Mặc dù đã có biên bản tạm dừng việc triển khai thi công song Dự án xây dựng nhà máy nước giải khát không cồn và bánh snack URC Hà Nội vẫn tiến hành xây dựng, cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động. Phải chăng những sai phạm này nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật?
Nhà máy 38 triệu USD xây dựng sai phép
Ông Nguyễn Xuân Lĩnh Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan báo cáo về Dự án xây dựng nhà máy nước giải khát không cồn và bánh snack URC Hà Nội tại Khu công nghiệp Thạch Thất Quốc Oai (Hà Nội).
Theo đó, Công ty TNHH URC Hà Nội đã tiến hành xây dựng nhà xưởng sản xuất mở rộng, nâng công suất bánh snack từ 3.485 tấn/năm lên 20.000 tấn/năm; công suất nước giải khát từ 160.000 tấn/năm lên 295.000 tấn/năm và đã lập ĐTM (đánh giá tác động môi trường) cho dự án “Nâng công suất nhà máy nước giải khát không cồn và bánh snack URC Hà Nội”, được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Công ty TNHH URC Hà Nội đang vận hành đồng thời 2 trạm xử lý nước thải. Trạm xử lý của giai đoạn 1 công suất 375m3/ngày đêm đã được cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ cho giai đoạn vận hành dự án. Tuy nhiên, trạm xử lý của giai đoạn mở rộng công suất 525 m3/ngày đêm chưa được cấp giấy xác nhận.
Công ty TNHH URC Hà Nội chưa được Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cấp giấy phép xây dựng vì đã xây dựng nhà xưởng và các công trình phụ trợ của dự án trên các lô đất dùng cho xây dựng kho tàng và bãi tập kết rác thải chung của khu công nghiệp. |
Công ty TNHH URC Hà Nội chưa được Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cấp giấy phép xây dựng vì đã xây dựng nhà xưởng và các công trình phụ trợ của dự án trên các lô đất dùng cho xây dựng kho tàng và bãi tập kết rác thải chung của khu công nghiệp.
Chính vì thế, Công ty TNHH URC Hà Nội đã lập hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án mở rộng nâng công suất, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác nhận.
Sau khi nhận hồ sơ đề nghị xác nhận của Công ty TNHH URC Hà Nội, Tổng cục Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra và sau đó phát hiện công ty này có một số vi phạm về bảo vệ môi trường cũng như pháp luật khác liên quan về đầu tư, xây dựng: xây dựng trên đất sai quy hoạch, chưa có giấy phép xây dựng (!).
Văn bản do ông Nguyễn Xuân Lĩnh ký duyệt còn cho biết, để có ý kiến thống nhất và xem xét xử lý vụ việc vi phạm của Công ty TNHH URC Hà Nội, Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) đã tổ chức cuộc họp với Công ty TNHH URC Hà Nội và đại diện các đơn vị gồm Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Công ty CP Đầu tư phát triển Hà Tây, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Địa chất.
Kết quả cuộc họp đã yêu cầu các bên liên quan tiếp tục bổ sung hồ sơ pháp lý liên quan đến trách nhiệm xử lý nước thải và thủ tục xây dựng dự án để làm căn cứ xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho dự án của Công ty TNHH URC Hà Nội. Chỉ đến khi nào chủ dự án Công ty TNHH URC Hà Nội hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường của dự án thì Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường mới trình lãnh đạo Tổng cục Môi trường xem xét, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường để dự án đi vào vận hành.
“Đến nay, vướng mắc chính trong việc Công ty TNHH URC Hà Nội chưa được cấp Giấy xác nhận hoàn thành của Tổng cục Môi trường là do công trình xây dựng (dự án) chưa hợp pháp” văn bản do ông Lĩnh ký nêu rõ.
Văn bản của BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội. |
Văn bản của BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội có tính chất "mở đường" cho URC Hà Nội. |
Nguyên nhân của việc Công ty TNHH URC Hà Nội chưa được Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cấp giấy phép xây dựng là do công ty đã xây dựng nhà xưởng và các công trình phụ trợ của dự án trên các lô đất dùng cho xây dựng kho tàng và bãi tập kết rác thải chung của khu công nghiệp.
Tại sao một nhà máy lớn như vậy xây dựng sai phép suốt thời gian dài nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời? Theo lý giải trong văn bản của Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, họ đã thông báo sự việc nhiều lần để công ty này biết, thậm chí qua kiểm tra xây dựng đã có biên bản tạm dừng việc triển khai thi công, yêu cầu công ty chờ quy hoạch chi tiết điều chỉnh khu công nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt để có đủ căn cứ cấp giấy phép xây dựng.
Ngày 15/10, PV tới trụ sở Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội để tìm hiểu rõ hơn sự việc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Lĩnh chỉ đồng ý trao đổi “ngoài lề” để chúng tôi hiểu rõ hơn sự việc, không đồng ý trích dẫn thông tin đăng báo vì thẩm quyền phát ngôn thuộc Chánh văn phòng đơn vị này. Ông Lĩnh tiết lộ, nhà máy có tổng mức đầu tư 38 triệu USD với hơn 400 công nhân làm việc.
Trong khi đó, ông Chánh văn phòng Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đề nghị phóng viên viết ra một tờ giấy những câu hỏi cần phỏng vấn để giao các phòng ban chuyên môn chuẩn bị nhưng không ấn định thời gian trả lời (!).
Văn bản hậu thuẫn để… sai phạm tồn tại?
Tại buổi làm việc vào đầu giờ chiều ngày 20/10 với phóng viên Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Đồng Tâm Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn của BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thừa nhận sự việc Cty URC Hà Nội xây dựng xây dựng nhà máy trên phần diện tích đất theo quy hoạch là khu xử lý rác thải và kho tàng của khu công nghiệp, không được cấp phép xây dựng như báo nêu là đúng.
Theo ông Tâm cung cấp thì những sai phạm, tồn tại này đã bắt đầu từ thời điểm tháng 8/2009. Việc sai phạm này đã nhiều lần BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội nhắc nhở và đề nghị dừng thi công nhưng phía Cty URC Hà Nội không chấp hành, vẫn tiến hành xây dựng và hoàn thiện dự án.
Theo ông Tâm thì sai phạm trên cũng đã được các cấp, các ngành và các cơ quan có thẩm quyền của Hà Nội rà soát, xử lý, giải quyết. Thanh tra thành phố và Tổng cục Môi trường Bộ TNMT đã vào cuộc kiểm tra và có kết luận cụ thể về những sai phạm trên.
Ông Tâm thừa nhận mọi tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư ở Việt Nam thì đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật Việt Nam, không có trường hợp ngoại lệ.
Thừa nhận như vậy, nhưng khi phóng viên hỏi vì sao Cty URC Hà Nộixây dựng đè lên quy hoạch, không được cấp phép xây dựng, BQL cũng thừa nhận việc làm trên của URC Hà Nội là sai phạm, cần phải xử lý nghiêm, nhưng thực tế vi phạm của URC không bị cưỡng chế mà đang tiếp tục tồn tại?
Đại diện BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội “ngập ngừng” thừa nhận sai phạm thì phải được xử lý nghiêm nhưng sau đó cho biết: “Sở Quy hoạch kiếm trúc Hà Nội đã có văn bản trình thành phố cho điều chỉnh cục bộ quy hoạch, trong đó có có khu bãi tập kết rác là đất sản xuất công nghiệp”.
Điều tra của phóng viên cho thấy việc xây dựng không phép nhà máy của Cty URC Hà Nội bắt đầu từ tháng 8/2009 và việc xây dựng trái phép này ngày lập tức được phát hiện. Đáng lẽ việc đầu tư, xây dựng trái pháp luật này phải được xử lý nghiêm minh, kiên quyết, triệt để thì khoảng 4 tháng sau sai phạm này lại được hậu thuẫn bởi một văn bản của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội.
Theo đó, ngày 25/12/2009 Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội có văn bản số 3652/QHKTP5 báo cáo, đề xuất UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại Khu công nghiệp Thạch Thất Quốc Oai. Trong đó có khu bãi tập kết rác (vị trí URC Hà Nội, xây dựng nhà máy không phép, đè quy hoạch) chuyển thành đất sản xuất công nghiệp.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: Dư luận cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch này là để hợp thức hóa cho sai phạm xây dựng nhà máy “chui” của Cty URC Hà Nội, chứ không phải là vì mục tiêu phát triển chung của khu công nghiệp, ông có ý kiến gì không? ông Nguyễn Đồng Tâm Chánh văn phòng, kiêm người phát ngôn của BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho rằng: “Điều chỉnh là vì mục tiêu phát triển chung của khu công nghiệp, còn nghĩ thế nào là quyền của người ta”.
Tại buổi làm việc, đại diện BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thừa nhận đến nay việc điều chỉnh quy hoạch này vẫn chưa thể làm được vì khu công nghiệp Thạch Thất Quốc Oai được thành lập từ hai cụm điểm công nghiệp nên cần phải khớp nối hạ tầng, phải giải quyết việc chồng lấn giữa các dự án khu đô thị CEO, tuyến đường Bắc Nam, khu đô thị Quốc Oai với khu công nghiệp, phối hợp giữa hai chủ đầu tư cụm điểm công nghiệp về công tác bàn giao, quy hoạch…
Chưa có điều chỉnh quy hoạch thì đường nhiên công trình nhà máy vi phạm của Cty URC Hà Nội không được cấp phép xây dựng. “Nếu cấp phép thì có nghĩa là chúng tôi thừa nhận cho sai phạm” ông Tâm nói.
Ông Tâm thừa nhận Cty URC Hà Nội có 02 trạm xử lý nước thải đang vận hành trong đó trạm xử lý nước thải cho dự án mở rộng chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án.
Trả lời câu hỏi: Khi công trình chưa được Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án, về nguyên tắc công trình sai phạm trên không được phép hoạt động. Tại sao BQL không đình chỉ hoạt động của đơn vị vi phạm này? Ông Nguyễn Đồng Tâm nói: “Việc này cũng đã được Tổng cục Môi trường thành lập đoàn kiểm tra.
Sau đó có họp với các bên, họ cũng chỉ nói chung chung, nước đôi là để cho Cty URC hoàn chỉnh hộ sơ pháp lý thì họ sẽ trình Tổng cục trưởng ký xác nhận. Họ không nói là có cấp phép hay không cấp phép bởi vì Cty URC có vi phạm xây dựng khi không được cấp phép. Cái này là việc của Tổng cục môi trường” ông Tâm nói.
Đại diện BQL các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng thừa nhận với phóng viên là nếu Tổng cục môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án cho Cty URC Hà Nội thì cũng có nghĩa rằng họ thừa nhận cho sai phạm của Cty URC Hà Nội, cho nên mọi việc phải chờ quy hoạch được điều chỉnh.
Đáng ngạc nhiên là, mặc dù không được cấp phép, nhưng nhiều năm nay Cty URC Hà Nội vẫn hoạt động mà không chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Các chuyên gia pháp luật khi được hỏi cho rằng nếu chưa được cấp Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án mà vẫn tiến hành hoạt động, vận hành hệ thống sản xuất của nhà máy là trái pháp luật và cần được cơ quan chức năng xử lý nghiêm, dừng sản
xuất cho đến khi có đầy đủ cơ sở pháp lý để vận hành.
Luật sư Xuân Bính, Đoàn luật sư Hà Nội phân tích rằng: Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 29/2011/NĐCP của Chính phủ quy định rất rõ là: Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án là căn cứ để chủ dự án đưa dự án hoặc một số hạng mục công trình của dự án đã được đầu tư trong trường hợp dự án được phân kỳ đầu tư theo nhiều giai đoạn vào vận hành chính thức.
Giấy xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc..
Đại biểu Quốc hội lên tiếng: Liên quan đến dự án Dự án xây dựng nhà máy nước giải khát không cồn và bánh snack URC Hà Nội xây dựng trái phép tại KCN Thạch Thất, PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, Ủy viên Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng các công trình sai phạm thì đều quy trách nhiệm rõ ràng và xử lý. Nếu công trình URC xây dựng trái phép như thế thì chắc chắn Hà Nội sẽ làm. |
Theo Tieudungplus/Gia đình Việt Nam