Vừa qua, Khoa Cấp cứu – BVĐK tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận người bệnh L.T.H (34 tuổi) trong tình trạng nguy kịch do tăm bông mắc tại khí quản khi tự vệ sinh vị trí mở canuyn khí quản.
Người bệnh có tiền sử mở canuyn khí quản 13 năm. Hai tháng gần đây, đã tự rút canuyn khí quản và có tình trạng khó thở tăng dần do sẹo hẹp. Trước khi vào viện, người bệnh đã dùng tăm bông ngoáy tai để tự vệ sinh vị trí mở khí quản và vô tình bị tụt tăm bông vào khí quản gây khó thở dữ dội.
Người bệnh được đưa vào khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh Phú Thọ trong tình trạng suy hô hấp nặng (kích thích, khó thở dữ dội, thở nhanh trên 40 lần/phút, co kéo cơ hô hấp mạnh, không nói được, SPO2 80%).
Người bệnh đã được cấp cứu gắp dị vật khí quản, kiểm soát đường thở bằng đặt ống nội khí quản cỡ nhỏ (do có sẹo hẹp khí quản). Sau đó được hội chẩn với chuyên khoa Tai mũi họng mở lại khí quản đặt canuyn để người bệnh trở lại sinh hoạt thường ngày.
Dị vật đường thở là gì?
Dị vật đường thở là những vật lạ bị mắc lại trên đường hô hấp từ thanh quản, khí quản đến phế quản.
Những tình huống mắc dị vật đường thở rất dễ xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Đây là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Biến chứng dị vật đường thở hay tăm bông mắc tại khí quản nguy hiểm như thế nào?
Một số biến chứng thường gặp do dị vật đường thở là: tắc thở, tử vong do ngạt thở cấp, viêm phế quản, phế quản phế viêm, xẹp phổi, áp xe phổi, tràn mủ màng phổi do áp xe vỡ vào màng phổi, tràn khí màng phổi, trung thất, giãn phế quản do dị vật bị bỏ quên lâu ngày, sẹo hẹp thanh quản.
Triệu chứng và cách phòng tránh bệnh đậu mùa khỉ
Trong trường hợp người bệnh bị mắc dị vật đường thở được đưa đến bệnh viện sớm thì việc lấy dị vật sẽ dễ dàng hơn, ít gây ra biến chứng. Nhưng nếu đến muộn, khi đã xuất hiện phản ứng viêm, phù nề tổ chức, thì có thể xảy ra nhiều biến chứng khiến việc lấy dị vật ra khó hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh đang trong quá trình điều trị cần được sự tư vấn, hỗ trợ từ nhân viên y tế. Không nên tự thực hiện các kĩ thuật đòi hỏi chuyên môn y tế. Khi bị mắc dị vật đường thở, người bệnh cần được chuyển ngay tới các cơ sở y tế để được phát hiện, xử trí nhanh và đúng, đảm bảo tiên lượng sống cũng như hạn chế tối đa di chứng.
Nguyễn Linh