Anh Nguyễn Văn Toản (34 tuổi) quen chị Đỗ Thị Tuyến (32 tuổi, trú tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai) qua một người bạn chung chỗ làm cũ. Sau một thời gian tìm hiểu, năm 2016, hai người kết hôn, cả hai bên nội, ngoại đều mong ngóng cặp đôi sớm sinh con để có cháu bế bồng. Bản thân hai vợ chồng cũng khao khát được lên chức bố mẹ. Tuy nhiên, vài năm sau đám cưới, tin vui vẫn không tìm đến với họ.
Đôi vợ chồng đến bệnh viện để kiểm tra thì người vợ bị chẩn đoán đa nang buồng trứng. Theo bác sĩ, trường hợp này phải dùng đến thủ thuật kích trứng để tăng khả năng đậu thai.
Quá trình mang thai trôi qua, cuối năm 2020, chị Tuyến sinh hạ được đôi trai đầu lòng. Hai cháu bé kháu khỉnh, khỏe mạnh. Lúc đó, gia đình 2 bên ai cũng vui mừng vì vợ chồng khó có con mà giờ đây được cặp trai song sinh đẹp như tranh.
Hạnh phúc vẫn đang ngập tràn, vợ chồng chị Tuyến lại bất ngờ có thêm niềm vui mới. Khoảng 4 tháng sau, chị Tuyến bắt đầu có những dấu hiệu mang thai. Chị không nghĩ mình có thể dễ dàng có thai như vậy nên vội kiểm tra bằng que thử thai thì bất ngờ thấy 2 vạch. Không tin đó là sự thật, chị giấu chồng đến bác sĩ siêu âm thì nhận kết quả đã có thai. Chị càng “điêu đứng” hơn khi nghe bác sĩ thông báo có 3 thai nhi đang hình thành trong cơ thể chị.
Chia sẻ trên VnExpress về hành trình chào đón và nuôi nấng 5 cậu con trai ra đời cách nhau 13 tháng, năm 2021, chị Tuyến cho biết "Lúc biết có thai, tôi ngỡ ngàng, bật khóc vì hai con đầu vẫn còn đang bế ngửa".
Vết mổ từ lần sinh trước còn chưa lành, giờ lại mang bầu thêm ba con "không khác đùa với tính mạng". "Nếu có chuyện gì với mình thì ba đứa trẻ này và hai anh của chúng không còn hơi mẹ, rồi lấy ai chăm sóc, nuôi dưỡng", chị nghĩ.
Dù vậy người phụ nữ không có ý nghĩ "bỏ hay giữ con". Gia đình nội ngoại động viên, chồng luôn ở bên an ủi cũng giúp chị Tuyến nhẹ lòng hơn, tự trấn an mình để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
Khó khăn trăm bề, anh Toản kể, vợ anh mới mang thai đến tháng thứ 4, nhưng việc đi lại vận động đã rất khó khăn. Vợ chồng anh phải gửi 2 con trai đầu sang nhà ngoại để nhờ bà chăm sóc giúp. Lúc đó 2 bé mới được khoảng 8 tháng nhưng đã phải cai sữa để mẹ tập trung chăm lo cho 3 cậu quý tử trong bụng.
“Thời điểm ấy đang giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 nên càng vất vả trăm bề”, anh Toản chia sẻ.
Mang thai đến tuần 32, chị Tuyến bị vỡ ối nên các bác sĩ phải chỉ định mổ bắt con. Ba quý tử của đôi vợ chồng trẻ sinh non nên còn yếu, được chuyển sang bệnh viện nhi nuôi trong lồng kính.
Vết mổ mới chồng lên vết mổ cũ, càng làm chị Tuyến đau hơn. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tuần ra viện, chị đã lên bệnh viện nhi để chăm sóc 3 con đang được nuôi trong lồng kính.
Kể từ đó, kinh tế gia đình trở thành gánh nặng đặt lên vai người chồng. Chỉ riêng việc mua tã, sữa của các con cũng đã gần cạn tiền lương của anh. Vì vậy, chị Tuyến luôn cố gắng tiết kiệm nhất có thể.
Chia sẻ trên Vietnamnet, anh Toản hài hước kể, ngày tháng trôi qua, đến nay các bé cũng đã lớn, mỗi ngày hai vợ chồng phải phân xử không biết bao nhiêu trận tranh giành đồ chơi của 5 bé.
Hiện cặp lớn Minh Khôi và Minh Khang được ba tuổi; bộ ba Minh Anh, Minh An và Minh Châu cũng đã hai tuổi, tất cả đều quanh mốc 17 kg. Chính vì chiều cao, cân nặng và vẻ ngoài tương đồng, nên đi đâu người xung quanh cũng nghĩ là anh em sinh năm.
Người mẹ cho biết, nếu chỉ nhìn qua các bé cũng khó phân biệt. Chị thường phải chỉ mọi người rằng hai bé đầu lớn hơn nên tóc đen hơn, cao hơn, trong đó một bé mập, một bé gầy. Ba bé sau thì có hai đứa mập, trong đó một đứa mắt mí lót, đứa hai mí; đứa còn lại gầy hơn nên dễ nhận ra.
"Lúc ba bé sau tập đi bị ngã, khiến một bé gãy hai răng cửa, một bé gãy một răng, một bé còn nguyên", chị Tuyến buồn nói nhưng cho biết đó cũng có thể là "đặc điểm phân biệt".
Dù vậy khi ngủ, vẻ ngoài của các cậu bé vẫn đôi lần khiến mẹ bối rối. Để tránh nhầm, chị Tuyến luôn mặc đồ khác nhau cho con khi đi ngủ. "Đến giờ thì tôi chỉ nhìn cái kiểu hờn dỗi là biết ngay của đứa nào", người mẹ nói.
Nhà đông con nên ngay khi chồng nhận lương phải mua đủ bỉm sữa cho cả tháng, sau đó còn bao nhiêu mới thu vén ăn uống. Ngay trong sinh hoạt hàng ngày cũng phải linh động, nhiều khi bất chấp quy tắc thông thường. Ví dụ như hiện tại các con có thể tự xúc ăn, nhưng đến bữa Tuyến quây đàn con lại, lần lượt xúc cho từng đứa. Nhiều người không hiểu trách móc, song bà mẹ cho biết nếu để cho tự xúc là cả năm đứa bẩn từ đầu đến chân, bẩn cả nhà cả cửa. Thay vì chỉ mất 20-30 phút cho ăn, cô lại mất lên hàng tiếng thay đồ, dọn nhà cửa.
Vợ chồng chị Tuyến cũng chưa cho con đi mẫu giáo bởi thu nhập không đủ đóng học phí. "Hơn nữa ai đưa đi, đón về? Rồi mỗi lúc chúng ốm đau thì sao?", chị Tuyến nói và dự định sẽ nghỉ việc ở nhà chăm cho tới khi chúng 5 tuổi.
Vợ chồng chị Tuyến cho biết, vì các con đang tuổi ăn tuổi lớn nên rất quậy, tuy nhiên họ luôn cố gắng vun vén kinh tế gia đình cho các con được những bộ quần áo mới giống nhau, những món ăn ngon để phục vụ 5 con và còn những hành trình dài phía trước.
"Những lúc được ăn mặc đẹp và ra ngoài đi chơi các con thích lắm. Nhìn cả năm đứa con lớn khôn, kháu khỉnh, vợ chồng tôi tự hào vô cùng", người mẹ 5 con nói.