Hiện nay chính sách sinh con ở Trung Quốc được nới lỏng hơn rất nhiều, thế nhưng nhiều người hiện đại lại không còn thiết tha về việc có con nữa.
Sống tại một vùng nông thôn xa xôi ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), vẫn có những người theo đuổi ý tưởng “đông con nhiều phúc”, cho rằng nếu có nhiều con thì chúng sẽ phụng dưỡng mình khi về già.
Cặp vợ chồng ở tỉnh Tứ Xuyên sinh 11 đứa con trong 16 năm. Người mẹ tên Trương Hạnh Tử, cô cùng với các con cảm thấy khổ sở với cuộc sống nghèo túng và đông con như vậy, chỉ có người cha là Hạ Hồng tỏ ra thích thú.
Theo đó, Trương Hạnh Tử sinh ra trong một gia đình nông thôn nghèo ở Tứ Xuyên, cô bỏ học sớm vì gia đình khó khăn, chỉ có thể làm công việc đồng áng.
Năm 1995, Trương Hạnh Tử, 19 tuổi, quyết định rời quê hương, theo những người dân làng đến Thượng Hải để tìm kiếm một cơ hội thay đổi vận mệnh của mình. Do không có trình độ văn hóa cũng như chuyên môn, cộng với xuất thân từ một vùng núi nghèo, cô chỉ có thể làm những công việc tay chân như bồi bàn, dọn dẹp, phụ bếp…
Trong thời gian đó, cô Trương gặp Hạ Hồng, cũng là một người bỏ học sớm. Vận mệnh đã đưa họ đến với nhau. Sau một thời gian yêu nhau, 2 người kết hôn, cô Trương theo chồng về quê và trở thành bà nội trợ.
Hai vợ chồng nhanh chóng có đứa con đầu lòng. Do cháu bé là con gái, anh Hạ không hài lòng nên ép vợ nhanh sinh đứa thứ 2. Lý do rất đơn giản, hầu như gia đình nào ở nông thôn cũng cần con trai để nối dõi tông đường, bản thân anh Hạ cũng nghĩ như vậy.
Một năm sau, cô Trương sinh một bé trai, gia đình đủ nếp đủ tẻ khiến cô rất vui mừng. Cô nghĩ rằng, bây giờ mình đã có thể yên tâm làm ruộng, sống cuộc đời bình yên ở quê.
Cô không ngờ rằng, hành trình sinh con của mình chỉ mới bắt đầu. Kể từ năm 1998, cô Trương cứ cách 1 hoặc 2 năm lại sinh một đứa con. Cảnh tượng như vậy lặp lại trong 16 năm tiếp theo, với 11 đứa trẻ lần lượt đến với thế giới này. Tính đến năm 2011, vợ chồng đã có 11 người con.
Hạ Hồng bị ám ảnh bởi quan niệm “đông con nhiều phúc” và áp đặt một cách tàn nhẫn quan niệm nối dõi tông đường lên Trương Hạnh Tử. Nhiều năm sinh con khiến hoàn cảnh tài chính của gia đình ngày càng khó khăn.
Gia đình anh Hạ vốn làm nghề nông là chính, 13 người sống chen chúc trong 1 căn nhà gạch. Hơn nữa, 11 đứa trẻ là 11 miệng ăn, cuộc sống khốn khổ vô cùng. Những đứa trẻ chưa từng có được một bữa ăn ngon, hiếm khi nào được no bụng. Hàng xóm xung quanh thấy những đứa trẻ thật đáng thương, thỉnh thoảng cho chúng một ít đồ ăn.
Ngoài việc không đủ ăn, bọn trẻ còn không đủ quần áo mặc, hầu hết đều do hàng xóm cho đồ cũ. Điều xót xa nhất là Hạ Hồng không hề quan tâm tới việc nuôi dạy con cái, chưa bao giờ để ý con mình đau ốm như thế nào.
Bọn trẻ không được cha mẹ dạy cách ứng xử, thậm chí không đảm bảo được vệ sinh cơ bản ở nhà. Nhà cửa lúc nào cũng bốc mùi hôi, không biết đã bao lâu không được dọn dẹp. Những đứa em nhỏ thường được 2 anh chị đầu chăm sóc là chính.
Ngoài ra, Hạ Hồng còn là một tên nghiện cờ bạc và nghiện rượu vì thế lại càng khiến cuộc sống gia đình rơi vào vực thẳm đen tối.
Trong một bữa tiệc, Hà Hồng say rượu đã mất kiểm soát, dẫn đến mâu thuẫn với gia đình chủ nhà, cuối cùng gây ra một bi kịch đẫm máu. Hà Hồng dùng dao kết liễu một mạng người.
Sự việc này khiến gia đình tan vỡ, ông Hạ bị kết án tù chung thân. Dưới sự sắp xếp của chính quyền, những đứa trẻ trong gia đình được cho đi học.
Nhưng bi kịch vẫn chưa kết thúc. Sau khi Hạ Hồng bị kết án tù, Trương Hạnh Tử cũng mất hoàn toàn nguồn tài chính, gia đình mất đi trụ cột. Con trai cả Hạ Quân Vy đã trở thành trụ cột mới của gia đình. Với tuổi đời còn quá trẻ, cậu cảm thấy bất lực trước trách nhiệm nặng nề này.
Nghèo đói kéo dài cũng khiến người con gái đầu lòng bỏ học để lên thành phố làm việc, từ đó mất liên lạc với gia đình. Thỉnh thoảng, cô gửi tiền về như một cách chứng minh mình vẫn còn sống.
Sau khi biết hoàn cảnh của gia đình nhà họ Hạ, ủy ban thôn đã cấp kinh phí để xây một ngôi nhà tình thương và cũng ủng hộ một khoản trợ cấp sinh hoạt nhất định. Điều này mang lại hy vọng cho việc học tập của những đứa trẻ, nhưng tổn thương tâm lý đã gây ra vẫn cần phải điều trị lâu dài.
Câu chuyện trên sau đó cũng đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của xã hội. Chính phủ và một số người tốt bụng đã chung tay giúp đỡ gia đình đang bên bờ vực thẳm này.
Với sự giúp đỡ này, môi trường sống của gia đình nhà họ Hà đã được cải thiện, trẻ em trong độ tuổi đi học dần có cơ hội được học tập chính quy. Tuy nhiên, tất cả sự quan tâm này cũng không thể thay đổi được nỗi đau trong quá khứ.
Bi kịch Hà Hồng phản ánh hậu quả khủng khiếp của việc mù quáng tuân theo quan niệm sinh sản trong một môi trường có quan niệm văn hóa lạc hậu. Anh đắm chìm trong quan niệm "đông con nhiều phúc" và đặt những ham muốn ích kỷ của bản thân lên trên hạnh phúc của con cái. Bi kịch này cuối cùng đã khiến cậu con trai cả phải nói ra lời đau lòng: "Tôi thà không được sinh ra còn hơn".
Nhưng may mắn thay, cuộc sống của họ giờ đây đã đi đúng hướng và vẫn còn hy vọng cho tương lai.
Như Quỳnh (T/h)