Theo Sức khỏe và Đời sống, chị T.T.D. (37 tuổi, ngụ TP.HCM) lập gia đình hơn 10 năm, từng điều trị hiếm muộn nhưng không có kết quả. Từ tháng 4/2023, chị cảm nhận phù mặt, phù tay - chân tăng dần, phù toàn thân và cảm thấy quá sức, mệt mỏi khi làm những công việc thường ngày.
Sau đó, chị D. nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng khó thở, phải ngồi để thở suốt đêm.
Các bác sĩ phát hiện người phụ nữ mang thai khoảng 25 tuần và bị tăng huyết áp ác tính, phù phổi cấp, tổn thương đa cơ quan. Bệnh viện tổ chức hội chẩn khẩn cấp để đưa ra hướng xử trí tối ưu.
Với hoàn cảnh đặc biệt, bệnh nhân có con sau nhiều năm chờ đợi nên các bác sĩ đã nỗ lực ổn định sức khỏe cho bệnh nhân, duy trì sự phát triển thai nhi từ tuần thứ 25 đến tuần thứ 32 của thai kỳ.
Báo Giáo Dục và Thời Đại dẫn lời ThS.BS Giang Minh Nhật - Trưởng đơn vị Hồi sức tim mạch - Khoa Nội tim mạch – Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết đây là một thách thức rất lớn đòi hỏi sự phối hợp của nhiều khoa với các kỹ thuật chuyên sâu. Đó là các chuyên khoa tim mạch, thận học và sản khoa cùng kết hợp nhằm kiểm soát toàn diện các nguy cơ và biến cố bất lợi trong thai kỳ.
Sau 1 tuần điều trị tích cực, huyết áp chị D. ổn định hơn, các tổn thương gan và cơ tim hồi phục ngoạn mục, sức khoẻ thai ổn định, tăng trưởng tốt trong tử cung.
Đến tuần thứ 32, huyết áp bệnh nhân trở nên khó kiểm soát, kháng trị với tất cả các thuốc hạ áp, tổn thương thận cũng diễn tiến xấu nhanh trở lại.
Lúc này, thai kỳ đã trưởng thành ở một mức độ nhất định, và khả năng sống của em bé sau sinh cao nên các bác sĩ quyết định mổ lấy thai.
Tối ngày 23/6, chị D. đã sinh một bé gái khoẻ mạnh và bé được chuyển đến Khoa Bệnh lý sơ sinh chăm sóc. Dự kiến, bé sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Riêng sản phụ đang được điều trị tích cực sau sinh tại khoa Nội tim mạch, theo VOV.
Thu Hương (T/h)