Chị N.T.T (34 tuổi, quê Vĩnh Phúc) một tuần trở lại đây chị xuất heijen đau bụng vùng cạnh rốn, hố chậu trái, nên đã đến phòng khám tư khám. Tại đây phòng khám phát hiện một vết đen ở gan và được chụp phim cắt lớp phát hiện sán lá gan và đã giới thiệu chị đến bệnh viện tuyến trung ương khám và điều trị.
Ngày 19/3, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được chẩn đoán sán lá gan chưa loại trừ áp xe gan trái do ký sinh trùng. Trong quá trình điều trị, qua hình ảnh siêu âm, chụp chiếu lại cho thấy ngoài hình ảnh tổn thương ở gan, các bác sĩ còn phát hiện thêm hình ảnh khác là một khối hỗn hợp âm ở vùng tiểu khung bên trái (phần thấp của bụng trái) và kèm theo có hình ảnh dịch tự do trong ổ bụng.
Ngay sau đó, bệnh nhân được các bác sĩ hội chẩn, và thống nhất chẩn đoán là chửa ngoài tử cung khi đang điều trị áp xe gan trái do ký sinh trùng.
Ngay lập tức bệnh nhân đã được chuyển đến khoa Sản. Sau khi thăm khám kỹ càng, các bác sĩ sản khoa đánh giá: đây là một trường hợp khá đặc biệt khi phát hiện đồng thời chửa ngoài tử cung và bị áp xe gan.
Khối chửa ngoài tử cung có nguy cơ biến chứng xâm lấn, chảy máu mất máu cấp đe dọa tính mạng, nên bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy khối chửa và tiếp tục điều trị áp xe gan.
Ca phẫu thuật đã được tiến hành kịp thời và an toàn. Sau phẫu thuật bệnh nhân giảm hẳn các triệu chứng đau bụng trái, hồi phục tốt.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, ngay sau khi ổn định, bệnh nhân sẽ được chuyển lại Khoa Vi rút – ký sinh trùng để điều trị tiếp bệnh Sán lá gan.
Bệnh nhân T cho biết, bản thận không hề biết mình có thai mặc dù đi qua nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện ra chửa ngoài tử cung. Chỉ đến khi điều trị sán lá gan, các bác sĩ đã phát hiện ra chị bị chửa ngoài tử cung…
Qua bệnh nhân T các bác sĩ khuyến cáo, các chị em phụ nữ, đặc biệt là các chị em trong độ tuổi sinh đẻ nếu có dấu chậm kinh, rong kinh, đau bụng thì phải đi khám tại chuyên khoa Sản để có các tư vấn kịp thời.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Mộc Trà