Ngày 23/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố nhận được thông báo từ Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP.Hà Nội về quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán.
Theo đó, ngày 22/6, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP.Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương và Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam”.
Được biết, Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương có mã cổ phiếu API, Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương có mã cổ phiếu APS, Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam có cổ phiếu ID. Cả 3 mã này đều thuộc “họ” Apec (Apec Group) và đang giao dịch trên sàn Hà Nội.
Thông tin cơ quan công an khởi tố hình sự vụ án thao túng thị trường trái phiếu xảy ra tại 3 công ty nêu trên xuất hiện vào cuối giờ chiều ngày 23/6 nên nên chưa ảnh hưởng đến diễn biến của các cổ phiếu liên quan. Theo đó, giá cuối ngày 23/6 các mã API, APS và IDJ lần lượt là 12.600 đồng, 14.300 đồng và 13.200 đồng. Tuy nhiên, bước vào phiên hôm nay (26/6), việc khởi tố vụ án đã kích hoạt làn sóng bán tháo ở nhóm Apec.
Theo báo Tiền Phong, 3 cổ phiếu “họ” Apec lập tức nằm sàn, trắng bên mua. APS giảm 9,8% xuống 12.900 đồng/cổ phiếu. API giảm 9,5% xuống 11.400 đồng/cổ phiếu. IDJ giảm 9,8% xuống 11.900 đồng/cổ phiếu.
Chỉ sau 1 tiếng mở cửa, tính đến 10h sáng 26/6, lượng cổ phiếu nhóm Apec được đặt bán giá sàn đã lên tới hàng chục triệu đơn vị.
Trong đó, IDJ bị bán mạnh nhất, với hơn 20,2 triệu dư bán sàn. Bên mua trống trơn. Số cổ phiếu khớp lệnh cũng nhỏ giọt, chỉ vào trăm nghìn đơn vị. Còn lại, APS có 11,9 triệu cổ phiếu dư bán sàn, API cũng có gần 6 cổ phiếu nằm sàn.
Theo báo Dân trí, trong thông cáo báo chí liên quan vụ việc, Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương khẳng định "không phải chủ thể có liên quan và/hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc này".
Theo đó, sự việc nêu trên hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng dài hạn cũng như hoạt động bình thường của Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời, không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với công ty.
Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương cho biết thêm, ngay khi nhận được thông tin, Ban lãnh đạo của công ty này đã họp và nhanh chóng đưa ra các biện pháp, kế hoạch nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra ổn định trong tình hình mới, theo đúng mục tiêu, kế hoạch đã đặt ra.
"Hiện nay, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và chưa có kết luận chính thức. Khi có các thông tin cụ thể, công ty sẽ cập nhật đầy đủ, kịp thời đến Quý khách hàng, đối tác và các cổ đông", Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương cho hay.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương và Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam cũng có văn bản phản hồi với nội dung tương tự. Nội dung thông báo của 3 công ty kể trên đều cùng một mẫu văn bản, chỉ thay đổi về tên đơn vị.
3 công ty bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng hành, đặc biệt là sự chia sẻ đến từ quý khách hàng và đối tác với 3 công ty trong thời gian tới.
Vân Anh(T/h)