Hằng ngày, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta dành rất nhiều thời gian cho công việc tại văn phòng, có khi gấp đôi thời gian tiếp xúc với gia đình.
Như vậy, việc thiết lập nên những mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp là một sự hỗ trợ quan trọng để tạo môi trường làm việc thoải mái cho các nhân viên. Tuy nhiên, để giữ vững những nền tảng giá trị của mỗi người để không biến những mối quan hệ này trở thành "nguy cơ" nơi công sở, thì nhà lãnh đạo doanh nghiệp, hoặc trực tiếp nhất là nhà quản lý cấp trung phải huấn luyện, định hướng cho nhân viên của họ.
Chủ động phân biệt ranh giới các mối quan hệ đồng nghiệp ở công sở
Sự phát triển của đời sống hiện nay cho chúng ta nhiều cơ hội để nhìn thấy thế giới, cho chúng ta nhiều mối quan hệ mới để có thể so sánh. Và đôi khi vì những cơ hội và những sự so sánh này trong môi trường công sở sẽ có ảnh hưởng tới mối quan hệ hôn nhân giữa những người đã có gia đình. Qua tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ tại Việt Nam, diễn giả Vương Hữu Hùng - Chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp (Fresh View Training & Consulting Co.) cho biết, "những mối quan hệ mật thiết giữa nhân viên văn phòng là khó tránh khỏi, vì ngày nay trong môi trường làm việc, người ta có khuynh hướng chia sẻ, không giới hạn trong phạm vi công việc, mà còn cả những chuyện cá nhân với đồng nghiệp. Từ đó, nếu 2 cá nhân khác giới đã có 2 mái gia đình, thì ranh giới giữa nguy hiểm và an toàn là quá mong manh”.
Theo kinh nghiệm của nhiều tập đoàn chuyên nghiệp trên thế giới, khi nhà quản lý phát hiện được mối quan hệ đồng nghiệp khác giới của 2 cá nhân trong công sở, sau khi trò chuyện với 2 người, thì sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Một là, nếu 2 người này còn độc thân, nhà quản lý sẽ chủ động phân công lại công việc, cố gắng không để họ làm chung trong một bộ phận, để họ có thể toàn tâm toàn ý trong giờ làm việc. Còn nếu đây là mối quan hệ trái đạo đức, thì tổ chức sẽ cho hai người có thời gian thử thách, sửa đổi. Nếu như họ vẫn một mực bất chấp dư luận, thì mới nghĩ đến biện pháp mạnh hơn là cho thôi việc một trong hai người.
Có thể thấy, đây là cách giải quyết đúng đắn nhất vì nó sẽ ảnh hưởng đến năng lực làm việc của cả tổ chức, và khả năng cạnh tranh của tổ chức này. Muốn có được những quyết định này, bản thân nhà quản lý phải có những kiến thức nhất định về vấn đề : vì sao lại nảy sinh những mối quan hệ đồng nghiệp có tính "thân mật" nơi công sở?
Nắm bắt mấu chốt để giải quyết vấn đề
Nhiều nhà quản lý dành nhiều thời gian và chi phí để đào tạo nhân viên trên phương diện chuyên môn, nhưng chưa tìm cách thấu hiểu họ ở phương diện con người. Có khi nào chúng ta tự hỏi, vì sao lại nảy sinh những mối quan hệ "thân mật" nơi công sở?
Theo tiến sĩ Gary Chapman với cuốn sách nổi tiếng "Năm ngôn ngữ tình yêu", ông chia ngôn ngữ tình yêu ra làm 5 loại, trong đó có : lời nói mang tính khích lệ, thời gian chất lượng dành cho nhau, quà tặng, tinh thần phục vụ lẫn nhau, truyền cảm - xúc giác. Vì sao nam giới và nữ giới cùng một công sở thường có khuynh hướng chia sẻ chuyện riêng tư với nhau, đơn giản là vì ngôn ngữ yêu thương của họ và người bạn đời riêng của mình không trùng lắp với nhau. Ví dụ như người chồng của một nữ nhân viên chỉ thích nói lời khích lệ, nhưng người phụ nữ lại cần thời gian chất lượng dành cho nhau. Từ đây, khi bắt gặp người đồng nghiệp nam dành nhiều thời gian cho mình, người phụ nữ sẽ dễ dàng lao theo. Như vậy, người quản lý giỏi phải phân tích cho nhân viên mình thấy rằng, mối hôn nhân dựa trên sự cam kết mới chính là mối quan hệ mang tính lâu dài, còn mối quan hệ dựa trên cảm xúc là mối quan hệ "ăn xổi ở thì", mang tính rủi ro cao.
Và trên hết, sự rủi ro này sẽ ảnh hưởng rất to lớn, trực tiếp ngay trước mắt là trong công việc hằng ngày của họ : thay vì cố gắng phấn đấu trong công việc chung, họ sẽ duy trì thói quen "yêu đương" của các cặp đôi trong môi trường công sở, từ đó giảm chất lượng công việc. Khi nguồn lực về con người bị ảnh hưởng, thì doanh nghiệp dễ dàng bị suy yếu, dẫn đến năng lực cạnh tranh kém. Nhà quản lý cần phải nhìn nhận rõ ràng nguy cơ này đối với doanh nghiệp mình.
Nghệ thuật sa thải của nhà quản lý giỏi
Đặt trường hợp, mối quan hệ đồng nghiệp "thân mật" này được duy trì giữa hai đối tượng nhân sự cốt cán trong doanh nghiệp, mà nếu cho thôi việc thì cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của công ty, thì lúc này, nhà quản lý giỏi còn phải nắm vững kỹ năng sa thải nhân viên.
Trước hết, nhà quản lý cần tinh tế để nhận ra rằng ban đầu, những nhân sự này có thể có năng lực giỏi thực sự. Nhưng khi họ bước vào mối quan hệ không chính thống với nhau, thì cam đoan rằng họ không thể dành hết 8 giờ đồng hồ cho công việc nữa. Khi hành động của họ không được đồng nghiệp xung quanh hoan nghênh, thì năng lực của họ sẽ bị chi phối vì họ chú tâm vào việc đối phó với dư luận của đồng nghiệp, dư luận của xã hội, thậm chí với dư luận của khách hàng - nếu khách hàng phát hiện được họ là những người không chuẩn mực về đạo đức.
Như vậy, xét về góc độ quản trị rủi ro, thì khi nhà quản lý này thỏa hiệp với mối quan hệ sai trái của nhân viên mình, tác hại sẽ cao hơn so với việc chấp nhận sa thải nhân sự đã vi phạm đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật đó. Chắc chắn rằng, nhà quản lý sẽ tìm được một nhân tài khác phù hợp hơn trong bối cảnh kinh tế hiện tại.
Cuối cùng, Diễn giả Vương Hữu Hùng cũng lưu ý là, nhà quản lý sẽ chịu trách nhiệm với rất nhiều nhân sự khác trong công ty. Cho nên sự sụp đổ tương tự về quy mô doanh nghiệp cũng xảy ra khi chính bản thân nhà quản lý bị vướng vào những mối quan hệ đồng nghiệp khác giới tiêu cực tại doanh nghiệp mình.
Nguồn : Website tuyển dụng Careerlink.vn !
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-thuat-dieu-tiet-moi-quan-he-tai-cong-so-a67744.html