(ĐSPL) - Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm học 2014 rất cao đã khiến xã hội nóng lên, với nhiều nghi ngại: Liệu kết quả như vậy đã phản ánh đúng thực tế về chất lượng hay chưa?
Chúng ta có nên duy trì một kỳ thi mà kết quả dường như được báo trước gây tốn kém, lãng phí và tạo thêm nhiều áp lực cho thí sinh không?
Lo lắng vì tỷ lệ tốt nghiệp cao chót vót
Theo đúng tiến độ, đến cuối giờ chiều ngày 18/6/2014, tất cả các sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản gửi về bộ GD&ĐT báo cáo kết quả tốt nghiệp năm học 2014. Theo đó, ở hệ trung học phổ thông (THPT), tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,02\% (tăng 0,05\% so với năm 2013), hệ giáo dục thường xuyên là 89,01\% (tăng hơn 10\% so với năm 2013). Nhiều cơ sở giáo dục ở các tỉnh, tỷ lệ tốt nghiệp đã cán đích 100\%, ví dụ như Hà Nội có 92 trường, Thanh Hóa có 82 trường, Bình Định, Hòa Bình có 27 trường, Bình Dương 26 trường, Bắc Ninh 23 trường, Đồng Tháp 22 trường...
Từ những kết quả cao chót vót này, dư luận cho rằng, căn bệnh trầm kha của giáo dục là bệnh thành tích vẫn chưa khi nào được chữa trị đúng cách và chưa bao giờ thuyên giảm. Sự giả dối vẫn tồn tại từ khâu dạy và học cho đến những tấm bằng trao tay, những kết quả đạt được qua các kỳ thi. Chính điều đó dẫn đến việc thay vì vui mừng, nhiều người lại tỏ ra hết sức lo ngại: Nếu tiếp tục học giả, thi lấy lệ, kết quả không sát thực thì chất lượng giáo dục sẽ đi về đâu? Bên lề kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đã bày tỏ mong muốn xóa bỏ kỳ thi tốt nghiệp mang nặng tính hình thức, chất lượng ảo như thời gian qua để tránh lãng phí cho xã hội, giảm áp lực với học sinh.
Phụ huynh Nguyễn Văn Chung (46 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: “Tôi vất vả xin nghỉ làm cả tuần để lo cho con thi tốt nghiệp mà có cảm giác như đưa con mình đi thi lấy lệ. Trước khi đi thi, con trai tôi bảo, bố yên tâm, con không thể trượt được. Tôi có hỏi thì cháu nói rằng, các thầy cô trong trường đều khẳng định cứ yên tâm, thi là sẽ đỗ. Trừ những trường hợp đặc biệt vi phạm nội quy, quy chế hay học lực và hạnh kiểm quá yếu mới sợ trượt. Tôi còn nghe cháu nói, nhiều bạn được thầy cô chiếu cố nâng điểm quá trình học để khả năng đỗ tốt nghiệp cao hơn. Không biết thực hư thế nào nhưng như thế, tổ chức thi liệu có lợi ích gì khi mà các em chưa thi đã biết trước và ung dung với một kết quả tốt đẹp”?
Còn cô Nguyễn Thị Vững, giáo viên đã nghỉ hưu ở Bắc Ninh đưa quan điểm: “Một đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục, tôi nhận thấy rằng, kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay rõ ràng là thừa, là gây tốn kém tiền của, lãng phí thời gian, tạo thêm áp lực cho học sinh. Bởi thực tế, năm nào thi tốt nghiệp cũng có tỷ lệ đỗ rất cao, năm sau lại cao hơn năm trước. Nếu học sinh của chúng ta giỏi như vậy, bộ GD&ĐT cần gì phải trăn trở vào sự nghiệp đổi mới giáo dục nữa? Những đề án 34 nghìn tỉ đồng viết một bộ sách giáo khoa hay là hạ thi đua những tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp quá cao ở thời điểm tổng kết thi tốt nghiệp năm 2013 để làm gì? Tôi sợ rằng với những kết quả như vậy, bản thân các em học sinh không thể tự giác và trung thực trong học tập được”.
Nhiều học sinh không lo trượt tốt nghiệp trước kỳ thi (Ảnh minh họa). |
Lãnh đạo Bộ cũng quan ngại
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, bộ GD&ĐT thì kỳ thi tốt nghiệp THPT không nhằm đánh trượt học trò. Ngay cả ở các nước phát triển, nhiều nước vẫn duy trì thi tốt nghiệp. Từ lâu, kỳ thi này đã nặng nề và tốn kém. Thời gian qua, Bộ đã liên tục có những đổi mới để giảm thiểu tối đa sự tốn kém này.
Tuy nhiên, người viết nhớ lại ở thời điểm khi nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân còn làm Tư lệnh ngành và phát động cuộc vận động “hai không” trong giáo dục cho năm học 2006 – 2007 thì ngay lập tức, kết quả thi tốt nghiệp THPT lần 1 của năm đó chỉ đạt dưới 70\%, thậm chí có những trường không có thí sinh nào đỗ tốt nghiệp. Hiện nay, nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, nếu làm đúng, làm nghiêm thì tỷ lệ học sinh tốt nghiệp thậm chí chỉ đạt 50\%. Cũng thời điểm này cách đây 10 năm, cả Hà Nội chỉ có một trường có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100\%. Vậy mà trong vòng 10 năm, con số ấy đã tăng lên 92 lần. Đây quả là một mức vượt đáng phải suy ngẫm.
Hơn nữa, theo nguồn tin mà người viết có được thì năm 2014, tỷ lệ tốt nghiệp ở trường THPT Nam Lương Sơn, Hòa Bình, nơi có nghi án tiêu cực do thầy giáo Đỗ Việt Khoa tung ảnh học sinh quay bài lên trang cá nhân của mình chỉ đạt 76,01\%, thấp nhất toàn tỉnh. Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Riêng phòng thi số 2 bị chĩa máy quay vào có 24 thí sinh dự thi thì có đến 19 em trượt tốt nghiệp”. Như thế, nếu tất cả các phòng thi ở các hội đồng thi đều lắp camera giám sát thì kết quả thực tế tốt nghiệp của học sinh THPT còn thấp đến mức nào?! Dù vậy, bộ GD&ĐT vẫn còn nhiều chần chừ với phương án chống tiêu cực được cho là rất khả thi này.
Chính vị Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp năm 2014 là Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng có phần e ngại về con số 100\%. Ông cho biết: “Năm nay, thi tốt nghiệp làm nghiêm hơn những năm trước nên kết quả chắc chắn sát thực hơn. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ kết quả này chưa sát với chất lượng thực tế. Thời gian tới, bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm hướng tới đạt chất lượng giáo dục tốt nhất trong các năm tiếp theo”.
Bộ GD&ĐT “bật mí” về đề thi đại học, cao đẳng năm 2014
Ông Mai Văn Trinh cho biết, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đại học cao đẳng sắp tới đã xong để bảo đảm kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch, suôn sẻ. Vị Cục trưởng cũng “bật mí” để hướng tới một kỳ thi duy nhất, xét tốt nghiệp THPT làm căn cứ cho thi đại học, cao đẳng theo lộ trình đổi mới giáo dục thì đề thi đại học, cao đẳng năm nay sẽ có sự đồng bộ cộng hưởng với kỳ thi tốt nghiệp vừa qua nhưng kiến thức sâu hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. |
Sẽ không bỏ thi tốt nghiệp
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Bộ GD&ĐT chưa tính đến việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp nhưng chắc chắn sẽ không thi tốt nghiệp như năm nay mà có những đổi mới phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục theo đúng kế hoạch của bộ.