hiện và điều trị sớm. Bên cạnh đó, khi đi lao động ở đồng ruộng nên sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động nhằm tránh trường hợp vi khuẩn Whitmore trong đất tiếp xúc với da”, bác sĩ Hách thông tin thêm.
Nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người" có ca tử vong nhưng không nguy hiểm như tin đồn. Ảnh minh hoạ |
Trung tuần tháng 9, bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng tiếp nhận và điều trị nam bệnh nhân tên M.V.D. (45 tuổi, Võ Nhai, Thái Nguyên) bị mắc bệnh Whitmore. Bệnh nhân bị bừa đâm vào mặt ngoài gối phải, đã vệ sinh và khâu vết thương. Sau đó, vết thương sưng nề, chảy dịch, vào viện chẩn đoán vết thương nhiễm trùng gối phải, được dùng 10 ngày kháng sinh Ceftizoxim + Tobramycin. Vết thương khô nên bệnh nhân đã ra viện. Sau 10 ngày, bệnh nhân lại phải nhập viện lại vì vết thương vẫn sưng nề, chảy dịch mủ, hình thành ổ áp xe. Bệnh nhân được phẫu thuật nạo tổ chức viêm lấy xương chết, nuôi cấy mủ tổ chức viêm tìm thấy vi khuẩn B. Pseudomallei (sau gần 1 tháng khỏi bệnh). Bệnh nhân được hội chẩn khoa Bệnh Nhiệt đới và điều trị kháng sinh theo phác đồ điều trị bệnh Whitmore. Sau 3 tuần, vết thương vùng gối phải khô, liền sẹo tốt, bệnh nhân ra viện tiếp tục điều trị kháng sinh duy trì theo phác đồ.
Trước căn bệnh có tên đáng sợ này, trao đổi với PV, bác sĩ Trương Hữu Khanh chuyên khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: “Bệnh này không phải mới được phát hiện gần đây mà đã được ghi nhận từ lâu. Cơ chế lây bệnh của loại vi khuẩn này là từ đất, từ nước bẩn. Bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da trầy xước là chính, vi khuẩn từ vết xước đi vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử nên bị gọi là "ăn thịt người". Cái chính ở đây là bác sĩ, nhân viên y tế phải biết căn bệnh này để phát hiện sớm, chẩn đoán đúng, điều trị đúng, nếu chẩn đoán nhầm thì khó khỏi. Nên không phải là gánh nặng ghê gớm”, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết thêm.
Gần đây, các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 7-11. Do đó, những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: Sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi... Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Bệnh không lây từ người sang người
Liên tiếp xuất hiện thông tin có một số bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore “ăn thịt người”, khiến dư luận hoang mang. Thông tin thêm về căn bệnh này, bác sĩ Khanh cho biết, vi khuẩn Whitmore không phải là bệnh lây từ người sang người, nên không thể có tác hại nặng. Vi khuẩn Whitmore (hay còn gọi là bệnh Melioidosis) mà người dân thắc mắc và hoang mang thời gian qua là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh có biểu hiện như sốt, co giật, sốt kéo dài, viêm phổi kéo dài...
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân không được chủ quan với bệnh Whitmore ở tất cả các bệnh nhân có tổn thương đa ổ áp xe, nhiễm bẩn đặc biệt ở các khu đầm lầy, đồng ruộng, trên đối tượng nguy cơ như người làm nông nghiệp, trồng rừng, người bệnh đái tháo đường... Tuy nhiên, mới đây, thông tin Quảng Bình xuất hiện loại “vi khuẩn ăn thịt người” đã khiến dư luận tỉnh này vô cùng hoang mang, lo lắng. Theo đó, chiều tối 16/9, trên một số trang mạng xã hội Facebook đăng tải thông tin "Xuất hiện loại vi khuẩn ăn thịt người ở Quảng Bình". Những thông tin này khi đăng tải đã gây hoang mang dư luận, khiến rất nhiều người dân lo lắng, đặc biệt các gia đình có con nhỏ.
Trang Facebook Quảng Bình TV đăng tải nội dung: "Góc cảnh giác: Hôm nay tại bệnh viện Cu Ba Đồng Hới đã tiếp nhận ba ca trẻ em bị nhiễm vi khuẩn ăn thịt người. Nguồn tin chính xã từ các bác sĩ làm tại bệnh viện Cu Ba. Chia sẽ để mọi người chú ý, đặc biệt là trẻ em và những người làm việc tiếp xúc với bùn đất". Một Facebook cá nhân chia sẻ: "Bệnh viện Cu Ba mình vừa có 3 ca nhiễm vi khuẩn ăn thịt người rồi mọi người ơi. Cảnh giác nhé". Chỉ ít phút sau khi chủ nhân của tài khoản Facebook này đăng tải, đã lập tức nhận được sự thu hút đông đảo của cộng đồng mạng với hàng trăm lượt like và chia sẻ.
Liên quan đến thông tin này, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc sở Y tế Quảng Bình, khẳng định: "Hiện tại các cơ sở Y tế trên địa bàn tỉnh hoàn toàn không tiếp nhận, điều trị ca bệnh nào được cho là nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người” như dư luận đang đồn thổi". Còn ông Dương Thanh Bình, Giám đốc BV Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, Quảng Bình cũng khẳng định, đến thời điểm này bệnh viện không tiếp nhận bất kể một trường hợp nào được cho là nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” như mạng xã hội Facebook cá nhân.