+Aa-
    Zalo

    Người dân miền Trung "lên dây cót" chống áp thấp nhiệt đới

    (ĐS&PL) - Trước những diễn biến của áp thấp nhiệt đới được dự báo sắp mạnh lên thành bão trên Biển Đông, các tỉnh, thành miền Trung đã chủ động triển khai công tác ứng phó.

    Chủ động di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm

    Báo Dân Trí thông tin, nhằm ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) được dự báo đang mạnh lên thành bão số 4, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú.

    Các đơn vị, địa phương rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với ATNĐ, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở, lũ quét, tập trung đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, nhất là các khu vực trọng điểm, xung yếu.

    Sáng 18/9, tại Thanh Hóa trời nắng ráo. Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Thanh Hóa, từ đêm 18/9 đến ngày 21/9, địa phương này sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa có nơi trên 300mm.

    Mưa lớn tập trung vào ngày 19 và 20/9, có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

    Tại Nghệ An, lãnh đạo tỉnh này đã yêu cầu các địa phương chủ động di dời dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

    àu thuyền vào trú ẩn ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Dân Trí

    àu thuyền vào trú ẩn ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Dân Trí

    Sáng 18/9, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT-TKCN&PTDS) tỉnh Nghệ An, cho biết, dự báo 18-22/9, địa phương này có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng.

    Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra, tỉnh Nghệ An yêu cầu đơn vị, địa phương liên quan rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.

    Nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi… trên sông, suối khi có mưa lũ hoặc di chuyển vào vùng ngập lũ, hạ du các hồ đập; có phương án đảm bảo an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương tại các khu vực bị ngập lụt.

    Tại Hà Tĩnh, tối 17 và sáng 18/9, tại huyện Can Lộc, Thạch Hà, thị xã Kỳ Anh và thành phố Hà Tĩnh có mưa rào và dông rải rác, nhiều nơi mưa vừa, cục bộ mưa to.

    Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh này vừa ký ban hành công điện khẩn, trong đó, yêu cầu Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động chi viện cho các địa phương trong việc sơ tán dân, ứng phó bảo vệ đê điều, hồ đập và công trình xung yếu, đảm bảo an ninh trật tự và chủ động triển khai phương án ứng phó với thiên tai.

    Ngư dân Đà Nẵng tất bật cẩu thuyền thúng lên bờ 

    Theo báo Người Lao Động, sáng 18/9, ngư dân TP Đà Nẵng đang khẩn trương thu gọn ngư lưới cụ vào bờ. Hàng trăm chiếc thuyền được ngư dân Đà Nẵng khẩn trương kéo lên đường tập kết, chằng néo trước khi áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và hướng về đất liền các tỉnh miền Trung.

    Ngư dân Đà Nẵng tấp nập đưa thuyền thúng lên bờ tại cầu cảng tại biển Thọ Quang. Ảnh: Người Lao Động

    Ngư dân Đà Nẵng tấp nập đưa thuyền thúng lên bờ tại cầu cảng tại biển Thọ Quang. Ảnh: Người Lao Động

    Tại khu vực cầu cảng tại biển Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), nhiều ngư dân đã thuê xe cẩu đưa tàu, thuyền về nơi tránh trú. Tàu thuyền được cẩu lên nằm dọc vỉa hè tuyến đường Hoàng Sa.

    Ngư dân Phạm Văn Tuấn cho biết gia đình anh có 4 thuyền thúng, từ sáng sớm anh cùng người thân ra chân cầu cảng thuê xe cẩu thuyền lên bờ tránh bão. "Giá cẩu tùy vào thuyền lớn nhỏ, như gia đình tôi thuê cẩu mỗi chiếc là 300.000 đồng" - anh Tuấn chia sẻ.

    Trong khi đó, nhiều ngư dân chia sẻ tranh thủ cẩu thuyền lên bờ sớm để tiết kiệm chi phí.

    Trong khi đó, lo mưa lớn gây ngập nặng, người dân vùng rốn lũ Mẹ Suốt ở TP Đà Nẵng đã thu dọn đồ đạc, kê lên chỗ cao để tránh thiệt hại.

    Từ sáng 18/9, nhiều hộ dân ở khu vực rốn lũ Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã tất bật lo dọn dẹp, kê cao đồ đạc.

    Dự kiến, trong chiều, tối 18/9, tình hình mưa bão tại Đà Nẵng tiếp tục diễn biến phức tạp. Ảnh: Người Lao Động

    Dự kiến, trong chiều, tối 18/9, tình hình mưa bão tại Đà Nẵng tiếp tục diễn biến phức tạp. Ảnh: Người Lao Động

    Do mưa lớn kéo dài, sáng 18/9, trên một số tuyến đường ở Đà Nẵng nước ngập sâu 30-50 cm khiến tình hình giao thông hỗn loạn.

    Trước diễn biến phức tạp, nhiều khả năng trở thành bão số 4 của áp thấp nhiệt đới, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã cho học sinh toàn thành phố nghỉ học vào chiều 18/9 và ngày 19/9, báo Người Lao Động đưa tin.

    Quảng Trị: Người dân đưa tàu cá vào âu, giằng néo nhà cửa

    Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, tại Quảng Trị, hàng trăm tàu cá lớn nhỏ được ngư dân đưa vào neo đậu ở âu tàu xã Triệu An (huyện Triệu Phong), giằng néo chắc chắn. Người dân ven biển dùng bao cát, dây thừng gia cố mái nhà.

    Sáng 18/9, tại Quảng Trị có mưa vừa và mưa to. Chính quyền địa phương và người dân cấp tập chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão.

    Cán bộ biên phòng Triệu Vân dùng loa kêu gọi tàu thuyền vào âu tàu neo đậu. Ảnh: Tuổi Trẻ

    Cán bộ biên phòng Triệu Vân dùng loa kêu gọi tàu thuyền vào âu tàu neo đậu. Ảnh: Tuổi Trẻ

    Tại huyện đảo Cồn Cỏ, quân dân trên đảo chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; kêu gọi tàu thuyền vào bờ; riêng tàu cá của các hộ dân tại đảo đã đưa lên bờ an toàn.

    Trong buổi sáng, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng đảo Cồn Cỏ dùng bao cát gia cố mái nhà dân, các công trình công cộng. Các cây cao trên đảo cũng được cắt tỉa.

    Toàn bộ khách du lịch trên đảo được đưa hết vào bờ từ hôm qua. Hiện, các lãnh đạo của huyện Cồn Cỏ túc trực đầy đủ trên đảo để ứng phó với tình hình mưa gió.

    Ngư dân đưa tàu thuyền vào âu tàu, giằng néo an toàn. Ảnh: Tuổi Trẻ

    Ngư dân đưa tàu thuyền vào âu tàu, giằng néo an toàn. Ảnh: Tuổi Trẻ

    Trong khi đó, tại âu tàu ở xã Triệu An, Đồn biên phòng Triệu Vân cho ca nô đi dọc sông để tuyên truyền, hướng dẫn người dân vào neo đậu, giằng néo tàu thuyền an toàn. Hiện, âu thuyền này có 180 tàu của tỉnh Quảng Trị và 45 tàu với 134 thuyền viên ngoại tỉnh.

    Lực lượng biên phòng cũng tỏa đi các thôn xóm, hỗ trợ các hộ dân neo đơn, già yếu chằng chống nhà cửa, dùng bao cát để gia cố mái nhà.

    Cũng trong sáng nay, một cơn lốc xoáy ập vào thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh). Ông Nguyễn Xuân Phương - chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt - cho biết cơn lốc có thiệt hại nhỏ, làm đổ một số biển hiệu, cây xanh và tốc mái một điểm trường mầm non.

    Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, đến chiều qua, toàn tỉnh có 2.278 chiếc tàu 5.564 thuyền viên vào neo đậu an toàn tại các bến, tàu thuyền ngoại tỉnh đang neo đậu trên địa bàn là 56 chiếc/406 thuyền viên.

    Tỉnh Quảng Trị có công điện gửi các địa phương về ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

    Quảng Trị yêu cầu các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp với các cơ quan kiểm đếm, quản lý các tàu thuyền còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

    Triển khai các lực lượng kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, suối, khu vực thấp trũng, khu đô thị, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-dan-mien-trung-len-day-cot-chong-ap-thap-nhiet-oi-a465846.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan