(ĐSPL) – Bệnh tiêu chảy là bệnh có thể xảy ra quanh năm, chủ yếu gặp ở trẻ em. Tuy nhiên tỉ lệ bệnh sẽ tăng nhiều lên ở các thời điểm chuyển mùa, nhất là mùa hè.
Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc (Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM) cho biết tiêu chảy do vi khuẩn thường cao điểm vào mùa mưa và nóng, tiêu chảy do virus xảy ra quanh năm nhưng tăng vào các tháng khô và lạnh.
Hơn nữa, bệnh có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt.
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy. Nhưng chủ yếu là những nguyên nhân sau:
- Virut. Virut là nguyên nhân cơ bản gây bệnh tiêu chảy. Nguy hiểm nhất là tiêu chảy do phẩy khuẩn tả (còn gọi là bệnh tả). Rotavirus là nguyên nhân phổ biến của tiêu chảy cấp tính ở trẻ em.
- Vi khuẩn và ký sinh trùng. Thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm có thể truyền vi khuẩn và ký sinh trùng cho cơ thể. Ký sinh trùng Giardia lamblia như Crypxosporidium có thể gây ra tiêu chảy. Tiêu chảy gây ra bởi vi khuẩn và ký sinh trùng cũng phổ biến khi đi du lịch ở các nước đang phát triển và thường được gọi là tiêu chảy du lịch.
- Các chứng rối loạn tiêu hóa. Tiêu chảy mạn tính có một số nguyên nhân khác, chẳng hạn như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, bệnh celiac, viêm đại tràng kính hiển vi và hội chứng ruột kích thích.
- Thói quen ăn uống. Những người có thói quen ăn uống không hợp vệ sinh, hay ăn rau sống, thủy hải sản chưa nấu chín kỹ cũng có nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, dân cư tại khu vực bị ngập lụt và sau ngập lụt cũng dễ mắc bệnh.
- Đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh tiêu chảy: Những người ăn uống và sống gần với người bị tiêu chảy dễ mắc bệnh nếu không áp dụng các biện pháp phòng bệnh; dân cư tại những khu vực sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, đổ thẳng phân ra cống, mương, ao, hồ, sông, suối...; sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ để phòng bệnh tiêu chảy. Ảnh minh họa. |
Cách phòng tránh bệnh tiêu chảy
Để phòng tiêu chảy, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, người dân và cộng đồng cần:
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng; bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh; hạn chế ra vào vùng đang có dịch.
- Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm: Thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã; không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh, ...; chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn; hạn chế tập trung ăn uống đông người như ma chay, đám giỗ, cưới xin, liên hoan... trong vùng đang có dịch.
- Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch: nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối... chảy vào; ở những nơi không có nước máy mà đang có dịch tiêu chảy thì tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng cloramin B; cấm đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, ao, hồ, sông, suối...
- Xử trí khi có người bị tiêu chảy cấp: phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời, không được để bệnh nhân ở nhà hoặc mua thuốc tự điều trị vì có thể nguy hiểm đến tính mạng và làm lây lan bệnh dịch sang cho gia đình và cộng đồng.
MẠC NHIÊN (Tổng hợp)
Xem thêm video Mưa nhiều, bệnh nhân bị sốt xuất huyết tăng mạnh