Nhiều người lớn luôn tự cho mình cái quyền được mang trẻ con ra làm trò đùa nhưng lại không biết rằng trái tim nhỏ bé của chúng rất mong manh.
Ngày bé, tôi rất hỗn. Theo người lớn đánh giá thì như vậy. Bởi họ nói, tôi gặp họ không chào, trêu có vài câu mà tôi văng tục chửi bậy loạn cả lên như bắn súng liên thanh!
Tôi còn nhớ, một ngày hè oi ả năm nào chả rõ. Tôi bám theo chị gái đi chăn trâu khắp các cánh đồng. Đang thả trâu ăn cỏ, ngồi hóng mát dưới bóng tre và nghe chim hót thì bỗng tự nhiên ở đâu có 1 bà đi qua.
- Ơ hay, con này. Mày gặp bác mà không chào bác à?
Bà ấy nói giọng như bức xúc lắm mà mình thì chả biết bà ấy là bà bác nào?
- Cháu chào bác!
Bà ấy được thể hỏi tiếp:
- Thế bố mày sắp về chưa?
- Bố cháu chưa! - Mình thì cứ nghe thấy câu hỏi dạng như thế này là tự động trả lời nhanh như chớp. Vì người ta hỏi nhiều quá mà.
- Bố mày không về nữa đâu! Bố mày đi theo gái rồi! Sinh em bé ở trong miền Nam rồi. Bỏ mẹ con mày rồi!
- Không phải, bác nói phét.
Hình tượng của bố bị người ta vấy bẩn, bôi nhọ, tôi gào lên trong ấm ức.
- Thôi, về mà bảo mẹ mày lấy chồng đi!
Và khi bà ấy nói thêm câu trên thì tôi khóc thật. Bà ấy đã chạm vào đúng điểm yếu của tôi. Tôi không có bố. Đúng là bố đã bỏ mẹ con tôi đi. Nhưng tôi vẫn luôn tin và hy vọng sẽ có ngày bố trở về. Mua cho tôi con gấu bông thật to. Kiệu tôi đi khắp làng để cho họ nhìn thấy... Tôi thèm thuồng cảm giác ấy vô cùng! Cảm giác được có bố.
Tôi thấy nhiều người lớn thật quá tàn nhẫn với trẻ con. (Ảnh minh họa). |
Những năm tháng tuổi thơ của tôi cứ trôi qua như thế và tôi thấy: Người lớn thật quá tàn nhẫn với trẻ con. Họ gần như vầy nát tuổi thơ của tôi. Người thì trêu, người thì kích... tôi lại chửi, lại cãi, lại bị mẹ đánh. Cuối cùng, tôi chính là nạn nhân trong những trò đùa ác khẩu của họ.
Câu chuyện tôi kể đã xảy ra cách đây 20 năm rồi nhưng lại không phải là câu chuyện đã cũ. Nó luôn luôn nhức nhối như vết thương đang mưng mủ vậy.
Nhiều người lớn luôn tự cho mình cái quyền được trẻ con tôn kính nhưng họ lại chẳng bao giờ biết tôn trọng trẻ con. Gặp trẻ con, họ bắt chúng phải chào hỏi một cách vô điều kiện mà không bao giờ mảy may suy nghĩ rằng họ cũng cần có lời chào chúng. Và thậm chí, người lớn đáng nhẽ ra nên mở lời chào trước. Chào trẻ con để làm gì? Để gửi tín hiệu làm quen. Để bày tỏ rằng chúng đang được tôn trọng như những người trưởng thành khác. Để gián tiếp dạy chúng cách mà chúng nên làm khi gặp mọi người. Mọi người chứ không phải là chỉ gặp người lớn mới chào!
Người lớn nên biết rằng, đối với thế giới của một đứa trẻ, tất cả những gì chúng cần là bố mẹ chúng, vì vậy, chúng không có nhu cầu phải đi làm quen hay gửi tín hiệu kết nối đến bất cứ ai. Muốn chúng ngoan, người lớn hãy cứ "ngoan" trước đã.
Nhiều người lớn luôn tự cho mình cái quyền được mang trẻ con ra làm trò đùa nhưng lại không biết rằng trái tim nhỏ bé của chúng rất mong manh và bản thân chúng luôn muốn được nói chuyện, bày tỏ quan điểm trong một bầu không khí nghiêm túc, không cợt nhả. Chúng ta đối với chúng như thế nào, chúng sẽ đối lại y như vậy. Ở những thành phố lớn văn minh, hiện đại, câu chuyện về một người bố bỏ vợ con đi theo gái bây giờ đã giảm nhưng những câu chuyện kiểu như "mẹ sắp đẻ em bé, cháu sắp bị ra rìa rồi" thì vẫn tồn tại đâu đó nếu không muốn nói là nhan nhản!
Những câu trêu đùa tưởng chừng như vô hại đó nhưng lại có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng hoặc nhẹ thì cũng để lại sự tổn thương trong tâm hồn những đứa trẻ. Thế nên, đừng bao giờ mang nỗi thiệt thòi của 1 đứa trẻ ra để đùa!
Đừng bao giờ khiến trái tim trẻ bị tổn thương bởi chính tình yêu của chúng dành cho bố mẹ. Đừng bao giờ mang giới tính của trẻ ra để dè bỉu. Đừng bao giờ bỏ qua những câu chuyện của chúng!
Làm ơn, hãy lắng nghe chúng! Bởi chúng cần được lắng nghe, cần được thấu hiểu, cần được yêu thương hơn bao giờ hết! Đừng bao giờ cho rằng chúng thanh minh tức là cãi. Đừng bao giờ tước đoạt đi quyền được thanh minh của chúng. Đến như một tội phạm, trước khi kết án vẫn còn được thanh minh cho bản thân trước tòa cơ mà. Tại sao, con cái chúng ta, chúng ta lại không cho chúng một cơ hội? Cơ hội để bố mẹ hiểu con hơn. Cơ hội để kịp thời có những biện pháp uốn nắn nếu chúng có lệch lạc thực sự về cách nghĩ cũng như cách hành xử!
Trẻ con cần nhất là tình yêu của cha mẹ! Luôn cần được người lớn bao bọc, che chở và dẫn đường!
Thanh Ngân