+Aa-
    Zalo

    Nhà tiền tỷ chứa “tóc dài, tóc rối”, nông dân xuất ngoại như… đi chợ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhờ nghề buôn tóc, hàng trăm ngôi biệt thự mọc lên giữa một vùng đất khó khăn huyện Tam Nông, Phú Thọ và nơi đây bỗng chốc trở thành một ngôi làng giàu có nhất vùng.

    Nhờ nghề buôn tóc, hàng trăm ngôi biệt thự mọc lên giữa một vùng đất khó khăn huyện Tam Nông, Phú Thọ và nơi đây bỗng chốc trở thành một ngôi làng giàu có nhất vùng.

    Làm giàu từ tóc

    Hồng Đà là một xã thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi sông Đà hội lưu với sông Hồng với diện tích gần 4 km2. Xã từng một thời nghèo đói với những thửa ruộng mất mùa tuy nhiên một thời gian sau người dân cả xã bỗng dưng bỏ hết ruộng vườn chuyển sang nghề buôn phế liệu.

    Người dân từ già đến trẻ đi khắp các tỉnh về đổ đống khắp thôn làng. Các đại lý thu mua phế liệu mọc lên như nấm sau mưa. Đang hưng thịnh với nghề “đồng nát”, bà con bỗng dưng kháo nhau đổi nghề sang “buôn tóc”.

    Người dân Hồng Đà giàu lên nhờ nghề buôn tóc. Ảnh minh họa

    Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Hồng Đà nhớ lại: “Dân ở đây rất nhạy bén với thị trường. Khi buôn sắt vụn kiếm được vốn, nhận thấy nghề buôn tóc mới là nghề “hốt bạc”, chẳng ai bảo ai thế là thành làng nghề buôn tóc”. Những ngày đầu đi chợ tóc, người may mắn có khi kiếm vài triệu một ngày, không thì cũng phải kiếm tiền trăm.

    Kiếm được tiền, người dân bắt đầu đi tìm các nguồn hàng mới, họ tràn đi khắp nơi, kể cả tận những bản làng xa xôi để thuyết phục người ta bán tóc. Một số người táo bạo còn sang tận nước bạn Lào, Campuchia để thu mua tóc. Những lúc đỉnh cao, cả xã có tới 400 người đi “chợ tóc” thì có tới hơn 200 người đi xuyên Đông Dương để thu mua.

    Mỗi chuyến xuất ngoại của người dân Hồng Đà kéo dài khoảng 1 đến 2 tháng, hầu hết những chuyến đi như vậy đều thắng lớn. Người may mắn có thể gom được cả tạ tóc, trung bình cũng được vài chục cân tóc đẹp. Trừ mọi chi phí, mỗi người cũng được cả vài chục triệu.

    Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cũng phải “giật mình” vì ở xã Hồng Đà không hiểu nguyên nhân gì mà người dân lại làm hộ chiếu đi nước ngoài rầm rộ đến như vậy. Tỉnh đã cho người về địa phương xác minh, không ít người đã phải ngả mũ bái phục người dân nơi đây. Nhờ nghề buôn tóc, hàng trăm ngôi biệt thự mọc lên và nơi đây bỗng chốc trở thành một ngôi làng giàu có có tiếng nhất vùng.

    Theo thống kê, vào năm 2008, cả xã có tới 9 hộ rơi vào tình trạng “khuynh gia bại sản”, ngân hàng đã làm thủ tục để niêm phong nhà. Vậy mà chỉ sau 2 năm đi chợ tóc, số nợ đã trả hết, kinh tế khá giả lên trông thấy. Dần dần Hồng Đà được người ta gọi với cái tên "làng tỷ phú".

    Điểm hay ở Hồng Đà là một số cán bộ tranh thủ cũng đi chợ tóc một cách rất tích cực. Anh Phan Văn Th. cán bộ xã Hồng Đà cũng có nhiều lần xuất ngoại buôn tóc. Anh lôi từ trong tủ ra một thùng tóc và khoe: “Chỗ này được khoảng hơn 15kg tóc đẹp, theo thời giá bây giờ sẽ bán được với giá 5,8 triệu đồng/kg. Tức là cái thùng này có giá 87 triệu đồng chứ không ít”. Tương tự, anh Nguyễn Xuân Q. (khu 2) cũng đã nhiều lần sang Lào và Campuchia mua tóc. Anh chia sẻ, mỗi chuyến đi xa như vậy cũng giúp mình mở mang đầu óc. Được đi nhiều tỉnh, qua nhiều vùng của các nước bạn để lo việc gia đình và tiện thể du lịch luôn.

    Và không để bài toán kinh tế về tóc kém hiệu quả, một số thợ mua tóc ở Hồng Đà đã đứng ra thành lập đại lý thu mua với quy mô lớn. Nhiều người trong số đó trở thành tỷ phú. Một trong những đại gia tóc hiện nay ở Hồng Đà phải kể đến vợ chồng anh Tửu chị Nhung ở khu 6. Vợ chồng anh Tửu nhờ có vốn, lại quen với một số đầu mối thu mua lớn ở các công ty thời trang nên đứng ra lập đại lý, trở thành “cai tóc” lớn nhất nhì xã. Ngôi biệt thự khang trang mà anh Tửu đang sở hữu là bằng chứng rõ nhất cho việc làm giàu từ nghề này.

    Còn một “cai tóc” nổi tiếng nữa là bà Phan Hồng Nhung ở khu 3. Trước đây, bà Nhung cũng là đầu mối thu mua sắt vụn lớn nhất xã Hồng Đà. Năm 2007, cả làng bỏ nghề phế liệu, đại lý của bà Nhung không thể tồn tại. Với số vốn tích cóp, lại nhạy bén với thị trường, bà chuyển sang làm “cai tóc”, thu mua tất cả các loại hàng xấu đẹp. Trong hơn 400 người tham gia buôn tóc ở Hồng Đà, có tới phân nửa số đó là những đại gia tóc. Họ có nguồn tóc để mua, cũng có nguồn tóc để bán, có khi còn “găm hàng” chờ giá để bán theo vụ.

    Nghe đơn giản nhưng nghề này cũng đi kèm những rủi ro không nhỏ. Liên tục phải tiếp xúc với người dân tộc và những xã vùng sâu xa, người mua đứng trước nguy cơ bị hành hung, bị tấn công. Hoặc thậm chí có những người sau khi cắt tóc lại đổi ý, bắt đền người mua. Và cái giá của nghề buôn tóc ở Hồng Đà thực sự là đắt khi có 2 người tử nạn vì nghề và hàng chục người khác bị thương do tai nạn.

    Quê nghèo chuyển mình

    Đó là làng Đông Bích (xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km). Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đậu ngay cổng là những chiếc xế hộp tiền tỷ. Không nhiều người biết rằng, chỉ cách đây khoảng 20 năm, nơi đây vẫn còn là một làng quê lạc hậu, nghèo nàn. Nhắc tới nghề buôn tóc, cái nghề đã giúp cả làng đổi đời, người dân Đông Bích vẫn nói vui với nhau rằng, đây là nghề “mua của người chán, bán cho người cần”, cứ nơi đâu có tóc là nơi đó có dấu chân của người làng. Hàng chục năm nay, người dân trong làng luôn tất bật, bôn ba xuôi ngược khắp cả nước, trải qua những ngày nhọc nhằn ăn nhờ ở trọ để mưu sinh bằng nghề buôn tóc.

    Tìm hiểu, được biết, nghề buôn tóc của làng bắt đầu từ năm 1996, đến nay được 23 năm. Tuy nhiên, khoảng 15 năm nay, nghề phát triển mạnh hơn. Theo đó, khoảng 20 năm về trước, thôn Đông Bích còn rất nghèo, ngoài nghề nông thì người dân chủ yếu có một nghề phụ là đi thu mua phế liệu.

    Trước năm 1995, nghề buôn tóc cũng bắt đầu xuất hiện manh nha, song chỉ có một vài hộ, chủ yếu đi thu gom tóc tại các vùng lân cận, sau đó đem bán cho các cửa hàng thời trang ở Hà Nội. Đến khoảng 1996, một nhóm người làng đi buôn phế liệu sang Trung Quốc, biết bên đó đang thu mua tóc vụn. Vậy là nhiều người đi chợ thi nhau thu gom ở các hàng gội đầu, cắt tóc mang bán qua biên giới. Từ đó, làng nghề cứ phát triển lên, cả làng đều làm. Dần dần phân chia ra, ông chủ to thì đứng ra thu mua và các chủ bé đi gom về làng bán lại. Ai không làm chủ thì đi khắp nơi trong cả nước mua gom.

    Đến nay hầu hết người làng đều gắn bó với nghề buôn tóc. Nhờ nghề này, cuộc sống của người dân trong làng đã thay đổi. Cả thôn có hơn 400 hộ thì có đến 90% làm nghề buôn tóc, trong đó hàng chục hộ mở đại lý, hơn chục hộ thành tỷ phú, còn lại đều có cuộc sống giàu có, khấm khá. Sau này, các thương lái Trung Quốc kéo nhau nườm nượp về Đông Bích để đặt và thu mua hàng. Không những chỉ đi thu mua và bán lại, nhiều người trong làng còn ra nước ngoài tìm hiểu thị trường. Bởi thế, sản phẩm tóc của làng hiện còn được bán sang cả Mỹ, châu Âu, châu Phi và một số nước châu Á.

    Hiện tại, người Đông Bích xem cái nghề này là nghề truyền thống của làng, của xã rồi, nhiều người đi học hành, bôn ba nhiều nơi sau cũng bỏ về quê để phát triển nghề truyền thống, bởi nguồn thu nhập tốt. Hiện nay, cứ mỗi tháng thôn Đông Bích lại xuất đi khoảng vài chục tấn sang nước ngoài. Nghề buôn tóc được xem là nghề chính, không chỉ đem lại thu nhập đáng kể mà tạo công ăn việc làm để người dân Đông Bích mọi lứa tuổi coi là động lực, chăm chút để kiếm tiền, làm giàu cho gia đình và quê hương.

    Bá Di

    Bài đăng trên báo in Đời sống & Pháp luật số 94

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-tien-ty-chua-toc-dai-toc-roi-nong-dan-xuat-ngoai-nhu-di-cho-a279757.html
    Về làng

    Về làng "tỷ phú" nghe chuyện buôn đồng nát

    (ĐSPL) – Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, bằng nghề buôn đồng nát, người dân ở xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu (Nghệ An) xây được hàng trăm căn biệt thự và mua rất nhiều ô tô

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Về làng

    Về làng "tỷ phú" nghe chuyện buôn đồng nát

    (ĐSPL) – Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, bằng nghề buôn đồng nát, người dân ở xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu (Nghệ An) xây được hàng trăm căn biệt thự và mua rất nhiều ô tô