Tròn 46 năm trước, mười cô gái thanh niên xung phong (TNXP) tuổi còn rất trẻ đã hy sinh khi san lấp hố bom tại Ngã ba Đồng Lộc. Để tri ân và tưởng nhớ những cô gái anh hùng, tối 24/7, Báo Nhân Dân phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện Chương trình "Đồng Lộc - Ngã ba bất tử" ngay tại nơi họ ngã xuống và nằm lại. Phóng viên đã ghi lại những ký ức về chảo lửa một thời.
Anh hùng Uông Xuân Lý và ông Nguyễn Thanh Bính (Yến Thanh), tác giả bài thơ "Cúc ơi". Ảnh: H.N |
"Lễ truy điệu sống"
Ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm có tầm quan trọng chiến lược, cho nên trong chiến tranh phá hoại, kẻ địch âm mưu ném bom hủy diệt nhằm chặt đứt sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, súng đạn, lương thực... của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm, từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân Mỹ đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. Hơn 16.000 lượt quân và dân đã tham gia bám trụ chiến đấu, phá bom, san đường để giữ cho con đường huyết mạch lưu thông. Hàng trăm người đã ngã xuống, hòa xương máu vào mảnh đất linh thiêng...
"Tôi rất căng thẳng, lái xe đến gần quả bom, làm động tác tiến lùi mãi nhưng quả bom không nổ. Đoán là bom nổ chậm, trong giây lát, tôi quyết định ủi bom ra khỏi lòng đường", ông Lý kể. Ông lùi xe xúc đầy đất, không để lưỡi gạt chạm vào bom gây phát nổ. Khi ủi được hai quả bom ra khỏi mặt đường để đồng đội kịp san lấp hố bom, ông Lý đã ngất xỉu vì nóng và kiệt sức...
Nhiều con người quả cảm trong số ấy đã được phong tặng, truy tặng các danh hiệu cao quý. Đặc biệt, ngoài mười cô gái TNXP được truy tặng danh hiệu Anh hùng, còn có năm người khác đã được phong tặng Anh hùng nhờ những chiến công anh dũng ở Đồng Lộc. Ba người trong số họ vẫn còn sống.
"Ngã ba Đồng Lộc từng là một thung lũng trù phú với những đồi thông vi vu gió thổi, vườn tược tốt tươi, thế mà trong những ngày giao tranh ác liệt, cả vùng đó không còn một cây cỏ nào, có những bãi đất mỗi ngày bị bom cày xới năm, sáu bận, trắng xóa một màu bụi đất...", ông Uông Xuân Lý (74 tuổi), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) đã mở đầu những hồi tưởng của mình về Đồng Lộc.
Ông Uông Xuân Lý, nguyên là tổ trưởng tổ máy gạt, thuộc Đội thi công cơ giới của Ty Giao thông Hà Tĩnh. Năm 1968, thời điểm đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt nhất, tổ máy gạt do ông làm tổ trưởng được giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông tại khu vực trọng yếu Ngã ba Đồng Lộc. Cùng lực lượng TNXP, tổ máy của ông đã bí mật san lấp hàng trăm hố bom trong đêm để thông đường đưa xe ra tiền tuyến.
Ông Lý còn nhớ rất rõ lần đồng đội làm lễ truy điệu sống cho mình, ngày 13/6/1968. Đó là một trong những ngày đế quốc Mỹ đánh phá Đồng Lộc ác liệt nhất. Thường thì địch thả bom đến 4 giờ chiều rồi ngừng, nhưng cái ngày 13/6 ấy, đến 6 giờ tối bom vẫn không ngớt. Tối hôm đó, còn hai quả bom nằm lại trên đường, các lực lượng không xử lý kịp. Cấp trên chỉ thị tổ máy của ông phải mở đường máu thông xe. Lúc đó, tổ có ba người, anh Thông là con một, anh Quế con còn nhỏ, chỉ mình ông chưa có gia đình, lại là tổ trưởng, đảng viên. Ông xung phong nhận lệnh lái một trong hai chiếc máy gạt đến gần quả bom. Theo suy đoán của ông, nếu là bom từ trường, sẽ nổ ngay, xe sẽ hỏng và ông hy sinh hoặc bị thương, nhưng đồng đội của ông vẫn có thể tiếp tục lái chiếc xe còn lại để san ủi mặt đường. Các lực lượng hôm đó xếp thành hai hàng dọc, chuẩn bị sẵn đồ liệm và lặng lẽ tiễn ông vào "tọa độ chết".
Với những thành tích, cống hiến của ông trong những năm tháng chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc, năm 2010, ông Uông Xuân Lý được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Về hưu và sống ở TP Hà Tĩnh, ký ức Đồng Lộc trong ông không chỉ là những chiến công, mà ở đó còn cả những đau đớn khi nhiều lần phải dùng máy gạt để tìm kiếm thi thể đồng đội.
Trung tuần tháng 6/1968, chính ông đã chứng kiến cảnh 52 chiến sĩ của Trung đoàn 210 hy sinh khi toàn bộ trận địa ở cầu Tùng Cốc ở Đồng Lộc bị bom Mỹ hủy diệt. Xương máu chiến sĩ đã hòa lẫn vào đất Đồng Lộc, gần như không còn thi thể nào nguyên vẹn. Giờ ông chỉ mong có một tấm bia tưởng niệm ghi tên 52 chiến sĩ quả cảm để những người cùng chiến trường một thời như ông có nơi thắp hương tưởng nhớ mỗi lần qua cầu Tùng Cốc.
Tượng đài Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: T.H |
Cô gái đếm bom và dũng sĩ phá bom
Ngoài Anh hùng Uông Xuân Lý, còn hai người anh hùng khác cũng được mời đến dự và trao quà tại Chương trình nghệ thuật "Đồng Lộc - Ngã ba bất tử", đó là La Thị Tám và Nguyễn Tri Ân.
Nguyên mẫu của bài hát "Người con gái sông La" của nhạc sĩ Doãn Nho - bà La Thị Tám nay đã ở tuổi 65, vừa là một huyền thoại sống cho tinh thần kiên cường, gan dạ của người phụ nữ, cũng là một nhân chứng sống về một thời khốc liệt ở Đồng Lộc. Năm 1967, khi mới 18 tuổi, chị La Thị Tám vào bộ đội (thuộc đơn vị chủ lực Đại đội 2 - Giao thông vận tải) đóng quân tại Đồng Lộc.
Người con gái bé nhỏ ấy được giao đảm nhiệm việc đếm bom, một công việc nguy hiểm, ngày đêm đối diện với cái chết. Hằng ngày, chị đứng trên một quả đồi cao, phía trái của Ngã ba Đồng Lộc vào những lúc máy bay Mỹ ném bom để đếm số lượng bom kẻ thù trút xuống. Chị phải quan sát thật kỹ xem có bao nhiêu quả đã rơi, bao nhiêu quả đã nổ, những quả chưa nổ thì rơi ở khu vực nào, để khi máy bay đi khỏi, chạy đến cắm tiêu, chờ bộ đội công binh đến rà phá. Nhiều lần chị bị bom vùi khi máy bay quay lại trong lúc xuống cắm tiêu. Hàng nghìn quả bom đã được người con gái dũng cảm đếm và cắm tiêu theo cách đó. Chị vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND tháng 12/1969, khi mới 20 tuổi. Giờ đây, quả đồi cạnh Ngã ba Đồng Lộc, nơi chị đứng đếm bom một thời được đặt tên là đồi La Thị Tám, để ghi nhớ hành động dũng cảm của một cô gái, may mắn còn sống sau những ngày chiến tranh khốc liệt.
Không được nhiều người biết đến như "cô gái đếm bom" La Thị Tám, Anh hùng Lao động Nguyễn Tri Ân (69 tuổi), có một cuộc sống khá lặng lẽ sau những chiến công vác gạo, phá bom một thời. Ông là công nhân phá bom thuộc Tổng đội TNXP, Ty Giao thông Hà Tĩnh, đã có 300 ngày làm việc ở đoạn đường Khe Út, Khe Giao, chốt chặn hai đầu của Ngã ba Đồng Lộc. Ông đã trải qua hàng trăm trận bom của kẻ thù, 15 lần bị bom vùi, nhưng vẫn tiến lên cắm tiêu rà phá bom.
Ông Ân còn nhớ, nhiều lần ông ôm bộc phá lặn xuống hố bom cài để phá bom nổ chậm. Chính ông tự chế tạo ra dụng cụ phá bom để không đầu hàng trước bất cứ loại bom gì, rơi ở đâu. Cả Ngã ba Đồng Lộc lúc đó tan hoang, trống trải, không còn một bóng cây, ngọn cỏ để trú thân. Để không bị kẻ thù phát hiện khi rà phá bom, ông chế tạo một cái "hầm di động" mang theo. Nói to tát thế, nhưng đơn giản nó chỉ là tấm ván kèm theo mấy cái chân ghế để ông có thể chui xuống ẩn nấp trong quá trình phá bom. Nhờ sáng tạo, mưu trí, ông Tri Ân đã tham gia rà phá thành công 545 quả bom, trong đó một mình ông phá được 202 quả. Ông được tuyên dương Anh hùng Lao động năm 1972.
Giờ ông đang sống ở TP Vinh (Nghệ An) với người vợ hai, sau khi vợ cả bị tai nạn mất năm 1992. Ký ức của người rà phá bom mìn về Ngã ba Đồng Lộc thời bom lửa dường như gắn với cầu ngầm Khe Út mà ông và các đồng đội được giao để bảo đảm huyết mạch. Không biết bao nhiêu lần ông đã ôm bộc phá lặn xuống ngầm phá bom. Ông đã phải chứng kiến trận bom cướp đi sinh mạng của 11 đồng đội và 9 người dân cùng gần 40 người khác bị thương vào ngày 24/6/1968.
Cầu ngầm Khe Út tan hoang một thời giờ đây vẫn còn khoảng 6ha đất bỏ trống, người ta chỉ trồng cây trên những khe đất ngoằn ngoèo mà hai hố bom dồn lại, bởi không biết dưới những hố bom ấy có còn chứa những hiểm nguy...
Tri ân và tưởng nhớ
Ngã ba Đồng Lộc giờ đây đã tràn ngập màu xanh. Cuộc sống đã hồi sinh nơi "tọa độ chết". Vì thế, chúng ta càng không thể quên những người đã mãi mãi nằm lại mảnh đất thiêng liêng này, cống hiến tuổi thanh xuân cho hạnh phúc của dân tộc và tương lai của đất nước.
Đã thành lệ hằng năm, Chương trình nghệ thuật "Đồng Lộc - Ngã ba bất tử" kỷ niệm 46 năm Chiến thắng lịch sử Ngã ba Đồng Lộc và mười tấm gương hy sinh của mười cô gái TNXP (24/7/1968 – 24/7/2014) sẽ diễn ra tại chính nơi các cô đã nằm lại.