Mới đây, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.Q (46 tuổi, trú tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) vào viện cấp cứu trong tình trạng bị máy cưa cắt vào cẳng tay trái, đau vết thương cẳng tay trái chảy máu.
Kết quả chụp XQ: Không thấy tổn thương xương bàn ngón tay trái trên phim.
Bệnh nhân được chẩn đoán, vết thương phức tạp cẳng - bàn tay (T): Tổn thương nhánh vào cơ của nhánh sau thần kinh quay (T); Đứt gân duỗi dài, duỗi ngắn, dạng dài ngón I, gân duỗi cổ tay quay dài; Nhóm cơ mặt sau 1/3T cẳng tay; Gãy thành xương quay.
Bệnh nhân được cắt lọc, khâu nối gân duỗi dài, duỗi ngắn, dạng dài ngón I , gân duỗi cổ tay quay dài; Nhóm cơ mặt sau 1/3T cẳng tay (T). Hiện tại, sau phẫu thuật sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Trước đó, ngày 2/4 bệnh viện cũng đã phẫu thuật thành công nối mạch máu, thần kinh, gân cơ cấp cứu nhân L.T.N (trú tại huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) bị máy cắt cắt vào cẳng chân phải, kèm theo chảy máu nhiều, được xử trí ban đầu tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên.
Thời gian gần đây, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị rất nhiều trường hợp bị các tai nạn lao động do các vật sắc nhọn gây ra như máy cắt cỏ, máy cắt vật liệu xây dựng, máy thái rau lợn, máy cày, máy bừa… nhiều trường hợp bị các tổn thương rất nặng nề như: Vết thương bẩn, rộng, bờ nham nhở, phức tạp; vết thương bị khuyết hổng, các tổ chức bị dập nát, đứt rời thậm trí cụt tay, cụt chân…Mặc dù không gây ảnh hưởng đến tính mạng, tuy nhiên sẽ khiến bệnh nhân giảm khả năng lao động, gây bất tiện trong sinh hoạt. Đồng thời, nạn nhân có nguy cơ mắc các loại bệnh khác (nhiễm trùng, uốn ván, hoại tử…) nếu không được chăm sóc vết thương cẩn thận.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chú trọng nguyên tắc bảo hộ trong lao động, khi xảy ra tai nạn cần sơ cứu và chuyển đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được xử trí đúng và điều trị kịp thời.