(ĐSPL) - Gọi điện thoại cho người quen nhưng bà H lại ấn nhầm vào số máy của Thành. Lợi dụng cơ hội này Thành đã lừa xin việc cho con trai bà H. với số tiền 500 triệu đồng.
Theo báo Tri thức trực tuyến, ngày 14/12, TAND tỉnh Quảng Bình mở phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Đức Thành (44 tuổi, ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội) tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Đức Thành tại phiên tòa sáng 14/12. Ảnh: báo Tri thức trực tuyến |
Báo Công an nhân dân thông tin, khoảng 15h ngày 3/7/2015, bà Phạm Thị H. (trú tại phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) gọi điện thoại cho bạn là anh Nguyễn Văn Hiền (trú tại Hà Tĩnh) nhưng đã bấm nhầm vào số máy của Nguyễn Đức Thành.
Khi bà H. hỏi có phải Hiền đó không, Thành tự nhận mình là Hiền để nói chuyện với bà H. Khi nghe bà H. ngỏ lời cần xin việc cho con trai và mua 1 xe ô tô 4 chỗ ngồi đã qua sử dụng, Thành hứa sẽ giúp bà H.
Sau đó, Thành lừa đảo bằng cách điện thoại báo cho bà H. biết đã xin được việc cho con bà H. vào làm ở một ngân hàng, đồng thời Thành đề nghị bà H. chuyển tiền. Tin lời Thành, bà H. đã chuyển vào tài khoản cho Thành 2 lần với số tiền 500 triệu đồng. Sau khi bà H. chuyển tiền, Thành đã rút tiền và tìm cách cắt liên lạc với bà H. Sau khi sự việc được phát hiện, Thành đã bỏ trốn tại địa phương.
Được biết, đối tượng Thành từng có 3 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản” và nghiện ma túy đã 10 năm. Tại phiên tòa Thành cho biết, sau khi lừa được tiền của bà H., chỉ trong vòng 10 ngày, Thành đã dùng số tiền trên đánh bạc và mua ma túy sử dụng hết.
Cũng theo báo Tri thức trực tuyến, trước giờ nghị án, Thành xin được giảm nhẹ hình phạt để làm lại cuộc đời, sớm trở về nuôi mẹ già, 2 con nhỏ.
Cuối phiên tòa, HĐXX tuyên Nguyễn Đức Thành 12 năm tù. Thành còn phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt cho nạn nhân.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)