+Aa-
    Zalo

    Người nước ngoài được mua nhà ở tại VN: Cú hích cho bất động sản?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Quốc hội vừa thông qua luật cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là "nút mở quan trọng cho nhiều đoạn thắt",...

    (ĐSPL) - Quốc hội vừa thông qua luật cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là "nút mở quan trọng cho nhiều đoạn thắt", nhất là trước tình trạng hàng loạt dự án nhà ở, đặc biệt là phân khúc thị trường cao cấp tại TP.HCM đang im lìm, phơi nắng, phơi mưa...

    (bgiay)Cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam: Nút m

    Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

    Tín hiệu lạc quan

    Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Nhà ở sửa đổi vào chiều 25/11, PV đã có cuộc phỏng vấn nhanh một số người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM về vấn đề này. Những người được hỏi đều tỏ ra hồ hởi, phấn khởi và hoan nghênh việc mở cửa này. Ông An Drey, một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch của Nga, người đã sinh sống và làm việc gần 20 năm nay tại Việt nam chia sẻ: "Tôi được biết những ngày qua Quốc hội Việt Nam họp và vừa quyết định thông qua Luật Nhà ở mới, trong đó có chuyện cho người nước ngoài mua nhà".

    Ông An Drey cho biết thêm: "Bởi nội dung đó gắn liền với chúng tôi nên nhiều người trong số chúng tôi gặp nhau là bàn chuyện này. Đây quả là một thông tin đáng mừng. Tôi và vợ cùng các con chưa thuộc diện mua nhà trong các điều kiện mà Việt Nam đưa ra trước đây. Tuy nhiên, khi luật mới được ban hành và có hiệu lực (tháng 7/2015 - PV), có nghĩa là chỉ còn mấy tháng nữa chúng tôi sẽ đủ điều kiện để mua một căn nhà tại TP.HCM. Tôi nghĩ đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tạo cơ hội cho những người như chúng tôi có thể mua được nhà ở tại Việt Nam".

    "Bên cạnh đó, các bạn cũng bán được bất động sản, đặc biệt trong lúc thị trường này còn khó khăn như hiện nay. Khi bất động sản được khơi thông thì sẽ kéo theo nhiều hiệu ứng khác nữa, nhất là gỡ khó cho nền kinh tế. Hiện tại, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam là một điểm đến lý tưởng để làm ăn. Nếu các bạn đã mở cửa chào đón họ thì việc cho sở hữu nhà ở cũng là cách thể hiện tốt nhất cho sự mở cửa này", ông An Drey lý giải.

    Tương tự, bà Juli Hoa Trần, Việt kiều Mỹ cũng chia sẻ: "Tôi lấy chồng người Mỹ, bây giờ tính ra chúng tôi là người nước ngoài vì không còn quốc tịch Việt Nam. Thế nên khi biết được Nhà nước cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở thì chúng tôi rất vui mừng. Gia đình tôi đang có dự định về Việt Nam sinh sống và định cư luôn vì công việc của chồng tôi thường xuyên phải sang Việt Nam. Nếu thuận lợi, thời gian tới chúng tôi cũng sẽ tính toán xem có nên đầu tư vào lĩnh vực bất động sản hay không?".

    Bà Juli Hoa Trần cũng kiến nghị rằng, khi Luật có hiệu lực, mong các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể, đồng thời bớt các thủ tục rườm rà để mọi người nước ngoài có thể tiếp cận và mua được nhà ở dễ dàng hơn. Không chỉ có người nước ngoài phấn khởi mà các sàn giao dịch, công ty bất động sản cũng đang chờ đợi những cơ hội mới. Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, chuyên gia môi giới bất động sản tại TP.HCM cho rằng, thực chất, việc cho phép người nước ngoài mua nhà ở được chúng ta thí điểm cho một số đối tượng từ khá lâu nhưng đến nay mới "mở" thật sự.

    Trước thông tin này, cũng đã có nhiều người liên lạc với các sàn giao dịch, các công ty bất động sản để tìm hiểu về thị trường bất động sản hiện nay. Đa phần khách nước ngoài thường tập trung vào phân khúc căn hộ cao cấp. Mục đích của họ là mua để ở bởi nhà mà họ đang ở hiện nay hoặc là đang tự thuê, hoặc là do các công ty của họ thuê giùm. Trong khi đó, công việc chính của nhiều người nước ngoài là ở tại TP.HCM nên họ rất cần có một nơi để an cư.

    Ngoài ra, cũng có một số nhà đầu tư nước ngoài tìm đến các sàn giao dịch để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, đây có thể chỉ là những thăm dò về thị trường bất động sản hiện nay của họ, đặc biệt là phân khúc bất động sản cao cấp. Còn chuyện giao dịch có ấm lên hay không thì phải chờ một thời gian để cho mọi người cùng biết và khi Luật có hiệu lực. Trong thời điểm này, chắc chắn sẽ có những chuyển động mới, đặc biệt là các nhà đầu tư bất động sản sẽ tung ra nhiều gói phù hợp cho người nước ngoài được phép mua nhà theo quy định của luật pháp Việt Nam.

    (bgiay)Cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam: Nút m

    Cho người nước ngoài mua nhà ở vừa đáp ứng nhu cầu vừa mở thêm cánh cửa cho bất động sản.

    Thị trường bất động sản sẽ ổn định và phất lên?

    Ông Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng phòng Tư vấn nghiên cứu Tổ chức nghiên cứu Savills tại TP.HCM cho biết, chỉ số giá nhà ở trong quý 3/2014 của TP.HCM ở mức 89,5 ổn định theo quý và tăng 0,7 điểm so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ đạt 19\%, tăng mạnh 2\% theo quý và 7\% theo năm. Trong quý 3/2014, khoảng 3.280 căn hộ được tiêu thụ, tăng 29\% theo quý và 85\% theo năm. Đây là lượng giao dịch cao nhất kể từ quý 4/2010.

    Trong những quý gần đây, chỉ số giá nhà ổn định và chỉ tăng nhẹ so với quý 3/2013. Việc các ngân hàng và chủ đầu tư tăng cường hỗ trợ tài chính đã làm tăng lòng tin của người mua. Hơn nữa, các sản phẩm trên thị trường cũng được đa dạng hóa để thỏa mãn nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường cũng như cải thiện mặt bằng giá. Chỉ số giá theo quý được kỳ vọng sẽ vẫn ổn định trong các quý tới.

    Về nguồn cung cũng dồi dào không kém. Dù vẫn còn khó khăn nhưng có lẽ các nhà đầu tư cũng phần nào nhận định được xu hướng khi Nhà nước cho phép người nước ngoài mua nhà ở nên vào những tháng cuối năm 2014 này, có tới hàng chục nghìn căn hộ được tung ra thị trường. Đáng chú ý là dự án Vinhomes Central Park tại Tân Cảng (Q.Bình Thạnh), do Vingroup đầu tư với quy mô lên tới 10.000 căn; Novaland mở bán hàng nghìn căn từ chín dự án quy mô lớn. Hay như Phú Mỹ Hưng, cung cấp sản phẩm dự án Scenic Valley khoảng 400 căn...

    Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty Phát triển dự án bất động sản Tuấn Nghĩa (TP.HCM) chia sẻ, việc thông qua Luật Nhà ở sửa đổi và những tín hiệu lạc quan từ đầu năm đến nay, hy vọng đây sẽ là cú hích cho bất động sản, đặc biệt là phân khúc thị trường cao cấp hiện đang còn tồn kho rất nhiều. Tôi cho rằng, bên cạnh việc cải thiện một cách mạnh mẽ để người dân tiếp cận được các gói hỗ trợ có thể mua được nhà ở và mở rộng đối tượng người được sở hữu nhà ở, chắc chắn thị trường bất động sản sẽ khởi sắc vào năm 2015.

    Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho rằng, việc thông qua Luật Nhà ở sửa đổi, đặc biệt là mở cửa cho người nước ngoài được mua nhà sẽ là động lực cho sự phát triển. Bởi, họ có những phân khúc riêng, không chồng lấn với những người nghèo, thu nhập thấp. Bên cạnh đó, việc cho phép người nước ngoài mua nhà thì chúng ta cũng có thể xuất khẩu được thị trường bất động sản tại chỗ, giải quyết được nhiều vấn đề kéo theo.

    Theo tìm hiểu của PV, tính đến hết năm 2013 mới chỉ có 126 người nước ngoài được phép mua nhà ở tại Việt Nam sau 5 năm thí điểm cho phép người nước ngoài được phép sở hữu nhà ở. Các chuyên gia cho rằng, con số này là quá ít so với số người nước ngoài đến sinh sống, làm việc ở Việt Nam ngày càng nhiều (khoảng hơn 80 ngàn người). Thế nên, tạo điều kiện cho người nước ngoài được mua nhà cũng sẽ là cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong lĩnh vực này. Bởi khi đó họ sẽ tìm đến với đất nước đã được tạo điều kiện tối đa về mọi mặt, bên cạnh một thể chế chính trị ổn định. Vì thế, Luật Nhà ở sửa đổi được thông qua nới rộng điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà ở đã nhận được sự đồng thuận của nhiều người.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-nuoc-ngoai-duoc-mua-nha-o-tai-vn-cu-hich-cho-bat-dong-san-a71485.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan