Thông tin trên báo VnExpress, ngày 28/8, bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, Khoa Xạ trị - Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, cho biết bệnh nhân 70 tuổi này được chẩn đoán ung thư thanh quản từ 2021, giai đoạn 2, có thể phẫu thuật và điều trị khỏi lâu dài.
Tuy nhiên, người bệnh từ chối, xin về nhà dùng thuốc nam.
Sau gần 2 năm tự điều trị bằng thuốc nam, tình trạng bệnh không những không giảm mà còn tiến triển nặng hơn.
Đầu năm nay, người đàn ông nhập viện khi xuất hiện nhiều cơn ho, khạc ra máu kèm khàn tiếng, khó thở. Các xét nghiệm phản ánh tình trạng thiếu máu, đái tháo đường, gout. Kết quả chụp CT cho thấy hình ảnh u tăng kích thước, gây hẹp 2/3 lòng thanh quản, được chẩn đoán ung thư thanh quản giai đoạn 4 trên nền thể trạng suy kiệt.
Ê kíp truyền máu ổn định đường huyết, nâng cao thể trạng, lập kế hoạch xạ trị. Sau 6 tháng, người bệnh đáp ứng khoảng 90%, vùng xâm lấn khối u đã giảm, đỡ khản tiếng, không còn khó thở, khạc ra máu.
Theo báo Pháp luật Việt Nam dẫn lời Ths.Bác sĩ Nguyễn Trung Kiên, hiện nay, một số người bệnh khi sử dụng thuốc đông y, thuốc nam, thuốc bắc, thuốc dân gian cảm thấy sức khỏe tốt lên, đó là do tâm lý.
Khi bệnh nhân có niềm tin, yên tâm chữa bệnh thì sức khỏe cũng sẽ được cải thiện. Mặt khác, trong một số loại thuốc đông y có những vị thuốc chống viêm, giảm đau, tăng cường miễn dịch, bồi bổ khí huyết.
Vì vậy, khi uống vào sức khỏe nên có thể tăng lên khiến người bệnh lầm tưởng là bệnh được chữa trị đúng cách nên đã bỏ lỡ cơ hội điều trị tốt nhất. Đến khi bệnh tiến triển nặng, các loại thuốc dân gian kể trên không có tác dụng thì bệnh đã bước vào giai đoạn muộn.
Như trường hợp người bệnh N.H.L, nếu ngay từ đầu được điều trị theo phác đồ của bác sĩ thì có thể điều trị khỏi lâu dài. Nhưng do người bệnh không điều trị, lại uống thuốc nam nên khiến bệnh âm thầm nặng thêm. Khi phát hiện thì đã muộn.
Nguyễn Linh(T/h)