Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân N.T.D, nam 39 tuổi ở Phú Yên đến tái khám tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để điều trị hóa chất. Tuy nhiên bệnh nhân lại ho, sốt, tình cờ siêu âm ổ bụng có kết quả phát hiện ra có khối ở gan, được chẩn đoán theo dõi áp xe gan và chuyển tuyến đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám và điều trị.
Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh bạch cầu cấp đã điều trị hóa chất 5 đợt tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Trước khi ra Hà Nội, bệnh nhân xuất hiện ho đờm đục, đau tức ngực 2 bên khi ho, sốt cơn trong ngày phải vào viện điều trị một tuần.
Trao đổi với bác sĩ, Anh D. cho biết: A có sở thích (nghiện) ăn rau sống, đặc biệt là rau muống được trồng dưới ao, hồ và rau ngổ sống. Anh rất nghiện món cá ồ nướng quấn với rau muống và món thịt vịt quay hay thịt vịt hấp ăn với rau ngổ sống. Ngay cả khi đang nằm điều trị tại bệnh viện trong Phú Yên, anh vẫn thường xuyên ăn món này.
TS Vũ Minh Điền, phó Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Qua thăm khám lâm sàng và khai thác tiền sử của bệnh nhân, chúng tôi đã nghĩ đến bệnh cảnh sán lá gan lớn khi các xét nghiệm ban đầu cho thấy có bạch cầu ái toan tăng cao và hình ảnh chụp phim cộng hưởng từ gan hướng nhiều đến bệnh sán lá gan lớn.
TS Điền nhấn mạnh: Người mắc bệnh sán lá gan thường có triệu chứng đau hạ sườn phải âm ỉ, không đặc hiệu. Người bệnh thường có cảm giác mệt mỏi, đầy bụng và khó tiêu. Rất nhiều trường hợp không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt. Nhiễm sán lá gan cấp tính có thể gây đau bụng, gan to, buồn nôn, sốt, nổi mề đay, sụt cân…
Nếu một người nhiễm sán lá gan lớn mãn tính không được điều trị lâu ngày có thể dẫn các biến chứng: viêm đường mật; sỏi mật; viêm túi mật; viêm tụy; xơ đường mật và xơ hóa gan. Để xác định người có bị mắc sán lá gan lớn hay không phải dựa vào kỹ thuật xét nghiệm tìm trứng sán trong phân hoặc xét nghiệm máu để tìm kháng thể trong huyết thanh của bệnh nhân.
Để người dân hiểu thêm về căn bệnh sán lá gan lớn, TS Vũ Minh Điền diễn giải: Ở người, sán ký sinh trong gan mật, trường hợp bất thường sán có thể ký sinh trong cơ, dưới da... (ký sinh lạc chỗ). Sán trưởng thành đẻ trứng theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân. Trứng xuống nước, nở ra ấu trùng lông và ký sinh trong ốc, phát triển thành ấu trùng đuôi, ấu trùng đuôi rời khỏi ốc và bám vào các loại rau mọc dưới nước tạo nang trùng hoặc bơi tự do trong nước. Người hoặc trâu bò ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước lã có ấu trùng sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn.
Khi người ăn sống rau mọc dưới nước hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán, ấu trùng sán vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc đến gan, đục thủng bao gan và xâm nhập vào nhu mô gan gây tổn thương gan. Đây cũng chính là giai đoạn kích thích cơ thể phản ứng miễn dịch mạnh nhất. Sán lá gan ký sinh chủ yếu ở mô gan, nhưng trong giai đoạn xâm nhập sán có thể đi chuyển lạc chỗ và gây các tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày.
Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2-3 tháng, sán xâm nhập vào đường mật trưởng thành và đẻ trứng. Tại đây sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm (có thể tới 10 năm) nếu không được phát hiện và điều trị. Tại đường mật: sán gây tổn thương biểu mô đường mật, tắc mật, viêm và xơ hoá đường mật thứ phát; viêm tụy cấp...
Để phòng bệnh sán lá gan lớn, TS Vũ Minh Điền cho biết: Đây là bệnh liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống của người dân, vì vậy phòng bệnh là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Người dân không nên ăn sống các loại rau nọc dưới nước như: rau muống, rau ngổ, rau cần, cải xoong, rau rút…
Không uống nước lã. Khi nghi ngờ nhiễm sán lá gan lớn phải đến cơ sở khám chữa bệnh (chuyên khoa) để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Những người vốn có thói quen ăn các loại rau mọc dưới nước (đầm, ao, hồ ...), ăn sống hoặc không được chế biến kỹ, cũng nên đi khám, tầm soát bệnh.