+Aa-
    Zalo

    Người lính mũ nồi xanh & hành trình “mang chuông đi đánh xứ người”

    (ĐS&PL) - LTS: Thượng úy Nguyễn Mạnh Hiệp hiện đang là kĩ thuật viên gây mê, công tác tại Bệnh viện Quân y 175 (bộ Quốc phòng). Anh Hiệp từng 2 lần đứng trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 1 và số 3) của Việt Nam tại Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan. Trong đó, anh Hiệp đảm nhận vị trí y sĩ đội cấp cứu đường không.

    Với những thành tựu và đóng góp của mình, Thượng úy Nguyễn Mạnh Hiệp được trao tặng Huy chương vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

    nguoi linh mu noi xanh va hanh trinh mang chuong di danh xu nguoi2

    “Là người lính, tôi trăn trở để ra đi”

    Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL): Được biết anh có đến 2 lần đứng trong đội hình Bệnh viện dã chiến của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đến Nam Sudan và cả hai lần đó đều là anh viết đơn xin tình nguyện tham gia. Vậy động lực nào khiến anh quyết định dấn thân để trở thành chiến sĩ mũ nồi xanh như vậy?

    - Thượng úy Nguyễn Mạnh Hiệp: Là một quân nhân, tôi cũng như nhiều đồng đội khác luôn hiểu rằng gìn giữ hòa bình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng và Nhà nước giao cho Quân đội nhằm góp phần nâng cao vị thế, uy tín và hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam cũng như xây dựng uy tín của Quân đội Nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế. Hơn thế nữa, lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc cũng chính là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

    Hơn nữa, bản thân tôi còn là một người lính thầy thuốc, qua báo đài truyền hình, chứng kiến cảnh những người dân vô tội, những đứa trẻ ngây thơ đổ máu vì xung đột ở mảnh đất châu Phi khiến tôi càng trăn trở. Trước tôi, cũng đã có nhiều đồng đội khác xung phong đi làm nhiệm vụ và không biết từ khi nào đó cũng trở thành niềm mong ước, thôi thúc tôi phải thực hiện. Vì vậy, ngay khi có cơ hội, tôi đã tình nguyện tham gia Bệnh viện dã chiến nhằm góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    nguoi linh mu noi xanh va hanh trinh mang chuong di danh xu nguoi1
    nguoi linh mu noi xanh va hanh trinh mang chuong di danh xu nguoi3

    ĐS&PL: Nói đến Nam Sudan một đất nước cách xa Việt Nam 10.000km có lẽ đối với nhiều người dân Việt Nam vẫn vô cùng lạ lẫm. Là người đã từng trực tiếp công tác tại đây, có thể nói rõ hơn về tình hình tại đó và đâu là những khó khăn mà người chiến sĩ phải vượt qua?

    - Thượng úy Nguyễn Mạnh Hiệp: Nam Sudan là một đất nước nằm ở rất xa đất nước ta, tình hình chính trị đang bất ổn, xung đột vẫn tiếp diễn do đó khi đến đây lực lượng gìn giữ hòa bình đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

    Tôi còn nhớ khi đến với Nam Sudan, ấn tượng đầu tiên đó là khí hậu vô cùng khắc nghiệt, nắng nóng cháy da cháy thịt, có những lúc nhiệt độ ngoài trời hơn 50 độ C, nhưng khi đêm xuống, không khí lạnh bao trùm, chỉ còn khoảng 20 độ C thôi. Thời tiết như vậy cũng khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trở thành “cơm bữa”.

    Nghĩ đến đất nước này, tôi vẫn không thể nào quên ám ảnh mảnh đất khô cằn với bạt ngàn màu trắng của lều trại tị nạn, hình ảnh những đứa trẻ gầy nhom vì thiếu ăn, trên người chẳng đủ quần và áo. Gần như cái nghèo, cái khổ cực tận cùng ám ảnh và bao trùm hết thảy mọi thứ.

    Đối với chúng tôi, khó khăn còn là sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa khi làm việc ở trong môi trường quốc tế và đặc biệt là nỗi nhớ gia đình da diết. Tiếng gọi “Bố ơi” của đứa con nhỏ nhiều khi khiến tôi không cầm được nước mắt. Nhiều khi đi thực hiện nhiệm vụ bên ngoài, gia đình ai cũng mong ngóng tôi gọi về để biết đã đến nơi an toàn chưa. Tôi thì cũng không yên tâm khi không biết vợ xoay xở công việc và 2 con thế nào trong những ngày đầu chồng đi công tác xa. Lúc nghe được tiếng nhau từ một nơi xa hơn 8.000km, mọi thứ thật là vừa mừng vừa tủi.

    ĐS&PL: Ở giữa biết bao gian khổ, thậm chí nguy hiểm, tinh thần của những chiến sĩ Bộ đội cụ Hồ được thể hiện như thế nào?

    - Thượng úy Nguyễn Mạnh Hiệp: Ngay khi đến với Nam Sudan, không ai bảo ai, anh em trong bệnh viện đều tự nhủ với lòng sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình để giúp đỡ cho mảnh đất và những con người quá đỗi đau thương này. Mỗi cán bộ chiến sĩ trong Bệnh viện dã chiến luôn phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là luôn luôn giữ cho mình thái độ lạc quan.

    Dù ở xa, nhưng chúng tôi vẫn duy trì các hoạt động đoàn thể trong bệnh viện, điều này góp một phần không nhỏ vào quá trình xây dựng đời sống văn hóa tinh thần trong đơn vị. Vào các ngày lễ Tết truyền thống của đất nước chúng tôi đã tổ chức các cuộc thi, như nấu ăn, thả diều, thi gói bánh chưng và tổ chức các trò chơi dân gian và mời các đơn vị đến tham gia giao lưu. Ngoài ra, vào các ngày nghỉ chúng tôi tổ chức tăng gia sản xuất nhằm mục đích thư giãn và tăng cường bổ sung thêm nguồn rau xanh cho đơn vị. Bạn bè quốc tế ban đầu thấy lạ lẫm nhưng về sau họ lại thấy hứng thú về những vườn rau của chúng tôi.

    Với tinh thần của những người lính, chúng tôi tự hào rằng mình đã vượt qua mọi thử thách và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc viết thư khen ngợi, và Trưởng phái bộ lực lượng gìn giữ hòa bình đánh giá rất cao.

    nguoi linh mu noi xanh va hanh trinh mang chuong di danh xu nguoi4

    Xa Tổ quốc nhưng Tổ quốc lại gần hơn bao giờ hết

    ĐS&PL: Trong quá trình công tác, có những câu chuyện hay kỷ niệm nào đáng nhớ đối với cá nhân anh không? Đâu là điều khiến anh hài lòng nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại Bentiu?

    - Thượng úy Nguyễn Mạnh Hiệp: Đối với những người lính Quân y chúng tôi thường xuyên được tiếp xúc và trao đổi với rất nhiều đồng nghiệp nước ngoài thông qua việc khám chữa bệnh. Hầu hết các bạn đều bày tỏ tình cảm, sự tôn trọng và biết ơn đối với chúng tôi.

    Có một kỷ niệm đáng nhớ là vào khoảng tháng 2/2019 khi tôi đang tham gia Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, tôi được giao nhiệm vụ chăm sóc và điều trị cho 1 bệnh nhân là Trung tá Cảnh sát của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (UNPOL) quốc tịch Senegan. Và qua quá trình chăm sóc, điều trị và những buổi trò chuyện vị này rất quý đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi. Sau khi ra viện ông thường xuyên mời chúng tôi đến phòng, nơi ở của ông ăn cơm, uống trà và nhận tôi là một người em kết nghĩa. Chúng tôi có mối quan hệ rất thân thiết và gần gũi giống như anh em trong gia đình. Sau khi chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị về nước, ông đã đến chia tay và tặng tôi một bộ quần áo truyền thống của đất nước ông. Chúng tôi thường xuyên trò chuyện và giữ liên lạc với nhau hàng ngày cho đến tận bây giờ. Tôi vui vì mình đã có những người bạn dù khác quốc tịch, màu da và cách xa nhau hàng nghìn km nhưng chúng tôi thực sự trân quý nhau.

    Trải qua 2 nhiệm kỳ công tác tại phái bộ Nam Sudan điều khiến tôi hài lòng nhất đó là chúng ta đã gây dựng được uy tín và hình ảnh về đất nước con người Việt Nam trên trường quốc tế, khi chúng tôi đi đến đâu cả dân địa phương lẫn đồng nghiệp quốc tế đã hô vang 2 chữ Việt Nam để chào đón chúng tôi. Có người còn chia sẻ với chúng tôi rằng họ rất yêu quý đất nước con người Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là thần tượng vĩ đại của họ.

    ĐS&PL: Ở nơi xứ người cách đất nước hàng vạn kilomet, lại đang làm nhiệm vụ vô cùng đặc biệt, anh và những đồng đội cảm nhận về Tổ quốc Việt Nam như thế nào?

    - Thượng úy Nguyễn Mạnh Hiệp: Bản thân mỗi cá nhân chúng tôi luôn cảm thấy tự hào về đất nước Việt Nam của chúng ta. Chúng tôi cảm thấy may mắn khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương mảnh đất hình chữ S này - một đất nước độc lập được sống trong ấm no hạnh phúc, trẻ em được đến trường.

    Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chứng kiến biết bao cảnh đau thương của trẻ em và người dân Nam Sudan, chúng tôi càng trân trọng và tỏ lòng biết ơn đến những thế hệ cha ông ta đi trước đã đấu tranh bảo vệ nền độc lập chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam chúng ta.

    Xa Tổ quốc, mỗi khi được người dân ở Nam Sudan hay bạn bè quốc tế nhắc đến “Việt Nam”, mỗi người chúng tôi đều cảm thấy xúc động và hạnh phúc. Hai từ “Tổ quốc” tưởng là trừu tượng lúc đó trở gần nên gần gũi và cụ thể hơn bao giờ hết.

    ĐS&PL: Một trong những sứ mệnh của chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam khi ra đi đã góp phần xây dựng đất nước, hình ảnh của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, anh và các đồng đội đã thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào?

    - Thượng úy Nguyễn Mạnh Hiệp: Khi rời Việt Nam đến với Bentiu, chúng tôi đã dặn với lòng mình là những người của Tổ quốc được cử đi thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả, là đại diện cho đất nước con người Việt Nam quảng bá văn hóa, cũng như hình ảnh và uy tín của đất nước đối với bạn bè quốc tế. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi luôn nghiêm túc, chuyên nghiệp và tận tình trong việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho nhân viên phái bộ được chu đáo.

    Ngoài ra mỗi cá nhân cán bộ chiến sĩ của bệnh viện là một sứ giả của hòa bình và đồng thời cũng là sứ giả về văn hóa để quảng bá những nét đẹp truyền thống, của đất nước cũng như con người Việt Nam. Chúng tôi tận dụng mọi cơ hội có thể để trò chuyện, luôn thân thiện mọi lúc mọi nơi và sẵn sàng làm bạn với tất cả mọi người. Vào những ngày lễ, chúng tôi làm các món ăn truyền thống, tổ chức các hoạt động và mời bạn bè quốc tế tham gia để mọi người hiểu hơn về Việt Nam.

    Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên làm các công tác thiện nguyện tới những người dân địa phương thông qua hoạt động dân vận của phái bộ. Cụ thể như chúng tôi đã tổ chức những buổi khám chữa bệnh, tặng sách vở bút cho học sinh tại khu trại tị nạn, cán bộ nhân viên Bệnh viện đã tận dụng những Container gỗ để đóng bàn ghế tặng cho trường học địa phương. Những điều đó là nhằm thể hiện về lòng tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của văn hóa truyền thống Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

    Mỗi mảnh đất đều có linh hồn

    ĐS&PL: Trở về với cuộc sống thường nhật sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Những trải nghiệm sau 2 lần thực hiện nhiệm vụ ở Nam Sudan có những ý nghĩa như thế nào với anh?

    - Thượng úy Nguyễn Mạnh Hiệp: Nhìn lại 2 nhiệm kỳ công tác tại phái bộ đã giúp cho tôi trưởng thành hơn rất nhiều, đọng lại trong tôi những kỷ niệm đẹp nhất thời quân ngũ.

    Đó là những tháng ngày tôi và đồng đội đã đoàn kết sát cánh cùng nhau vượt qua những khó khăn gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó. Nghĩ về Nam Sudan, một dòng cảm xúc lại ào về trong tâm trí mà tôi chẳng gọi nổi thành tên. Mỗi mảnh đất đều có linh hồn, chạy mãi cũng quen chân, hít thở mãi cũng quen mũi. Mảnh đất Bentiu ấy là nơi các anh em chúng tôi cùng làm việc, cùng lao động, cùng giải trí. Là những buổi tối bên tách trà kể chuyện nhau nghe; Là hình ảnh quen thuộc về những con người da đen chất phác, hiền lành.

    Những trải nghiệm đó cũng giúp tôi có được những kinh nghiệm thực tiễn và những bài học quý báu về cuộc sống để tôi tiếp tục vững bước trên sự nghiệp của mình trong tương lai. Những người làm cha như tôi có thêm trải nghiệm cho cuộc đời, những bài học về tình yêu thương để truyền đạt cho các con biết trân trọng hơn những điều mình có trong cuộc sống.

    Việc cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được triển khai xuyên suốt từ năm 2014 đến nay.

    Sau 8 năm triển khai, Việt Nam đã cử 76 lượt sĩ quan cá nhân của Quân đội tham gia các nhiệm vụ sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu, quan sát viên quân sự, sĩ quan phân tích thông tin tình báo... tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc và 2 Phái bộ tại Nam Sudan (UNMISS), Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA).

    Đối với hình thức đơn vị, năm 2018, Việt Nam chính thức cử đội hình cấp đơn vị đầu tiên - Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Bentiu, Nam Sudan.

    Tới nay, Việt Nam đã cử trên 250 cán bộ, y, UN của các Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, số 2, số 3 và số 4 đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan. Cuối năm 2021, Việt Nam cũng đã lần đầu tiên triển khai Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc với quân số lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam gồm 184 quân nhân.

    nguoi linh mu noi xanh va hanh trinh mang chuong di danh xu nguoi5

    Mạnh Quốc

    Bài đăng trong số đặc biệt kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-linh-mu-noi-xanh-hanh-trinh-mang-chuong-di-danh-xu-nguoi-a541677.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan