+Aa-
    Zalo

    Người mẹ già đi khắp nơi cầu cứu, tối thầm khóc mong con gái tha phương cầu thực sớm trở về

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trước tình cảnh vô cùng khó khăn của người con đang ở nước ngoài không thể trở về, người mẹ già chỉ biết đi cầu cứu khắp nơi.

    Trước tình cảnh vô cùng khó khăn của người con đang ở nước ngoài không thể trở về, người mẹ già chỉ biết đi cầu cứu khắp nơi. Khi không còn cách nào khác thì người mẹ khốn khổ này chỉ biết khóc trong vô vọng.

    Nỗi lòng của người mẹ già

    Trở về sau khi vừa tới cơ quan công an để gửi đơn cầu cứu, bà Trần Thị Vinh (60 tuổi) trú tại xóm 13, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An mệt mỏi nằm lả trên giường không thiết ăn uống. Ở vào độ tuổi này, đáng lẽ bà được vui vầy với con cháu nhưng đôi chân gầy guộc của người mẹ vẫn phải tất tả chạy khắp nơi để tìm cách đưa người con gái là Lê Thị Hằng (30 tuổi) đang nguy cấp ở nước ngoài trở về.

    “Thời điểm dịch Covid-19, con gái tôi ở nước ngoài không thể bình an được. Hơn nữa, cháu đang lang thang ở đâu đó không có chỗ trú thân an toàn. Vì thế tôi ở nhà lo lắm, mấy tuần nay chẳng buồn ăn, chẳng buồn ngủ, chỉ mong sao con trở về bình an thì dù đánh đổi như thế nào tôi cũng chịu”, bà Vinh rầu rĩ nói.

    Theo người mẹ khốn khổ kể, vợ chồng bà có 3 người con, trong đó chị Hằng là con thứ 2. Kết hôn từ sớm, vợ chồng chị Hằng có một người con gái nhưng đau đớn là cháu lại bị dị tật bẩm sinh ở chân, đi lại khó khăn. Cuộc sống nghèo khó, công việc không ổn định nên vợ chồng chị Hằng không hạnh phúc. Ít năm trước, vợ chồng chị Hằng quyết định ly hôn để tìm cuộc sống mới. Không còn cách nào khác, bà Vinh đành đón mẹ con chị Hằng về sống chung trong nhà.

    Bà Vinh đang phải chăm sóc cháu ngoại sau khi con gái đi xuất khẩu.

    “Con dại cái mang, làm sao vợ chồng tôi có thể bỏ được, nhất là người cháu ngoại không được bình thường như các đứa trẻ khác. Một mình Hằng sống vô cùng khó khăn, còn mang theo con gái nữa thì làm sao được, vì thế tôi bàn với chồng đón mẹ con về ở chung. Nghèo khổ gì thì cả gia đình rau cháo nuôi nhau sống qua ngày cũng được”, bà Vinh kể.

    Bươn chải đủ nghề nhưng cũng không đủ ăn, nghe theo lời khuyên của một người bạn, chị Hằng quyết định ký hợp đồng xuất khẩu lao động đi Ả Rập Xê Út thời hạn 2 năm với một công ty tại Hà Nội. Tháng 4/2019, chị Hằng nhờ mẹ trông con rồi một mình đi xuất khẩu với hy vọng tương lai sẽ tốt hơn. Nào ngờ, đây cũng là lúc sóng gió nổi lên khiến cả gia đình bà Vinh không có ngày nào yên ổn vì lo lắng cho con gái.

    “Hằng đến nước ngoài làm giúp việc cho một gia đình. Thế nhưng họ đối xử với người làm công rất tệ. Hằng thường xuyên làm việc từ sáng đến tối mà nhà chủ vẫn chửi bới, thậm chí còn đánh đập. Nhiều lúc con gọi về, tôi nhìn thấy các vết thâm tím trên mặt, trên tay mà trong lòng xót xa...”, bà kể.

    Mòn mỏi trong hy vọng mong manh

    Sau gần một năm trời “cắn răng” chịu đựng, tháng 3/2020, chị Lê Thị Hằng phải tìm đến văn phòng công ty môi giới ở Ả Rập Xê Út, yêu cầu đưa trở về Việt Nam. Thế nhưng, đây cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, cũng vì vậy chị mắc kẹt không thể trở về quê hương.

    “Vợ chồng tôi già cả, chẳng biết phải làm cách nào nên đành phải gửi đơn cầu cứu khắp nơi vơi hy vọng mong manh. Nhưng đến đơn vị nào tôi cũng nhận cái lắc đầu... Gia đình cũng đã nhiều lần liên hệ với phía công ty môi giới cầu cứu, mong sớm tìm cách đưa con gái về nước nhưng chỉ nhận được lời hứa chờ qua dịch Covid-19”, bà Vinh rơm rớm nước mắt.

    Trở về trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, nhìn ánh mắt ngây thơ mong chờ của người cháu ngoại, lòng bà Vinh càng thấy thắt lại. Bà nghĩ đến điều không lành ở phía trước, trong khi vợ chồng ông bà chẳng sống được bao lâu nữa, thì người cháu này biết nương tựa vào ai để sống. Vì thế, mỗi đêm, bà ôm cháu gái ngủ thì nước mắt cứ trào ra ướt đẫm gối. Bà không cần tiền con gái gửi về nữa, bà cũng sẽ bán hết tài sản nếu điều đó cần thiết, bà chỉ mong con trở về bình yên.

    “Tôi cầu xin các cơ quan chức năng, cầu xin tất cả các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình. Chỉ cần làm sao đưa con gái trở về nước bình yên thì việc gì tôi cũng đáp ứng. Tôi không muốn đến khi nhắm mắt mà con gái vẫn chưa thể trở về...”, người mẹ già nức nở òa khóc.

    Trao đổi về hoàn cảnh của gia đình, bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch UBND xã Nghi Thịnh cho biết: “Hoàn cảnh gia đình của bà Trần Thị Vinh vô cùng khó khăn, vì thế chị Lê Thị Hằng mới đi xuất khẩu. Trong nhà, cháu gái bà Vinh bị tật nguyền đang được nhận hỗ trợ. Chính quyền địa phương cũng biết về hoàn cảnh này, nhưng do chị Hằng ở nước ngoài nên không thể giúp gì được, chỉ có thể xác nhận các giấy tờ để gia đình viết đơn gửi các cấp cao hơn”.   

    Trung tá Nguyễn Thành Nhân, Phó trưởng Công an huyện Nghi Lộc xác nhận, đã nhận được đơn của gia đình bà Trần Thị Vinh về hoàn cảnh của con gái. “Đơn vị đã nhận được đơn và hiện đang hướng dẫn gia đình hoàn thành các thủ tục để gửi đến các cơ quan, ban ngành liên quan”, Trung tá Nhân nói.

    Anh Ngọc

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 7 (32)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-me-gia-di-khap-noi-cau-cuu-toi-tham-khoc-mong-con-gai-tha-phuong-cau-thuc-som-tro-ve-a334838.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan