Có nên ngoáy ráy tai không?
Thông tin từ website Bệnh viện đa khoa Medlatec, ống tai ngoài hàng ngày sẽ tiết ra chất bã là ráy tai nhưng tùy từng người mà ráy tai có thể khô hoặc ướt.
Nhiệm vụ của ráy tai là bảo vệ thành ống tai và ngăn chặn sự tấn công của vi nấm, vi khuẩn, bụi bẩn,... vào tổ chức bên trong ống tai. Ráy tai có khả năng tự di chuyển dần và bong ra ngoài ống tai.
Một số người bị tiết ra lượng ráy tai nhiều hơn mức bình thường hoặc ráy tai quá khô, cứng. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp ngoáy tai để lấy ráy tai là không cần thiết vì cần tôn trọng cơ chế tự làm sạch của tai.
Hậu quả khôn lường khi thường xuyên ngoáy táy tai
Viêm ống tai
Cũng theo thông tin từ website Bệnh viện Đa khoa Medlatec dưới sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, nếu ngoáy tai làm cho lớp da bảo vệ ống tai bị xước, rách thì vi khuẩn rất dễ tấn công vào tổ chức liên kết bên dưới da và dẫn đến viêm ống tai.
Khi ống tai bị viêm sẽ gây nên tình trạng ngứa và người bệnh càng ngoáy tai nhiều hơn chỉ để thỏa mãn cơn ngứa.
Hành động ấy vô tình làm tổn thương tai ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây đau nhức tai và thậm chí có cơn đau lên đầu, giật nhói đau ở đỉnh đầu.
Nhiều bệnh nhân bị viêm ống tai sẽ sốt, đau khi cử động hàm, nửa mặt bên tai bị đau sưng lên và chỉ cần chạm nhẹ vào tai cũng thấy đau.
Thủng màng nhĩ
Dùng dụng cụ nhọn để ngoáy tai hay đưa dụng cụ lấy ráy tai vào quá sâu trong ống tai có thể gây nên tình trạng chấn thương, chảy máu trong tai và khiến màng nhĩ bị thủng.
Nhiễm trùng
Theo Lao động, vệ sinh tai là thói quen sinh hoạt của nhiều người, việc làm sạch chất tiết trong quá trình vệ sinh tai rất thoải mái nhưng nếu tần suất quá cao có thể gây nhiễm trùng.
Da của ống tai tương đối mềm và mỏng manh. Nếu bạn không chú ý đến phương pháp, độ mạnh, góc độ thích hợp khi sử dụng dụng cụ, màng nhầy và da tại chỗ có thể bị tổn thương.
Lúc này hàng rào quan trọng sẽ bị tổn thương và vi khuẩn sẽ lợi dụng nó để gây nhiễm trùng. Một số bệnh nhiễm trùng có thể gây ngứa, đau và thậm chí chảy mủ trong tai.
Ảnh hưởng đến thính giác
Thường xuyên ngoáy tai có thể ảnh hưởng đến thính giác của bạn. Tai là bộ phận quan trọng của hệ thống thính giác, nếu muốn bảo vệ tai, bạn có thể vệ sinh tai đúng cách, thay vì ngoáy tai quá thường xuyên.
Một số người sử dụng dụng cụ không phù hợp có thể khiến ráy tai trong ống tai bị đẩy vào sâu hơn, sâu hơn và dịch tiết tăng lên, lâu dần sẽ dẫn đến tổn thương thính giác.
Gây khối u
Theo các nghiên cứu liên quan, ngoáy tai với tần suất cao có thể gây tổn thương ống tai và việc kích thích lặp đi lặp lại có thể làm tăng nguy cơ mắc một số khối u, bao gồm ung thư biểu mô tuyến và u nhú ống thính giác ngoài.
Xử lý không đúng cách khi mắc các bệnh này có thể đe dọa đến tính mạng và sức khỏe. Vì lý do sức khỏe, không ngoáy tai thường xuyên.
Lây nhiễm mầm bệnh
Một số trường hợp có thói quen ngoáy tai để lấy ráy tai sau khi cắt tóc cần thận trọng bởi nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ dụng cụ lấy ráy tai dùng chung với nhiều người nhưng không được vệ sinh sạch sẽ.
Thường xuyên duy trì thói quen này sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm mầm bệnh gây nấm ống tai, thậm chí có thể bị lây HIV.
Khi nào nên ngoáy ráy tai?
Nếu ráy tai khô, vón thành cục bên trong ống tai mà không chui ra ngoài được hay ráy tai quá nhiều làm cản trở việc quan sát màng nhĩ thì việc lấy ráy tai là cần thiết.
Tuy nhiên, muốn đảm bảo an toàn thì không nên tự ngoáy tai để lấy ráy tai tại nhà mà nên đến kiểm tra bác sĩ tai mũi họng để được quan sát và làm sạch tai đúng cách.
Chỉ bác sĩ chuyên khoa mới hiểu đúng bản chất của sự tồn tại ráy tai và biết trường hợp nào cần lấy ráy tai. Mặt khác, cũng chỉ có bác sĩ mới hiểu rõ về cấu trúc, giải phẫu tai, mới có dụng cụ chuyên dụng được tiệt trùng nên khi lấy ráy tai mới tránh được những tổn thương không đáng có.
Cách xử trí khi gặp vấn đề ngứa ngáy ở tai
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời PGS.TS Trần Công Hòa thông tin, khi bị ngứa tai chỉ nên xoa bóp nhẹ vành tai, day day vào nắp tai, không nên vội ngoáy tai.
Nếu ngứa không giảm có thể dùng một số thuốc nhỏ tai hoặc nước muối sinh lý nhỏ vào ống tai, sau 5 - 10 phút, nghiêng đầu về bên tai bệnh, day nhẹ vào nắp tai cho thuốc còn dư chảy ra, dùng tăm bông khô, sạch thấm nhẹ cho khô tai.
Sau một tuần vẫn thấy ngứa thì nên đến bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng để khám.
Nếu nước vô tình vào tai khi tắm, khi bơi gây cảm giác khó chịu, ù tai thì bạn nghiêng đầu về từng bên, day nhẹ vào nắp tai cho nước chảy ra, dùng tăm bông khô, sạch đặt vào ống tai, nước sẽ được bông khô thấm hết chứ không nên lau chùi nhiều.
Nguyễn Linh(T/h)