(ĐSPL) - Sau Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng phải huy động hàng loạt cán bộ, máy đếm tiền của ngân hàng vào hỗ trợ đếm tiền lẻ.
Vào thời điểm này, trong khi nhân viên nhiều công sở khác đang mải mê du Xuân đầu năm thì nhân viên nhiều ngân hàng lại phảu quay cuồng với công việc kiểm đếm tiền lẻ ở nhà chùa.
Chị Lệ - nhân viên phòng giao dịch một ngân hàng tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) chia sẻ trên VnExpress, vì nơi làm việc gần chùa Hương - ngôi chùa nổi tiếng phía BẮc, luôn nườm nượp khách tới trẩy hội mỗi độ xuân về.
Chùa Hương bắt đầu khai hội từ mồng 6 Tết và đỉnh cao là sau rằm tháng Giêng. Người dân đi lễ, ngoài tiền công đức còn đặt giọt dầu (tiền lễ), chủ yếu là tiền lẻ nhưng cộng lại cả mùa cũng lên đến hàng tỷ đồng.
"Mỗi lần đi đếm như vậy, chúng tôi phải mất cả tuần mới xong. Chưa nói đến chuyện độc hại, ngày nào cũng tiếp xúc với hàng chục bao tiền như vậy khiến tôi rất sợ", chị Lệ than.
Thói quen sử dụng tiền mới mệnh giá nhỏ để đi lễ đền, chùa khiến nhiều nhân viên ngân hàng phải đau đầu. Ảnh minh họa. |
Cũng giống như chị Lệ, bà Dương Bích Minh Thanh, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) Hưng Yên cho hay mất rất nhiều thời gian cho công việc kiểm đếm tiền lẻ. "Tiền công đức của các nhà đền dù 10 đồng hay một tỷ đồng thì ngân hàng vẫn phải bố trí đầy đủ ban bệ, các thành phần và ôtô chuyên dùng để thực hiện. Có những trường hợp chúng tôi phải thu theo cân", bà nói.
Vào dịp Tết Nguyên đán, việc sử dụng tiền mới mệnh giá nhỏ để đi lễ đền, chùa (nhất là các tỉnh phía bắc) là khá phổ biến. Sau Tết, lượng tiền mệnh giá nhỏ nộp vào ngân hàng rất lớn, cần phải huy động lượng lớn cán bộ, nhân viên kiểm đếm, làm lãng phí nhiều thời gian và chi phí.
Chị Nga, nhân viên Ngân hàng Techcombank cho biết trên Infonet, việc kiểm đếm tiền lẻ vất vả, mất công ở chỗ, ngoài chuyện tiền đủ mọi mệnh giá, nhưng khi cho vào thùng/hòm công đức người dân còn gập lại nhiều lần, thậm chí có nhiều người còn gập tiền lại theo hình thù, gài lên tất thảy những chỗ có thể "cài cắm" được.
Chị Mai làm việc tại một chi nhánh ngân hàng tại quận Ba Đình cho biết, ngân hàng cô làm việc nằm trên địa bàn Phủ Tây Hồ, mà nơi đây lại thu hút rất đông người dân không chỉ khu vực Hà Nội mà cả khách thập phương các nơi tới chiêm bái những ngày đầu năm.
“Năm nào chi nhánh mình cũng phải huy động tới già nửa nhân viên ngồi kiểm đếm tiền lẻ sau Tết. Tuy công việc chỉ rộ lên trong khoảng nửa tháng Giêng, nhưng với lượng tiền lẻ nhiều khiến mọi người cũng mỏi mệt”- chị Nga nói.