Hãng thông tấn Yonhap dẫn thông tin từ Bộ Lao động Hàn Quốc ngày 9/1 (giờ địa phương) cho biết, quốc gia này có kế hoạch kéo dài thời gian nghỉ phép nuôi con cho người lao động từ 12 lên 18 tháng, áp dụng cho cả lao động nam và nữ.
Kế hoạch đã được đưa vào báo cáo của Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc Lee Jeong-sik cho Tổng thống Yoon Suk-yeol về kế hoạch hoạt động của Bộ trong năm 2023.
Trước tiên, chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy đảm bảo thời gian nghỉ phép lên tới 18 tháng cho mỗi bậc cha mẹ khi cả hai đều đang làm việc.
Các quan chức cho biết kế hoạch này là nỗ lực của chính phủ nhằm khuyến khích nhiều cặp vợ chồng xin nghỉ thai sản hoặc nghỉ sinh con để đối phó với tỷ lệ sinh rất thấp của Hàn Quốc.
Ngày 26/10/2022, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) công bố số liệu cho thấy số trẻ sơ sinh chào đời tại nước này trong tháng 8/2022 ở mức thấp kỷ lục, trái ngược với số ca tử vong ở mức cao chưa từng thấy, trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh và đại dịch COVID-19.
Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc giảm trong thời gian dài do nhiều người trẻ tuổi trì hoãn hoặc không kết hôn và sinh con trong bối cảnh kinh tế suy giảm, giá nhà ở tăng cao cùng với sự thay đổi các chuẩn mực xã hội về hôn nhân.
Năm 2021, Hàn Quốc đã phá kỷ lục của chính nước này về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tổng tỷ suất sinh (TFR) - tức là số trẻ trung bình mà một phụ nữ sinh trong suốt cuộc đời - đã giảm từ 0,84 hồi năm 2020 xuống 0,81 trong năm 2021. Năm 2021 cũng là năm thứ 4 liên tiếp TFR của Hàn Quốc dưới mức 1.
Ở một diễn biến khác, Bộ Lao động Hàn Quốc quyết định cấp thị thực E-9 (loại thị thực dành cho người lao động phổ thông tại Hàn Quốc) cho số lượng lao động nước ngoài cao kỷ lục trong năm nay là 110.000 người.
Quyết định được đưa ra khi các ngành công nghiệp ở Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào lực lượng lao động nhập cư, đã gặp phải tình trạng thiếu lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài và các biện pháp kiểm soát biên giới được thắt chặt.
Chính phủ cũng có kế hoạch sửa đổi luật liên quan để người lao động nước ngoài có thể ở lại hơn 10 năm mà không cần trải qua quá trình rời đi và tái nhập cảnh nhằm đảm bảo kỹ năng làm việc của họ.
Bộ Lao động cũng sẽ thúc đẩy chính sách giảm tử vong hoặc thương tích tại nơi làm việc bằng cách buộc các công ty áp dụng hệ thống đánh giá rủi ro.
Bắt đầu từ năm 2023, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch buộc các công ty có từ 300 nhân viên trở lên áp dụng hệ thống này và tiếp tục mở rộng hệ thống này sang các công ty nhỏ hơn có từ 5 nhân viên trở lên vào năm 2025.
Các quan chức cho biết chính phủ sẽ tiến hành một cuộc điều tra xem liệu một hệ thống như vậy có được thực thi đúng cách trong trường hợp có người tử vong hoặc bị thương tại nơi làm việc hay không.
Bích Thảo(Theo Yonhap)