+Aa-
    Zalo

    Người phụ nữ hiếm muộn 10 năm vì lý do không ngờ tới

    (ĐS&PL) - Mong muốn có đứa con thứ 2 để vui cửa vui nhà, ấy thế bà mẹ 39 tuổi mãi 10 năm sau mới nhận được kết quả mong muốn.

    10 năm mòn mỏi "tìm con"

    Chị Đặng Lan (39 tuổi, quê Hưng Yên) ôm cô con gái vừa tròn 6 tháng tuổi trên tay, chị vẫn chưa thể tin, hành trình cả thập kỷ tìm con vừa qua như một giấc mơ.

    Nhìn cô con gái nhỏ ngủ trong vòng tay mình, chị tâm sự, năm 2009 chị kết hôn và con đầu lòng cũng được chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Năm năm sau, chị mang thai thêm hai lần nhưng liên tiếp thai lưu. Vợ chồng đến bệnh viện khám, uống thuốc, thụ tinh nhân tạo (IUI) một lần, thụ tinh ống nghiệm (IVF) chuyển phôi 3 lần vẫn thất bại.

    Nhiều người khuyên anh chị bỏ cuộc vì đã có con trai, nhưng niềm khao khát có thêm con vô cùng mãnh liệt, nên anh chị quyết tâm điều trị đến cùng.

    Sau nhiều lần thất bại, vợ chồng chị dẫn nhau đi khám, thì mới phát hiện chị bị vô sinh thứ phát do khuyết sẹo mổ lấy thai, có dịch buồng tử cung.

    TTND.PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, đây là tình trạng sẹo mổ lấy thai cũ không hồi phục hoàn toàn, để lại vết lõm trong buồng tử cung.

    Khuyết sẹo của chị Lan làm cơ tử cung xung quanh co bóp kém, gây ứ máu và dịch, cản trở tinh trùng di chuyển qua cổ tử cung, giảm chất lượng tinh binh.

    Khuyết sẹo mổ lấy thai là một trong nhiều nguyên nhân gây ra vô sinh thứ phát. Ảnh minh hoạ

    Khuyết sẹo mổ lấy thai là một trong nhiều nguyên nhân gây ra vô sinh thứ phát. Ảnh minh hoạ

    Khuyết sẹo mổ lấy thai cũng ảnh hưởng tới hiệu quả của thụ tinh ống nghiệm do dịch đọng trong lòng tử cung tạo độc tố ảnh hưởng đến phôi. Đồng thời chất nhầy cổ tử cung bị ảnh hưởng, giải phóng các yếu tố gây viêm khu trú tại vùng khuyết sẹo, khiến phôi làm tổ thất bại.

    Ngoài ra, chị Lan còn gặp tình trạng viêm nhiễm do máu kinh và dịch tích tụ tại vùng khuyết có thể dẫn đến tắc vòi trứng, mang thai ngoài tử cung hoặc ngay tại vết mổ, sẩy thai, sinh non, tăng các nguy cơ tai biến sản khoa như rách hoặc vỡ tử cung, rau tiền đạo, rau cài răng lược.

    Trường hợp dịch nhầy chảy vào buồng tử cung như chị Lan, nếu không điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng tới lớp niêm mạc tử cung.

    Bác sĩ quyết định xử lý vết sẹo mổ trước khi chuyển phôi. Chị Lan được phẫu thuật soi buồng tử cung, cắt lọc vùng khuyết sẹo, khâu phục hồi cơ tử cung.

    Theo PGS Lê Hoàng, phẫu thuật này giúp làm đầy vùng khuyết, khép hai mép vết mổ, tạo kết dính ở vị trí hở, cải thiện đường chuyển phôi và môi trường tử cung, từ đó tăng khả năng thụ thai, giảm các nguy cơ tai biến sản khoa ở những lần mang thai sau này.

    Sau mổ, bác sĩ kiểm tra đánh giá tử cung chị Lan đủ điều kiện chuyển phôi. Tháng 2/2023, chị được chuyển một phôi đã qua sàng lọc di truyền bình thường vào buồng tử cung, may mắn đậu thai.

    Suốt thai kỳ chị luôn trong tình trạng lo lắng. Tháng 11/2023, con gái chào đời khỏe mạnh, chị mới thở phào. “Từng nghĩ không còn cơ hội có con, vợ chồng tôi nay có nếp có tẻ”, chị nói.

    Ở tuổi trung niên, người mẹ U40 mới có cơ hội làm mẹ lần 2

    Ở tuổi trung niên, người mẹ U40 mới có cơ hội làm mẹ lần 2

    Khuyết sẹo mổ nguy hiểm thế nào?

    PGS Lê Hoàng, khuyết sẹo mổ cũ là bệnh lý hay gặp sau mổ đẻ. Ước tính khoảng 24-70% phụ nữ từng sinh mổ ít nhất một lần có khuyết sẹo vết mổ. Bệnh thường không bộc lộ triệu chứng. Một số người có thể đau vết mổ, đau vùng chậu, đau bụng kinh, rong kinh, ra máu bất thường…

    Nguyên nhân gây khuyết sẹo mổ lấy thai có thể liên quan đến tiền sử mổ lấy thai nhiều lần làm cản trở quá trình tưới máu tới các mô tử cung, gây chậm liền sẹo; người mẹ chuyển dạ trước mổ lấy thai, thời gian chuyển dạ trên 5 giờ; tư thế tử cung bị gập sau, mổ khi tử cung mở trên 5cm. Vị trí vết mổ thấp, kỹ thuật mổ và khâu đóng cơ tử cung chưa phù hợp khiến hai mép vết mổ khâu không đều, các cạnh tử cung không liên kết chính xác, từ đó hình thành độ bám dính thấp và tạo sẹo khuyết.

    Thai phụ béo phì, tiểu đường khi mang thai, người có tiền sử phẫu thuật tử cung do u xơ hoặc vách ngăn tử cung thể gặp nguy cơ vết thương không lành hoàn toàn ở vết mổ tử cung sau lần sinh mổ trước đó.

    TTND.PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản

    TTND.PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản

    Phẫu thuật soi buồng tử cung sửa khuyết sẹo mổ cũ được xem là phương pháp điều trị bệnh tối ưu, hiệu quả cao. Tử cung được khôi phục lại giải phẫu bình thường, ngăn chặn máu và dịch nhầy đến khoang nội mạc tử cung, từ đó tăng khả năng có thai đến 80-90% trong vòng 2 năm sau mổ.

    PGS Lê Hoàng cho hay phụ nữ sinh mổ có thể giảm khả năng mang thai tiếp theo trung bình 10% so với người sinh thường, ngay cả khi điều trị hỗ trợ sinh sản. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tỷ lệ mổ lấy thai trên toàn cầu nên giới hạn dưới mức 15% để tránh tai biến nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi.

    *Tên nhân vật đã được thay đổi!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-phu-nu-hiem-muon-10-nam-vi-ly-do-khong-ngo-toi-a409995.html
    Sự kiện: Hiếm muộn
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan