Báo VnExpress dẫn dữ liệu do nền tảng dữ liệu thương mại điện tử comHeat thuộc YouNet ECI cung cấp, tổng giá trị giao dịch trên Shopee, Lazada, TikTok Shop và Tiki tháng 11 là hơn 31.915 tỷ đồng, trong đó hai phần ba được "chốt" tại Shopee.
Chi tiêu cho mua sắm trực tuyến của người Việt tăng cao tháng qua do nhiều hoạt động kích cầu mua sắm cuối năm diễn ra, lớn nhất là đợt "siêu sale" ngày độc thân 11/11. Kết quả, có khoảng 405.000 nhà bán đã "nổ đơn" trên 4 sàn trong tháng rồi.
Tính theo thị phần, Shopee dẫn đầu với 72,7%, tương đương 22.670 tỷ đồng. Trong tất cả nhóm ngành hàng, Shopee đều đứng đầu về doanh thu, bỏ xa các sàn khác. Theo công bố của Shopee, chỉ riêng hôm 11/11, lượng người dùng tham gia mua sắm tăng gấp 38 lần thông thường.
Theo sau là TikTok Shop và Lazada với thị phần lần lượt là 17,2 % và 9%, nhưng ưu thế trong các nhóm ngành hàng khác nhau. TikTok Shop là nơi giao dịch các ngành hàng dễ mua, dễ dùng như thời trang & phụ kiện; làm đẹp; thực phẩm & đồ uống.
Trong khi, Lazada thế mạnh ở những ngành hàng có giá trị cao. Người Việt thường lên đây sắm đồ công nghệ, gia dụng, thiết bị âm thanh. Với 385 tỷ đồng, công nghệ là nhóm ngành hàng mang lại nhiều doanh thu nhất cho Lazada trong tháng 11.
Vì lý do đó, TikTok Shop đứng thấp nhất về giá trị trung bình sản phẩm. Trung bình, một sản phẩm bán ra trên đây chỉ có giá khoảng 108.000 đồng (Shopee là 116.000 đồng và Lazada là 162 .000 đồng).
Theo tạp chí Kinh doanh, thời điểm hiện tại là dịp các sàn chạy đua tung khuyến mãi để đón đầu dịp tiêu dùng cuối năm, gia tăng doanh số và mở rộng thị phần của mình. Dự báo Shopee vẫn chiếm ưu thế với lượng truy cập ‘khủng’ khoảng 102 triệu lượt/tháng và hoạt động livestream đang được đẩy mạnh ở hầu khắp các gian hàng.
Dự kiến quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam 2023 sẽ đạt 20,5 tỷ USD. Giữ vững mức tăng khoảng 4 tỷ USD, tương đương 25% so với năm 2022.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong năm tới thương mại điện tử sẽ vẫn giữ được sức tăng trưởng mạnh gắn với xu hướng số hóa. Các ngành hàng tiếp tục bán chạy nhất trên các sàn được dự đoán bao gồm sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp; sản phẩm may mặc; đồ gia dụng; sản phẩm tiện ích gia đình,...
Bộ Tài chính đưa ra dự báo lĩnh vực thương mại điện tử sẽ đạt quy mô 39 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới, đứng đầu Đông Nam Á.
Vân Anh (T/h)