+Aa-
    Zalo

    Người gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng 5-20 người có thể bị tù 5 năm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ 1/1/2018, người nào có hành vi gây ngộ độc ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng từ 5-20 người có thể bị phạt tù 5 năm.

    Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) quy định người nào thực hiện hành vi chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 5 đến 20 người có thể bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.

    Luật sư cho biết, tuy nhiên, hiện nay dù đã có bộ khung pháp lý xử lý vi phạm về hành vi vi phạm an toàn thực phẩm đầy đủ nhưng đều "bất lực" trước tình trạng mất an toàn về thực phẩm trường học, thậm chí còn ở mức báo động.

    Trước vấn đề thực phẩm 'bẩn' trong trường học đang ở mức báo động, rất nhiều người đặt ra câu hỏi: “Có nhiều luật về xử lý vi phạm hành chính và các nghị định, văn bản hướng dẫn nhưng tại sao không đủ sức để xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm?”.

    Đoàn công tác kiểm tra đột xuất tại trường mầm non Hoàng Liệt phát hiện rau mùng tơi dương tính với chất bảo vệ thực vật.

    Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật xung quanh câu hỏi đầy trăn trở này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội) khẳng định việc để xảy ra mất ATTP tại các trường học là sực việc hết sức nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các học sinh không chỉ thời điểm sử dụng thực phẩm mà còn có nguy cơ gây hại đến sức khỏe về sau.

    Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Hà Nội).

    Theo luật sư Cường, câu hỏi trên có thể coi là vấn đề trăn trở của nhiều chuyên gia trong ngành, các cơ quan chức năng có thẩm quyền và liên quan. Bởi cho đến nay dù đã có bộ khung pháp lý xử lý vi phạm về hành vi vi phạm an toàn thực phẩm đầy đủ như Luật An toàn thực phẩm, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật bảo vệ và kiểm dịch động vật, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa… Ngoài ra, còn có Bộ luật Hình sự, Dân sự, Luật Quảng cáo, Luật cạnh tranh, Luật về xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định văn bản hướng dẫn về lĩnh vực này…nhưng tình trạng mất vệ sinh ATTP tại các trường học vẫn xảy ra hàng ngày, hàng giờ, ở mức báo động.

    "Nguyên nhân này xuất phát từ cả đạo đức của người kinh doanh, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn bán trú, tập thể trong trường học, và cả sự thiếu sót trong cơ chế giám sát việc hoạt động kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm của ban quản lý nhà trường và cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan", luật sư Cường lý giải.

    Cũng theo luật sư Cường, bên cạnh đó, việc thành lập đội thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm hiện nay chưa đảm bảo tính xử lý kịp thời. Trong quá trình xử lý thì đạo đức của cán bộ xử lý đóng vai trò quan trọng, nếu cả nể hoặc xử lý “nhẹ tay” thì không thể đủ sức răn đe đối với các đối tượng có hành vi vi phạm, thậm chí còn dung túng, bao che cho hành vi đó…

    Dưới góc độ pháp luật, luật sư Cường cho rằng các biện pháp xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại các trường học chủ yếu chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, phạt tiền. Hay đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống; song song khắc phục hậu quả bằng cách buộc tiêu hủy nguyên liệu thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, hỏng, ôi, thiu, thối,..

    "Với biện pháp và mức xử phạt hành chính như vậy sẽ rất khó ngăn chặn hành vi sử dụng thực phẩm "bẩn", thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vào trường học. Chính vì thế, cần phải có chế tài có đủ sức răn đe, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành liên quan… thì mới tạo được chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học", luật sư Cường nói.

    Tới đây, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) có quy định về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại Ðiều 317, trong đó sẽ quy định cụ thể, chi tiết hơn về hành vi vi phạm và mức xử phạt đối với từng hành vi. Hi vọng khi Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực sẽ tạo được khung pháp lý hoàn thiện hơn trong việc xử lý các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm.

    Pháp luật Việt Nam đã quy định về việc bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học tại Thông tư 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 Thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT quy định về công tác y tế trường học để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh.

    Theo đó đối với Trường học có bếp ăn nội trú, bán trú thì phải bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định pháp luật và yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 07:2010/BYT) phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 46/2010/TT-BYT; Đối với các trường học không có bếp ăn nội trú, bán trú ký hợp đồng với các cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để cung cấp thức ăn cho học sinh; căng tin của nhà trường cũng phải bảo đảm yêu cầu như trên.

    Điều 5 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 07:2010/BYT) phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dânquy định về Yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm như sau:

    - Chỉ sử dụng các lương thực, thực phẩm có nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm.
    - Thực phẩm phải được làm sạch trước khi chế biến;

    - Quá trình chế biến, phân phối, sử dụng, lưu giữ phải thực hiện theo các quy định của Bộ Y tế về an toàn thực phẩm;

    - Thức ăn, thực phẩm, đồ uống phải được che chắn tránh ruồi, nhặng dán chuột và sự xâm nhập của các động vật khác;

    - Thực hiện ăn chín, ăn ngay sau khi thức ăn được chế biến. Chỉ sử dụng thức ăn, thực phẩm trong ngày. Không được sử dụng lại thức ăn, thực phẩm thừa; thức ăn sau chế biến 3-4 giờ phải được làm nóng trước khi sử dụng.

    - Dụng cụ chế biến thức ăn và sử dụng trong ăn uống phải được rửa bằng nước sạch và chất tẩy rửa theo quy định của Bộ Y tế, lau khô và cất giữ ở tủ kín tránh chuột, gián và các côn trùng có hại khác;

    - Sàn nhà, bếp, bàn ghế và các dụng cụ phục vụ cho việc ăn uống phải được lau, rửa hàng ngày bằng chất tẩy rửa và nước sạch; Hàng tuần, thực hiện tổng vệ sinh và khử trùng nhà bếp, nhà ăn, căng tin.

    - Không để gia súc, gia cầm hoạt động trong ở khu vực nhà bếp, nhà ăn, căng tin;
    Trường hợp sử dụng dịch vụ cung cấp thức ăn sẵn thì phải lựa chọn các cơ sở có đủ điều kiện bảo đảm toàn thực phẩm theo quy định.

    Đối với các hành vi vi phạm quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nêu trên, pháp luật đã có các chế tài xử lý đối với từng hành vi. Trong đó hành vi vi phạm về vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm trong trường học, cụ thể sử dụng các thực phẩm không đáp ứng đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật để chế biến bữa ăn cho các học sinh thì có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định số: 178/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

    Theo đó, hành vi Sử dụng nguyên liệu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn để chế biến thực phẩm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả có thể là Buộc tiêu hủy nguyên liệu thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; hết hạn sử dụng, hỏng, ôi, thiu, thối .

    Đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc thực phẩm thì có thể bị Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần cá nhân. Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung có thể Đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống từ 01 tháng đến 03 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả có thể là Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.

    Ngoài các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính nêu trên, thì tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm và người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 244. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

    Theo đó người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà mức phạt tù có thể lên đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

    Tới đây, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) sẽ có sửa đổi về tội danh này, theo đó người nào thực hiện hành vi chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 5 đến 20 người, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Ngoài ra, tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi mà mức phạt có thể lên đến 20 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

    Luật sư Đặng văn Cường

    Nguyễn Hà (ghi)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nguoi-gay-ngo-doc-thuc-pham-anh-huong-suc-khoe-nghiem-trong-5-20-nguoi-co-the-bi-tu-5-nam-a207767.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan