Loạt quan chức cấp cao xin từ chức
Theo báo điện tử VTV News, chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk cho biết, Bộ trưởng chính phủ phụ trách việc giám sát hoạt động sản xuất vũ khí trong nước trong cuộc chiến với Liên bang Nga - ông Oleksandr Kamyshin - đã nộp đơn từ chức vào hôm 3/9 cùng 2 Bộ trưởng khác là Bộ trưởng Tư pháp Denys Maliuska và Bộ trưởng Môi trường Ruslan Strilets.
Chủ tịch Quốc hội Ukraine cũng thông báo về việc từ chức của Phó Thủ tướng phụ trách hội nhập châu Âu - bà Olha Stefanishyna. Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng ký sắc lệnh sa thải phó chánh văn phòng của mình là Rostyslav Shurma.
Đến ngày 4/9, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trở thành thành viên nội các mới nhất nộp đơn xin từ chức sau khi ông Zelensky thông báo về kế hoạch tiến hành đợt cải cách chính phủ thời chiến của mình nhằm ứng phó với chiến sự kéo dài.
Theo VnExpress, với những quyết định từ chức này, khoảng 1/3 số ghế trong chính phủ Ukraine đang để trống và mọi thứ có thể chưa dừng lại. Tổng thống Zelensky đã tuyên bố sẽ có thêm nhiều thay đổi để tăng cường năng lực cho chính phủ.
"Đó là lý do sẽ có nhiều xáo trộn nhân sự trong nội các và văn phòng tổng thống", ông Zelensky tuyên bố hôm 3/9. Giới quan sát cho rằng đây là một phần trong đợt cải cách quy mô lớn của Tổng thống Zelensky nhằm "mang lại sức mạnh mới" cho các thể chế của Ukraine.
Nội các Ukraine từng thay đổi hàng loạt nhân sự từ khi Nga bắt đầu chiến dịch hồi tháng 2/2022, trong đó có thay bộ trưởng quốc phòng, tư lệnh quân đội. Tuy nhiên, David Arakhamia, lãnh đạo đảng cầm quyền Đầy tớ của Nhân dân tại quốc hội Ukraine, cho biết lần này sẽ là "đợt cải tổ lớn nhất", với hơn nửa nội các sẽ bị điều chuyển hoặc thay thế trong vài ngày tới.
"Như đã cam kết, đợt tái khởi động toàn diện của chính phủ Ukraine có thể diễn ra trong tuần này", ông Arakhamia viết trên Telegram ngày 3/9. Ông thêm rằng 4/9 sẽ là "ngày sa thải và ngày kế tiếp là thời điểm bổ nhiệm".
Ông Zelensky sẽ sớm lấp đầy tất cả chức vụ còn trống
Tổng thống Zelensky được cho là sẽ sớm tìm cách lấp đầy tất cả chức vụ còn trống, nhằm ổn định tình hình trước khi đến Mỹ dự họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tháng này. Ông kỳ vọng gặp được Tổng thống Mỹ Joe Biden để trình bày một "kế hoạch chiến thắng" buộc Nga phải chấm dứt chiến sự tại Ukraine.
Các diễn biến cho thấy bối cảnh chính trị căng thẳng ở Ukraine và nhu cầu cần nhanh chóng thích nghi với những thách thức mới. Tuy nhiên, hiện chưa rõ đợt cải tổ nhân sự này sẽ tác động thế nào đến chính phủ Ukraine, theo giới quan sát.
Trong khi đó, một số quan chức Ukraine lo ngại động thái cải tổ này là nỗ lực của ông Zelensky nhằm củng cố quyền lực trong chính quyền. Ông Zelensky đắc cử tổng thống năm 2019 và theo lý thuyết, đã kết thúc nhiệm kỳ ngày 20/5 và Kiev phải tổ chức bầu cử tổng thống từ trước đó hai tháng.
Tuy nhiên, ông Zelensky đã quyết định không tổ chức bầu cử do Ukraine vẫn duy trì trạng thái thiết quân luật kể từ khi xung đột với Nga bùng phát. Hầu hết người dân chấp nhận điều này và vẫn coi ông Zelensky là nguyên thủ Ukraine, cho đến khi tình trạng thiết quân luật kết thúc và cuộc bầu cử được tổ chức.
Nghị sĩ đối lập Iryna Gerashchenko chỉ trích đợt cải tổ, nhấn mạnh đây là "chính phủ không đủ bộ trưởng, một quốc hội không có thế đa số tuyệt đối, một cuộc khủng hoảng trí tuệ và nhân sự mà giới chức đang nhắm mắt làm ngơ".
Ít nhất 5 bộ trưởng Ukraine bị cách chức trong các đợt cải tổ trước đó chưa được thay thế, trong đó có các vị trí quan trọng như nông nghiệp, hạ tầng. Dù vậy, ông Zelensky tin rằng sau gần 3 năm chiến sự với Nga, những sự thay đổi này là cần thiết cho một "khởi đầu mới".