+Aa-
    Zalo

    Cả nước thiếu hơn 118.000 giáo viên, nguyên nhân do đâu?

    (ĐS&PL) - Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, nhất là đối với ngành mầm non.

    Theo Vietnamnet, thông tin được Bộ GD&ĐT đưa ra tại báo cáo đánh giá việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

    Theo Bộ GD&ĐT, tính đến hết năm học 2022 - 2023, theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người, trong đó, công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%.

    nguyen nhan khien nganh giao duc thieu giao vien tram trong3
    So sánh số lượng giáo viên giữa hai năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023. Ảnh: Vietnamnet.

    Tuy nhiên, tại các địa phương, biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục; đồng thời thực hiện yêu cầu của Chính phủ tinh giản biên chế 10% làm tình trạng thiếu giáo viên càng chậm được khắc phục. 

    Bộ GD&ĐT nhìn nhận, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục là một thách thức lớn đối với ngành. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên cả nước (chỉ tính giáo viên trong biên chế) còn thấp hơn so với quy định.

    Những vùng có tỷ lệ thấp nhất cả nước gồm: Vùng miền núi phía Bắc có tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp là 1,6; Vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ giáo viên tiểu học/lớp là 1,29; Vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ giáo viên THCS/lớp là 1,69; Vùng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ giáo viên THPT/lớp là 1,92.

    Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, tăng thêm 11.308 người thiếu so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).

    Được biết, tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục, chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.

    Trong đó, nguyên nhân chính dẫn đến số giáo viên cấp học mầm non còn thiếu tăng hơn so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022 - 2023 tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên). Còn cấp tiểu học, tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước (tương đương tăng 10.811 lớp học 2 buổi/ngày, cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên). 

    nguyen nhan khien nganh giao duc thieu giao vien tram trong2
    Tỷ lệ giáo viên/lớp năm học 2022-2023. Ảnh: Vietnamnet.

    Theo đó, chia sẻ về thực trạng, khó khăn và giải pháp trong quản lý các cơ cở giáo dục mầm non độc lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - Trần Lưu Hoa cho hay, cái khó của Hà Nội là số cơ sở giáo dục mầm non độc lập phát triển nhanh, không theo quy hoạch, nhỏ lẻ, manh mún, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Đội ngũ giáo viên, nhân viên làm việc không ổn định…

    Bà Hoa kiến nghị Bộ GD&ĐT bổ sung quy trình, thủ tục chuyển đổi chủ nhóm trẻ, chuyển đổi địa điểm tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Đồng thời tiếp tục có giải pháp để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên mầm non, bởi hiện nay giáo viên mầm non khó khăn về mọi mặt nên thu hút vào ngành rất khó.

    Từ thực tiễn ở địa phương, bà Huỳnh Thị Thu Vân - Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở GD&ĐT Kon Tum đề nghị, không cắt giảm 10% số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập. Đề xuất với Chính phủ, Bộ Nội vụ bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên hằng năm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo định biên giáo viên trên lớp, không thực hiện cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung vì giáo dục có đặc thù riêng.

    Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, sau dịch COVID-19, giáo dục mầm non chịu nhiều thách thức, tác động nhất trong đó gồm cơ sở vật chất, giáo viên, học sinh, chất lượng. Số giáo viên bỏ việc, chuyển việc nhiều nhất cũng ở bậc học này. Đây cũng là bậc học gặp nhiều khó khăn, thách thức khi thiếu đủ thứ từ giáo viên, trường lớp, thiếu cơ sở vật chất, Tiền Phong đưa tin.

    Phương Linh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguyen-nhan-khien-nganh-giao-duc-thieu-giao-vien-tram-trong-a583869.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan