+Aa-
    Zalo

    Người lao động đua nhau rút bảo hiểm vì tạm nghỉ việc: Lợi bất cập hại

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Để có tiền trang trải cuộc sống khi mất việc, nhiều người lao động đã rút bảo hiểm xã hội nhận chi trả 1 lần nhưng họ không lường trước những bất cập phía sau.

    Tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến vô cùng phức tạp, tại Việt Nam đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, còn người lao động thì rơi vào cảnh không có việc làm. Để có tiền trang trải cuộc sống khi mất việc, nhiều người lao động đã rút bảo hiểm xã hội nhận chi trả 1 lần nhưng họ không lường trước những bất cập phía sau. Điều này cũng đồng nghĩa, người lao động mất lương hưu khi về già, mất tiền tử tuất khi qua đời, ảnh hưởng lớn đến hệ thống an sinh xã hội...

    Người lao động lao đao vì không có việc làm

    Có thể nói, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã khiến kinh tế trong nước bị ảnh hưởng, người lao động không có việc làm hoặc thậm chí có công ty cho người lao động tạm thời nghỉ việc không lương hoặc cắt giảm thưởng để duy trì hoạt động của công ty. Mặc dù vậy, người lao động chỉ biết trông chờ vào đồng lương nên cuộc sống thêm phần khó khăn.

    Doanh nghiệp lao đao vì đại dịch Covid-19, người lao động cũng khốn đốn theo.

    Trao đổi với PV, anh Nguyễn Anh B. (Công nhân ở Bình Dương) than thở: “Từ Tết ra đến nay, vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên chúng tôi không có tiền để trang trải cuộc sống. Thậm chí, tiền thuê trọ chúng tôi cũng không có một đồng để chi trả. Với công nhân xa quê đi làm chỉ trông chờ vào đồng lương của công ty, nhưng giờ dịch bệnh công ty cũng không có nhiều việc làm, buộc lòng tôi đành phải rút bảo hiểm xã hội mà tôi đã đóng được 4 năm qua để trang trải chi phí trước mắt, chứ thực lòng tôi cũng không muốn rút”.

    Tương tự, anh Phạm Văn A. (quê Yên Bái vào tỉnh Đồng Nai làm công nhân) tâm sự: “Nói thật, tôi định không rút sổ bảo hiểm đóng 10 năm rồi đâu. Nhưng khổ nỗi, tôi còn phải nuôi gia đình, vợ con tôi cũng không có nguồn thu, nếu không rút sổ bảo hiểm thì chỉ có “chết đói” mà thôi”.

    Anh A. cũng cho biết thêm, sau khi thất nghiệp anh cũng chạy đôn, chạy đáo tìm việc để làm thêm, kiếm chút tiền tiêu xài nhưng không nơi nào thuê anh giá đủ sống cả. Thậm chí, có công việc nặng nhọc cũng không kiếm nổi 70 nghìn đồng/ngày. Đúng lúc ở quê, bố anh ốm, cần tiền gấp, vì thế bạn anh gợi ý: “Thế rút sổ bảo hiểm xã hội đi”, anh đành nhắm mắt làm theo. Anh A. cũng tiết lộ, bạn bè anh cũng vì không có tiền nên nhiều người đã bất chấp hậu quả để rút bảo hiểm xã hội.

    Tương tự chị Phan Hải Ng. (Yên Bái) trải lòng: “Tôi là mẹ đơn thân của 3 đứa con nhỏ. Hiện tại, chồng tôi mất nên mình tôi cáng đáng lo cho các con. Đợt vừa rồi, vì dịch Covid-19 nên công ty cho nhân viên nghỉ việc. Tôi không có tiền tích luỹ nên mọi sinh hoạt, chi tiêu đành phải nhờ bố mẹ đẻ. Hiện, cả nhà tôi chỉ dựa vào lương hưu của bố thì không đủ. Vì thế, tôi đành rút sổ bảo hiểm xã hội bao năm nay để chi tiêu. Khi quyết định rút sổ, tôi không nghĩ quá nhiều, giờ rút xong mới thấy hối hận. Đúng là, rút sớm, tiền cũng chẳng được là bao nhiêu. Khi đó, nếu tôi nghĩ cách khác thì mọi việc đã tốt hơn nhiều”.

    Trong khi đó, theo thông tin của Liên đoàn Lao động một số tỉnh thành, số người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số lao động này rút BHXH 1 lần để giải quyết khó khăn trước mắt do mất việc và tập trung tại một số tỉnh thành như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội...

    Lợi trước mắt, hại lâu dài

    Trao đổi với PV, bà Trần Thị Diệu Thuý - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, tiền bảo hiểm mai sau chính người lao động sẽ được hưởng khi hết tuổi lao động sẽ có lương hưu, nếu bây giờ rút một lần thì tương lai khi người lao động nghỉ hưu là không được đảm bảo.

    Doanh nghiệp giày da, may mặc ảnh hưởng sớm và nhiều nhất vì dịch Covid-19.

    Nói về những giải pháp mà Liên đoàn Lao động TP.HCM đã làm, bà Trần Thị Diệu Thuý cho hay: “Liên đoàn Lao động TP.HCM từ trước đến nay đều vận động, tuyên truyền người lao động không nên rút, nhận tiền BHXH 1 lần. Chúng tôi làm thường xuyên và liên tục, có chương trình riêng của liên đoàn, đến thời điểm này chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền nhiều hơn để cố gắng giảm thấp nhất trường hợp người lao động nhận BHXH 1 lần”.

    Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cảnh báo rằng, thời điểm dịch Covid-19, người lao động sẽ rất thiệt thòi nếu rút bảo hiểm xã hội 1 lần vào thời điểm này. “Thứ nhất tiền đóng bảo hiểm là 2,6 tháng lương trong một năm mà lấy thì được tối đa 2 tháng mất 0,6%. Nhưng cái mất dài hạn, mất có ý nghĩa quan trọng đó là mất lương hưu khi về già và mất tiền lo tử tuất khi qua đời. Thậm chí, các suất cho con khi chưa đủ tuổi 18 hoặc bố mẹ hết tuổi lao động. Và cái mất quan trọng hơn cả chính là chúng ta mất đi cái hệ thống an sinh xã hội mà Chính phủ đang hướng tới, chính là bảo hiểm xã hội bao phủ toàn dân”, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý nêu quan điểm.

    Vì vậy, việc cân nhắc, lựa chọn nhận BHXH 1 lần là điều hết sức quan trọng, đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe khi về già.

    Nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề

    Lý giải nguyên nhân người lao động ồ ạt rút BHXH 1 cục như hiện nay, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, phần lớn nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do một số lao động gặp khó khăn khi tìm lại việc làm trong thời điểm dịch Covid-19, họ mong muốn có một khoản chi tiêu trước mắt để trang trải cuộc sống.

    “Ngoài ra, một số người lao động vẫn còn quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”, chưa hình thành thói quen tự đảm bảo an sinh khi về già, đóng BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu, chủ động với cuộc sống của mình, không phụ thuộc vào con cái”, vị này cho hay.

    Phía Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng nhấn mạnh, khi lựa chọn hưởng BHXH 1 lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu: “Nếu nhận BHXH 1 lần, sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, mà tính thành thời gian đóng BHXH mới. Như vậy, người lao động sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, hoặc nếu khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu thì do thời gian đóng BHXH ít nên số tiền lương hưu sẽ thấp, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động”.

    Đưa ra giải pháp gỡ khó cho người lao động, phía Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, trong thời điểm này, nếu không may bị thất nghiệp, người lao động nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề. Với những người lao động đã hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 12 tháng nên đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ gói an sinh của Chính phủ. Đợi qua đợt khó khăn do dịch bệnh Covid-19, người lao động có cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục được đóng BHXH để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này.

    Quyền lợi của người lao động được hưởng với chế độ bảo hiểm thất nghiệp như sau: Được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định để khám, chữa bệnh khi không may ốm đau; được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng); được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được đào “ tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
    Thanh Lam - Thu Huyền

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (16)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-lao-dong-dua-nhau-rut-bao-hiem-vi-tam-nghi-viec-loi-bat-cap-hai-a320985.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan