+Aa-
    Zalo

    Người thắp sáng cuộc đời của chị Út Tịch trong “Người mẹ cầm súng”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tịch và Út không chỉ là đồng chí, đồng đội của "Thần Luông" mà hơn thế, giữa họ còn có tình cha con.

    (ĐSPL) - Những chiến công của lực lượng công an xung phong Cầu Kè còn ghi dấu những đồng chí, đồng đội, người con do chính ông Chín Luông lựa chọn dìu dắt từ tuổi thiếu niên. Cái tài nhìn người ấy được ông thể hiện khi dìu dắt, huấn luyện thành công hai người con nuôi là nguyên mẫu trong tác phẩm nổi tiếng "Người mẹ cầm súng" của nhà văn Nguyễn Thi. Tịch và Út không chỉ là đồng chí, đồng đội của "Thần Luông" mà hơn thế, giữa họ còn có tình cha con.

    Người đào tạo những anh hùng thầm lặng

    bà Nguyễn Thị Nhạn (con gái ông Chín Luông) cho biết, suốt trong những năm tháng đấu tranh anh dũng của mình, ông Chín Luông được người dân yêu quý, tin tưởng bởi sự kiên trung và biệt tài xuất quỷ nhập thần. Ngoài ra, ông còn được công nhận như một vị lãnh đạo có óc nhìn người hết sức tài tình. Bằng chứng là ông đã dìu dắt, huấn luyện thành công người con, đồng đội, đồng chí mà sau này đều trở thành những anh hùng. Một trong số đó là anh Tịch, chị Út, hai nguyên mẫu của tác phẩm "Người mẹ cầm súng".

    Nguyễn Thị Út (chị Út Tịch), người học trò xuất sắc của Anh hùng Nguyễn Hòa Luông (ảnh do nhân vật cung cấp).

    "Cha tôi quen biết, nhận chăm sóc anh Tịch từ lúc anh mới là một cậu bé người Khơ-me 15 tuổi. Má tôi viết lại rằng, chú bé Tịch có vẻ thật thà, ít nói, đặc biệt rất chậm chạp. Tuy nhiên, được cấp trên giao phó chăm sóc, dạy dỗ, huấn luyện Tịch, cha tôi vẫn hết lòng. ông nhận Tịch vào đội công an xung phong của mình và đích thân huấn luyện từ chiến thuật, cách cầm súng, ném lựu đạn,... đến học văn hóa. Không biết có phải do lâu ngày gần ông hay không, mà càng lớn, Tịch càng mang dáng dấp vẻ anh dũng, quyết đoán, gan lì của người thầy mà anh thường gọi là bố", bà Nhạn chia sẻ.

    Theo hồi ký của vợ Chín Luông là Nguyễn Thị Ca, cùng trong thời điểm huấn luyện, đào tạo Tịch, ông Chín Luông lại được cấp trên tin tưởng giao cho ông đào tạo thêm Thôi, một cậu bé có vẻ lanh lợi, hoạt bát hơn Tịch. Từ ngày có Thôi, Tịch có vẻ càng lầm lì, lộ vẻ mặc cảm. Tuy nhiên, dưới tình thương của ông Chín Luông, cả hai trở thành đôi bạn thân. Ghi nhận thông tin trên, trong hồi ký của mình, bà Ca viết: "ông Luông coi Tịch và Thôi như con, hết lòng dạy dỗ. Tịch và Thôi cũng rất yêu quý ông, gọi ông bằng bố. Sống trong sự đoàn kết, yêu thương của đồng đội, dần dà Tịch quen dần, không còn mặc cảm nữa, trái lại hoạt bát hẳn lên. Trong công việc, Tịch tỏ ra nhanh nhẹn, hăng say và lập được thành tích".

    Để thưởng cho sự kiên trì, trưởng thành của cậu con nuôi đầu tiên, "Thần Luông" quyết định cho Tịch ra trận. "Tôi nhớ má tôi kể rằng, đó là lần đầu tiên má thấy anh Tịch phấn khích đến vậy. Anh bừng bừng khí thế, đó cũng là lần đầu tiên thấy Tịch cười nói rôm rả đến vậy. Và trong những lần được "bố" cho ra trận, Tịch luôn là người lao về phía trước, dũng cảm hơn người. Ông thường nói vui: "Tôi thấy tôi trong cách thằng Tịch lao lên phía trước, nó có tất cả những gì tôi cần. Thôi cũng không kém, mặc dù không có được sự quyết liệt, táo bạo nhưng lại hết sức thông minh, lộ rõ tài phán đoán, nắm bắt tình hình", bà Nhạn kể.

    Tuy nhiên, trong khi cả đơn vị vui chung niềm vui, tự hào của ông Luông khi đào tạo được hai người học trò xuất sắc, ông nhận được tin Thôi đầu hàng địch, làm tay sai cho Quận Hùm. Bà Nhạn kể: "Lúc đầu không ai tin, nhưng khi sự thật phơi bày, ai cũng đau lòng, mất niềm tin dữ lắm. Cả đơn vị công an xung phong tiếc nuối, đau đớn vì "nuôi ong tay áo, bị thằng nhãi con làm phản...". Gia đình Thôi xấu mặt, từ con rồi bỏ đi xứ khác, bà con thì không ngớt lời mắng nhiếc. Cha tôi trở nên lầm lì, ít nói, ít cười. Thấy vậy, không ai dám nhắc đến tên Thôi trước mặt ông nữa.

    Về sau này, chúng tôi mới hiểu sự im lặng của ông. Sau vài năm theo Quận Hùm, Thôi rút súng ám sát tên ác ôn nhưng không thành và bị chúng đánh đập đến chết rồi vứt xác bên vệ đường". Thực ra, Thôi được ông Chín Luông "cài" vào lòng địch hoạt động bí mật, chỉ Chín Luông và một số người biết. Khi Thôi bị giặc giết, mọi người mới biết chuyện, vô cùng thương tiếc Thôi.

    Chủ mối lương duyên của vợ chồng Út Tịch

    Cái chết của Thôi phủ màu tang tóc lên đơn vị công an xung phong. Tịch như mất đi nửa sức mạnh, nửa niềm vui và trở nên trầm lặng, ít nói. Trong khi đó, ông Chín Luông cũng ít khi cười đùa hơn, trở nên điềm tĩnh, lạnh lùng, thường xuyên ngồi lầm lì, hút thuốc tàn đêm. Nỗi đau Thôi hy sinh chỉ phần nào nguôi ngoai theo năm tháng, đặc biệt khi ông biết đến cô bé tên Út, người ông tự tin sẽ dẫn dắt thành công và sẽ trở thành người bạn đồng hành lý tưởng của Tịch.

    Theo bà Nhạn, sau này, chị Út Tịch chiến đấu rất giỏi và hết sức nổi tiếng, trở thành biểu tượng của người phụ nữ miền Nam anh hùng. Tên của chị được in trong sách, chuyện của chị trở thành tác phẩm nổi tiếng, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chị tên là Nguyễn Thị Út, chồng chị tên là Tịch, mà chỉ biết đến người phụ nữ anh hùng ấy qua cái tên "chị Út Tịch". Theo đó, câu chuyện đời tư của người phụ nữ huyền thoại cũng ít người được biết. "Không phải ai cũng biết người con gái đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ miền Nam ấy từng được ba tôi phát hiện, dìu dắt. Hơn thế, ông cũng là người tác hợp cho anh Tịch và chị Út, biến họ trở thành một cặp đôi anh hùng, đặc biệt trong giai đoạn chống Mỹ", bà Nhạn chia sẻ.

    Hồi ký "Hồi ức một thời để nhớ" của bà Nguyễn Thị Ca, vợ Anh hùng, liệt sỹ Nguyễn Hòa Luông viết: "Trong những năm đấu tranh, đơn vị công an xung phong thường xuyên đóng quân tại bến Cây Xanh, xóm nhà của Út. Gia đình Út rất nghèo. Má Út lại rất quý trọng ông Luông. Qua nhiều lần tiếp xúc, ông nhận thấy Út tính tình bộc trực, thông minh, lanh lợi, ông nói với má Út xin cho Út theo công an xung phong. Má Út bằng lòng ngay, cho phép Út trở thành cô giao liên cho công an xung phong. Khi làm việc, Út rất nhanh nhẹn, tháo vát, giao việc gì cũng hoàn thành xuất sắc. Sự thông minh, quyết đoán cùng tố chất táo bạo, lại chịu học hỏi khiến Út càng được ông Luông quý mến".

    Từ ngày gia nhập công an xung phong, Út liên tục lập công. Cô gái nhỏ nhắn nhưng táo bạo, cương quyết, gan dạ được nhiều người biết đến, trong đó có Tịch. Hai người gặp nhau trong những buổi tập bắn súng, ném lựu đạn, cùng nhau lao qua mưa bom, lửa đạn,... cùng nhau nếm trải sự khốc liệt của chiến tranh. Những tháng ngày đau thương nhưng anh dũng dần gắn kết hai tâm hồn. Thế nhưng rào cản chiến tranh, gia cảnh nghèo khó, hai người vẫn chưa ai dám ngỏ lời thề hẹn. Hiểu được lòng các con, ông Chín Luông tìm mọi cách tác hợp cho Tịch và Út.

    Trong hồi ký của mình, bà Ca viết: "Út ngày một lớn, trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng, ông Luông nghĩ nếu để má út gả chồng cho Út sẽ không biết thế nào. Ông Luông thấy Tịch tuy là người Khơ-me nhưng rất sáng sủa, dễ thương, tính tình trung thực nên quyết tác hợp cho hai đứa". Sau khi dò hỏi tâm ý người con trai nuôi, ông Luông đích thân đến gia đình Út hỏi ý kiến. Ông nói: "Tôi thấy thằng Tịch được lắm, chị gả con Út cho nó nghe chị Ba. Cả chị Ba và Út, Tịch đều bằng lòng, vui mừng vì được chính ông Luông mai mối. Thế rồi sau một thời gian ngắn, đám cưới của Tịch và Út được cử hành".

    Sau ngày cưới, Út và Tịch lại hăm hở lao vào công cuộc đấu tranh cứu nước. Khi ông Chín Luông còn sống, cả hai vẫn theo chân ông viết nên những chiến tích phi thường. Đặc biệt, trong giai đoạn chống Mỹ, đúng như lời ông Chín Luông dự đoán, vợ chồng Út vang danh cả nước, họ sống và chiến đấu bên nhau như đã thề hẹn trong ngày cưới. Từ sự tác hợp ấy, lịch sử đấu tranh Việt Nam xuất hiện thêm một nữ anh hùng mới, một người mẹ vĩ đại, tiêu biểu mới cho phụ nữ Việt Nam - "Người mẹ cầm súng".

    Xứng danh nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang giải phóng miền Nam

    Trong hồi ký "Hồi ức một thời để nhớ", bà Nguyễn Thị Ca cho rằng: "Nguyễn Thị Út xứng danh nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang giải phóng miền Nam. Từ lúc theo chồng tôi làm giao liên cho công an xung phong đến khi lập gia đình, chưa bao giờ út xao nhãng chuyện đánh giặc cứu nước. Dù phải chăm lo chuyện gia đình và con cái, nhưng Út vẫn tích cực tham gia hoạt động binh vận, du kích, tham gia đánh nhiều trận, tuyên truyền vận động nhiều binh lính bỏ ngũ. Út xứng đáng với lời nhận xét là một trinh sát dũng cảm, mưu trí, một chiến đấu viên ngoan cường, một chiến sỹ binh vận tài tình".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-thap-sang-cuoc-doi-cua-chi-ut-tich-trong-nguoi-me-cam-sung-a77613.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan